1. Kinh doanh

Lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm, Volkswagen có thể đóng cửa các nhà máy

Volkswagen có thể đóng cửa tới ba nhà máy ở Đức và sa thải hàng chục nghìn công nhân khi tìm cách giành lại lợi thế ở châu Âu trong bối cảnh doanh số bán hàng sụt giảm và sự cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc.

Việc đóng cửa sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của công ty, nhà tuyển dụng lớn nhất của Đức, và sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế vốn đã trì trệ của đất nước này.

Người đại diện, Daniela Cavallo, người đứng đầu hội đồng đại diện cho nhân viên của công ty tại Đức, đã thông báo tới các công nhân tại nhà máy Volkswagen ở Wolfsburg rằng việc đóng cửa theo đề xuất là một phần của kế hoạch mà các nhà quản lý đã trình lên hội đồng công nhân.

Công ty "muốn đóng cửa ít nhất ba nhà máy của VW, thu hẹp quy mô tất cả các nhà máy còn lại, thoái vốn khỏi các lĩnh vực cốt lõi và trên hết là thực hiện cắt giảm lương mạnh cho những nhân viên còn lại”.

Volkswagen cũng đang cân nhắc cắt giảm lực lượng lao động tại các nhà máy ở Đức vẫn sẽ mở cửa, bà Cavallo cho biết thêm, “cụ thể, điều này có nghĩa là phải cắt giảm nhiều sản phẩm, khối lượng, ca làm việc và toàn bộ dây chuyền lắp ráp hơn nhiều so với những gì chúng tôi đã làm".

Volkswagen là thương hiệu hàng đầu của Tập đoàn Volkswagen, bao gồm Audi và Porsche.

Không có công ty nào khác ở Đức có sức nặng như Volkswagen. Lịch sử của công ty gắn liền với sức mạnh kinh tế và công nghiệp của đất nước trong thời kỳ hậu Thế chiến II, và nền kinh tế địa phương của toàn bộ các khu vực trên khắp đất nước phụ thuộc vào Volkswagen và những người lao động được trả lương cao của công ty này.

Volkswagen từ chối bình luận về chi tiết của kế hoạch, nói rằng họ sẽ chỉ bình luận sau khi công ty và đại diện nhân viên nhất trí về giải pháp. Nhưng trong một tuyên bố, các nhà quản lý cho biết do nhu cầu giảm và cạnh tranh ngày càng tăng, chi phí tuyển dụng ở Đức vẫn quá cao và các cấu trúc hiện tại sẽ phải thay đổi.

"Nếu không có các biện pháp toàn diện để lấy lại sức cạnh tranh, chúng tôi sẽ không đủ khả năng chi trả cho các khoản đầu tư đáng kể trong tương lai", Gunnar Kilian, một thành viên của ban quản lý, cho hay.

Người phát ngôn của Olaf Scholz, thủ tướng Đức, cho rằng "các quyết định quản lý sai lầm" có thể là nguyên nhân gây ra những rắc rối của Volkswagen và cho biết người lao động không nên phải trả giá.

Người phát ngôn Wolfgang Büchner cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ của các quan chức chính phủ rằng mMục tiêu hiện tại là duy trì và đảm bảo việc làm".

Ông Scholz đang chịu áp lực phải phục hồi nền kinh tế Đức đang suy thoái, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong bối cảnh sản lượng công nghiệp đang giảm. Quốc gia này là nền kinh tế duy nhất trong số bảy nền kinh tế hàng đầu thế giới mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán sẽ trì trệ trong năm nay. Chính phủ Đức cho biết trong tháng này rằng họ dự kiến nền kinh tế sẽ suy giảm 0,2% vào năm 2024, giảm so với dự báo trước đó là tăng trưởng 0,3%.

Volkswagen từng úp mở việc đóng cửa nhà máy ở Đức có thể là cần thiết để thương hiệu hàng đầu của hãng vẫn có liên quan. Sản xuất ô tô là ngành công nghiệp quan trọng nhất của Đức, đóng góp 564 tỷ euro (610 tỷ USD), cho nền kinh tế của đất nước.

Nhưng nó cũng rất phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là sang Trung Quốc, nơi các nhà sản xuất Đức đã bán được khoảng 4,3 triệu ô tô vào năm 2021, theo Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc đã chuyển sang sử dụng xe điện sản xuất trong nước, khiến nhu cầu về xe Đức giảm.

Kể từ khi xảy ra đại dịch, nhu cầu về ô tô ở châu Âu cũng đã giảm khoảng 500.000 chiếc. Con số đó tương đương với sản lượng của 2 trong số 10 nhà máy của Volkswagen tại Đức, Arno Antlitz, giám đốc tài chính của Volkswagen cho biết.

"Về cơ bản, đây là quy mô của hai nhà máy", ông nói. "Đây là tình hình hiện tại của chúng tôi và chúng tôi phải xem xét vấn đề này".

Volkswagen cũng đang đàm phán về mức lương với công đoàn IG Metall, đại diện cho hầu hết công nhân của hãng sản xuất ô tô và đang tìm cách tăng lương 7%. Hai bên đã quyết định mở các cuộc đàm phán về một thỏa thuận lương mới sớm hơn vài tháng vì các kế hoạch tái cấu trúc.

Vòng tiếp theo được đã được lên lịch và bà Cavallo đã kêu gọi công ty trình bày cho nhân viên một kế hoạch. Thông báo của bà hai ngày trước cuộc đàm phán đã làm tăng thêm sự bất ổn trong số những người lao động.

“Các đồng nghiệp của tôi và tôi, chúng tôi lo lắng về công việc của mình”, Britta John, một nhân viên của Volkswagen và là phát ngôn viên của IG Metall tại Braunschweig, nói với báo chí. “Tình hình thực sự gây nản lòng”.

Nam Nguyễn

Tin khác