Làm gì để tự tin ứng tuyển khi bạn có thời gian nghỉ việc quá dài?
Thế nhưng, khi khoảng thời gian nghỉ ngơi kéo dài càng lâu, một nỗi lo lại bắt đầu hình thành: "Làm thế nào để tự tin ứng tuyển khi CV của mình có khoảng trống quá lớn?". Câu hỏi này không chỉ là một nỗi băn khoăn mà còn là một thử thách với nhiều người tìm việc ở Cần Thơ, TPHCM và nhiều nơi khác, nhất là khi sự cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng gay gắt.
Khoảng trống trong CV không phải là dấu chấm hết
Bất cứ điều gì đều không thể trở thành rào cản của bạn nếu bạn không cho phép. Vì vậy, bạn cần hiểu rằng khoảng trống trong CV không phải dấu chấm hết cho sự nghiệp của mình. Trong nhiều trường hợp, khoảng thời gian nghỉ ngơi này không phải do bạn không có khả năng làm việc mà vì những lý do cá nhân hoặc tác động của môi trường khiến bạn phải tạm ngưng hành trình của mình.
Chúng ta thường nghĩ rằng, một CV đẹp là một bản lý lịch không có khoảng trống, liền mạch từ công việc này sang công việc khác. Nhưng thực tế, điều mà nhà tuyển dụng quan tâm hơn cả chính là bạn nghỉ việc nhưng có ngừng nghỉ việc học hay không, bạn đã học được những gì trong khoảng giai đoạn đó và bạn sẽ mang lại giá trị gì cho công ty của họ. Nghỉ việc không có nghĩa bạn ngừng phát triển. Ngược lại, đây có thể là cơ hội để bạn tập trung trau dồi những khía cạnh khác mà bản thân chưa có thời gian thực hiện khi còn bận rộn với công việc.
Chuẩn bị hành trang cho bản thân trước khi ứng tuyển
Nếu bạn cảm thấy lo lắng về việc quay trở lại thị trường lao động sau một khoảng thời gian dài rời xa văn phòng, hãy bắt đầu bằng việc chuẩn bị hành trang cho bản thân thật kỹ lưỡng trước khi chính thức "ra trận".
- Cập nhật kỹ năng và kiến thức mới: Có phải bạn đã bỏ lỡ một số kỹ năng hay kiến thức mới trong lúc nghỉ ngơi? Nếu vậy, hãy dành thời gian đăng ký những khóa học trực tuyến hoặc tích cực tham gia các buổi hội thảo chuyên môn, kết hợp với khả năng tự học để cập nhật những kiến thức mới nhất trong lĩnh vực của mình. Điều này sẽ giúp bạn lấp đầy khoảng trống về mặt kiến thức, tránh tụt hậu so với các ứng viên khác và chứng minh với nhà tuyển dụng tuy tạm nghỉ làm nhưng bản thân bạn chưa bao giờ ngừng học hỏi, từ đó bạn sẽ cảm thấy tự tin ứng tuyển hơn.
- "Thay áo mới" cho CV: Một CV có khoảng trống chỉ thất bại khi bạn không biết cách làm nổi bật những gì bản thân đã làm/đã học hỏi được trong thời gian nghỉ việc. Hãy chia sẻ những hoạt động mang tính phát triển cá nhân như: học thêm, tham gia các hoạt động cộng đồng hay theo đuổi các dự án cá nhân... Điều này sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng, bạn đã tận dụng khoảng thời gian nghỉ để tập trung nâng cao giá trị bản thân.
- Tham gia vào các dự án với vai trò freelancer: Trong thời gian nghỉ, hãy cố gắng duy trì hoạt động chuyên môn của mình bằng cách tìm kiếm và tham gia vào các dự án với vai trò freelancer. Điều này không chỉ giúp cho bộ kỹ năng của bạn không bị mai một mà còn là cách để bạn chứng minh với nhà tuyển dụng rằng, bạn vẫn đang hoạt động trong ngành bằng một cách thức khác.
Cách ứng xử khi được hỏi về khoảng thời gian nghỉ việc
Khi đã chuẩn bị chỉn chu về mặt kỹ năng và CV, bước tiếp theo bạn cần làm là tự tin khi đối diện với câu hỏi về khoảng thời gian nghỉ việc trong buổi phỏng vấn. Thay vì né tránh, hãy nhìn nhận nó như một cơ hội để bạn có thể chia sẻ câu chuyện của mình.
- Thành thật và tập trung vào những gì bản thân đã học được: Nhà tuyển dụng thường không quá quan tâm đến lý do bạn nghỉ việc, họ chỉ muốn biết bạn đã học được những gì trong giai đoạn đó. Vì thế, hãy trung thực về lý do nghỉ việc nhưng không quên nhấn mạnh vào những gì bạn đã làm/đã học hỏi được trong khoảng thời gian nghỉ ngơi: chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm mà bạn đã tích lũy hoặc cách mà bạn tận dụng thời gian để phát triển bản thân.
Ví dụ: "Trong khoảng thời gian nghỉ việc, em đã đăng ký một số khóa học để nâng cao những kỹ năng mà trước đây bản thân chưa có cơ hội học hỏi hay trải nghiệm. Học thêm về kỹ năng quản lý dự án, quản trị con người, học về nghiệp vụ kế toán – kiểm toán, các phần mềm xử lý dữ liệu... Em cảm thấy khoảng thời gian đó giúp em tái tạo năng lượng và chuẩn bị tốt hơn cho những thử thách sắp tới".
- Khẳng định mong muốn quay trở lại thị trường lao động: Khi đã thể hiện được phần nào "thành quả" của mình sau thời gian nghỉ việc văn phòng, bạn cần làm rõ mong muốn và cam kết của bản thân khi quay trở lại thị trường lao động. Hãy nhấn mạnh rằng, bạn đã sẵn sàng cho những thách thức mới và đang rất hào hứng được đóng góp vào sự thành công của công ty.
- Phong thái tự tin: Sau khoảng thời gian dài nghỉ việc, sự tự tin của bạn có thể bị ảnh hưởng ít nhiều. Bạn có thể cảm thấy "lệch nhịp" hoặc lo lắng bản thân không thể bắt kịp thị trường lao động hiện tại. Tuy nhiên, không ai có thể tin tưởng bạn khi bản thân bạn không tin tưởng chính mình. Vì lẽ đó, điều quan trọng nhất bạn cần làm là vực dậy tinh thần, tin tưởng vào bản thân và xuất hiện trước nhà tuyển dụng với phong thái tự tin tuyệt đối. Đừng xem khoảng thời gian nghỉ việc là một điểm yếu, hãy nhìn nhận nó như một phần trong hành trình phát triển của bạn. Tự tin rằng bạn đã học hỏi, đã trưởng thành hơn và sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi đối mặt với những thách thức mới trong tương lai.
Thời gian nghỉ việc không phải một bước thụt lùi mà là một phần trong hành trình phát triển của bạn. Hãy nhìn nhận khoảng thời gian này như một cơ hội để tái tạo năng lượng, phát triển kỹ năng và chuẩn bị cho những thử thách mới. Sự tự tin khi quay trở lại thị trường lao động đến từ việc bạn biết cách tận dụng khoảng trống đó để phát triển bản thân. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần học hỏi không ngừng, tin rằng bạn sẽ tự tin ứng tuyển và tìm thấy con đường sự nghiệp mới.
Doanh nghiệp tự giới thiệu