1. Kinh doanh

Làm chủ thói quen cá nhân trong thời đại số

(Từ trái sang) MC Phương Thảo, BS Vũ Phi Yên và dịch giả Trần Quỳnh Như. Ảnh: BTC.

Thời đại kỹ thuật số đem đến lượng thông tin khổng lồ và cá nhân hóa đối với mỗi người. Trong tâm lý học, điều này có thể khiến cho sự tập trung, bền bỉ với một quyết định trở nên khó khăn hơn. Do đó mà con người ngày nay dễ bị phân tâm và thường xuyên chìm trong các vòng lặp của thói quen không lành mạnh.

Điều may mắn, theo TS.BS Vũ Phi Yên, chính là bản chất con người không thay đổi nhanh như cách khoa học công nghệ phát triển. Thông qua việc hiểu các cơ chế tâm lý của thói quen, con người vẫn có thể làm chủ cuộc sống và dần cải thiện bản thân.

“Nếu như thế giới số ào vào chúng ta như những đợt sóng khổng lồ, thì cũng trong những đợt sóng đó, có những thứ hữu ích giúp hình thành thói quen bổ ích”, chuyên gia Tâm lý học lâm sàng Vũ Phi Yên chia sẻ.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số năm 2024 (25 - 31/10), TS.BS Vũ Phi Yên và dịch giả Trần Quỳnh Như đã có buổi chia sẻ về cuốn sách Atomic Habits: Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ tại Đường sách TP.HCM vào tối ngày 28/10.

Atomic Habits của James Clear là một trong những cuốn sách nổi bật trong lĩnh vực phát triển bản thân và hiệu quả cá nhân, cung cấp cho độc giả phương pháp tối ưu hóa cuộc sống thông qua những thay đổi nhỏ nhưng mang tính bền vững.

Cuốn sách Atomic Habits được xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Trần.

Xương sống của quyển sách là mô hình thói quen 4 bước - tín hiệu, khao khát, phản hồi và phần thưởng - và 4 nguyên tắc thay đổi hành vi rút ra từ các bước này. Từ đó, Atomic Habits cung cấp phương pháp khoa học và thực tiễn để xây dựng thói quen tốt, loại bỏ thói quen xấu, tạo nên thay đổi lớn từ những điều nhỏ bé.

1% thay đổi mỗi ngày

Tuy nhiên, hành trình thay đổi bản thân thường đầy chông gai và dễ dàng khiến chúng ta nản lòng khi chưa đạt được mục tiêu. Ý tưởng trung tâm của Atomic Habits nằm ở sức mạnh của những thay đổi nhỏ. Clear nhấn mạnh rằng thay vì đặt ra các mục tiêu lớn lao, việc xây dựng thói quen tốt hàng ngày và cải thiện chỉ 1% mỗi ngày có thể tạo ra hiệu quả mạnh mẽ theo thời gian.

Clear cũng chỉ ra rằng, thói quen không chỉ là kết quả của ý chí mà còn là sự tương tác giữa hệ thống, môi trường và cách chúng ta nhận thức về chính mình. Hệ thống là cách chúng ta sắp xếp thói quen, xây dựng quy trình, và làm mọi thứ trở nên dễ dàng hơn cho sự phát triển của mình. Ông đề xuất rằng cách tốt nhất để thay đổi thói quen là tập trung vào hệ thống, thay vì mục tiêu.

Mục tiêu cung cấp cho ta hướng đi, nhưng hệ thống mới là thứ giúp ta tiến về phía trước. Việc tập trung vào hệ thống giúp chúng ta không bị áp lực bởi kết quả cuối cùng, mà tận hưởng quá trình nỗ lực và trưởng thành từng ngày.

“Thói quen là một hành vi được chúng ta lặp đi lặp lại, đến một lúc nào đó vô thức trở thành thói quen. Thời đại kỹ thuật số đem đến thách thức là nguồn thông tin khổng lồ. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được những gì hiện ra trước mắt mình bằng cách sắp xếp, chọn lọc thông tin và hình thành thói quen tốt”, Trần Quỳnh Như, dịch giả cuốn sách Atomic Habits, chia sẻ.

Việc xây dựng được hệ thống thói quen tốt trong thời đại số đầy biến động và nhiều cám dỗ như ngày nay là một thử thách. Song, Atomic Habits sẽ giúp bạn hiểu rằng mỗi bước tiến trong hệ thống, dù là nhỏ bé đến đâu, cũng là một chiến thắng, giúp củng cố niềm tin và sự quyết tâm.

Một điểm độc đáo trong Atomic Habits là James Clear nhấn mạnh việc thay đổi cách chúng ta nhìn nhận chính mình. Ông cho rằng, để hình thành thói quen bền vững, thay vì hỏi bạn muốn đạt được điều gì, hãy tự hỏi bạn muốn trở thành người như thế nào.

“Rất nhiều kiến thức thuộc lĩnh vực tâm lý vốn không hề mới, nhưng nếu không biết sắp xếp chúng cách hấp dẫn, chúng ta sẽ chỉ biết mà không làm. Điều hấp dẫn ở James Clear là đã sắp xếp lại chúng và cho chúng ta cảm nhận được rằng: Tôi có thể làm được”, TS.BS Vũ Phi Yên nói.

Thanh Trần

Tin khác