Làm thế nào để các bạn trẻ Gen Z không còn sợ... làm sếp?
Tại sao nhiều Gen Z từ chối làm sếp?
Thay vì tìm mọi cách để có cơ hội phát triển, ngày nay, một số người trẻ lại chẳng vui vẻ khi có được vị trí cao. Sở dĩ có hiện tượng này là do Gen Z rất đề cao sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Theo khảo sát của Deloitte năm 2023 về việc thăng tiến trong môi trường công sở, hơn một nửa số đáp viên Gen Z nhận thấy việc giữ vững tinh thần và sức khỏe là ưu tiên hàng đầu, và họ không muốn đánh đổi điều đó để lấy những vị trí công việc cao hơn với nhiều trách nhiệm và áp lực hơn.
Chị Trần Thùy Linh (SN 1998), đang làm việc tại một hệ thống trung tâm toán học tại Hà Nội chia sẻ: “Mình chưa hề sẵn sàng cho một vị trí quản lý, có thể cấp trên thấy mình có năng lực và đề nghị cho mình thăng chức nhưng mình luôn từ chối. Việc lên chức cho mình một mức lương cao hơn nhưng cũng làm cho mình bận rộn hơn rất nhiều. Mình cũng không nghĩ bản thân sẽ cân đối được khối lượng công việc lớn hơn mà vẫn giữ được các thói quen tốt hiện tại. Mình rất sợ cảnh cuộc sống bị đảo lộn vì những áp lực mới khi thăng chức”.
Ngoài ra, môi trường làm việc hiện đại thường gây áp lực lớn, đặc biệt là về mặt tài chính và tinh thần. Nhiều người trẻ lo ngại rằng việc trở thành sếp sẽ khiến họ gặp nhiều áp lực từ phía đồng nghiệp và cấp trên. APA (American Psychological Association) đã công bố một nghiên cứu chỉ ra rằng, áp lực tinh thần và sự lo lắng trong công việc là nguyên nhân chính khiến nhiều người Gen Z cảm thấy thiếu tự tin và sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo.
Chị Trần Thiên Hải An (SN 2000), đang công tác tại công ty bảo hiểm xã hội AIA (TP.HCM) cho biết: “Mình mới ra trường được 2 năm và cảm thấy bản thân còn khá non nớt. Mình rất biết ơn vì có cơ hội thăng tiến nhưng lại thấy áp lực khi đối mặt với ánh mắt của người xung quanh nếu được lên chức khi tuổi đời còn hạn chế. Chưa kể mình lo ngại một người trẻ như mình thì lời nói tại cơ quan không có sức nặng. Vì vậy, mình cũng không muốn làm sếp lắm dù đã có lời đề nghị”.
Việc làm lãnh đạo đồng nghĩa phải quản lý nhiều người hơn, chịu trách nhiệm nhiều hơn và thường xuyên phải đối mặt với các quyết định khó khăn. Một nghiên cứu từ Harvard Business Review cho thấy hơn 60% những người mới lên làm sếp cảm thấy thiếu tự tin vào khả năng lãnh đạo của mình. Điều này áp dụng đặc biệt cho Gen Z, một thế hệ thường cảm thấy thiếu kinh nghiệm do thời gian làm việc còn ngắn. Nhiều người trẻ e ngại vị trí quản lý đến quá sớm khiến họ sẽ đối diện với ánh mắt nghi ngờ từ đồng nghiệp và gặp khó khăn trong việc tạo uy tín. Điều này tạo ra một nỗi sợ về trách nhiệm mà họ chưa chắc đã muốn gánh vác trong sự nghiệp.
Phải làm gì để vượt qua nỗi sợ làm sếp?
Nỗi sợ làm sếp của Gen Z không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là thách thức của cả xã hội. Việc hiểu và hỗ trợ thế hệ trẻ này vượt qua những lo lắng để trở thành những nhà lãnh đạo vững vàng là điều quan trọng. Có thể thấy rằng kỹ năng mềm là yếu tố quyết định trong việc điều hành hiệu quả. Các công ty cần đầu tư vào việc đào tạo kỹ năng mềm như giao tiếp, giải quyết mâu thuẫn, và quản lý thời gian cho Gen Z. Điều này sẽ giúp họ tự tin hơn khi bước vào vai trò quản lý. Đặc biệt, đây là thế hệ chưa có quá nhiều kinh nghiệm khi điều hành bộ máy doanh nghiệp.
Ngoài ra, thêm một báo cáo của Deloitte trong năm 2024 về mục tiêu việc làm cho thấy 75% các Gen Z được quan sát mong muốn làm việc trong môi trường cởi mở, nơi ý kiến của mọi người được lắng nghe và sự khác biệt được tôn trọng. Tạo ra một môi trường không quá cứng nhắc và khuyến khích sáng tạo sẽ giúp Gen Z thoải mái hơn khi thử sức với vai trò lãnh đạo. Người trẻ hiện nay rất chú trọng đến sự quan trọng của đời sống tinh thần, việc thẳng thắn chia sẻ các quan điểm cũng như góc nhìn khiến việc làm người làm lãnh đạo ít nặng nề hơn do giảm thiểu các mâu thuẫn đồng nghiệp.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích Gen Z thử sức với vai trò quản lý tạm thời là một phương pháp hiệu quả để giúp họ dần làm quen với trách nhiệm lãnh đạo mà không gặp quá nhiều áp lực. Trước khi chính thức đảm nhận vai trò làm sếp, những người trẻ thuộc thế hệ này có thể tham gia quản lý các dự án nhỏ hoặc tạm thời điều hành một nhóm nhỏ trong các hoạt động ngắn hạn. Trải nghiệm quản lý tạm thời giúp Gen Z hình thành tư duy học qua trải nghiệm thực tế, giúp họ không chỉ học hỏi từ thực tiễn mà còn phát triển khả năng tư duy phản biện, điều cần thiết trong các vai trò lãnh đạo lâu dài.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, nỗi sợ trở thành sếp ở Gen Z là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ và đầu tư đúng đắn từ phía các tổ chức, Gen Z hoàn toàn có thể vượt qua những lo lắng này và phát triển thành những nhà lãnh đạo sáng tạo, linh hoạt. Thực tế, trong một khảo sát của Ernst & Young về tái định nghĩa sự thành công, 69% Gen Z trong khảo sát cho rằng họ muốn trở thành sếp trong tương lai nếu có đủ sự hỗ trợ và phát triển kỹ năng, cho thấy nỗi sợ làm sếp của một bộ phận giới trẻ hiện nay là có thể kiểm soát.
Bảo An