Kỹ sư mạnh dạn đầu tư vào cây mọc dại, nay thu hàng trăm triệu/năm
Bắt đầu từ năm 2018, anh Trần Văn Vũ (trú tại phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) quyết định đầu tư vào cây xương rồng tai thỏ – một loại cây mọc dại trên những vùng đất khô cằn. Thời điểm đó, anh bắt đầu thu mua các loại cây này để về trồng tập trung, với mong muốn phát triển kinh tế tại địa phương sau một thời gian tìm hiểu về các công dụng loại xương rồng này.
“Thật ra từ bé, tôi đã thấy mọi người trong làng, kể cả nhà tôi hái xương rồng về luộc và nấu canh rồi. Nhưng mãi sau này, tôi mới biết chúng còn có nhiều công dụng hơn thế nữa. Như tại Mỹ và Mexico hay Ấn Độ, loại xương rồng này đem lại giá trị kinh tế rất lớn cho đất nước của họ.
Còn nước ta, tôi thấy rất ít người nghiên cứu chuyên sâu, đầu tư, phát triển loại cây này thành mặt hàng kinh tế.”, anh chia sẻ.
Anh Vũ quyết định đầu tư vào loại cây mọc dại.
Với những gì tìm hiểu được, anh đã quyết định rời TP.HCM để trở về quê hương đầu tư và nghiên cứu chuyên sâu về các sản phẩm từ xương rồng tai thỏ để làm kinh tế. Anh kể lại thời điểm đó khoảng 2018, dù chỉ mới thu mua cây về trồng, người thân của anh đã kịch liệt phản đối còn người dân xung quanh đây thì cũng lời ra tiếng vào, bảo anh “bị khùng, bị điên”.
Bỏ qua lời ra tiếng vào của mọi người, anh vẫn quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn. Theo lời anh Vũ, chỉ sau trồng 1 năm, diện tích trồng xương rồng tai thỏ bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng 50-80 tấn/ha. Giá thu mua 2.000-3.000 đồng/kg.
Anh phát triển các sản phẩm từ cây xương rồng tai thỏ.
Anh cùng đội ngũ của mình nghiên cứu và phát triển ra rất nhiều sản phẩm từ loại cây này.
Anh cũng cho biết những cây xương rồng tai thỏ chăm sóc rất đơn giản, chỉ cần có chút nước khi thời tiết nóng, chút phân hữu cơ khi đất nghèo, chút hơi người chăm sóc thì cây phát triển tốt.
Tuy nhiên, anh nhận thấy thách thức lớn trong việc tìm kiếm thị trường và phát triển sản phẩm từ cây lưỡi rồng. Sau những năm đầu gặp khó khăn trong việc chế biến xương rồng cùng với bún, gạo để làm thực phẩm, anh đã quyết định nghiên cứu và làm thêm các sản phẩm thuộc ngành mỹ phẩm, sử dụng công nghệ chiết xuất dưỡng chất từ cây xương rồng tai thỏ. Anh đã đầu tư hàng tỷ đồng vào máy móc và hợp tác với các chuyên gia, cho ra đời nhiều sản phẩm mỹ phẩm được thị trường đón nhận.
Hiện, anh đã có thể tạo ra việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
“Vì chi phí sản xuất thực phẩm cao mà đầu ra khó khăn, doanh thu không đáng kể nên lợi nhuận thu lại chẳng bao nhiêu. Thấy không khả quan, tôi đã tìm đến các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ sinh học, hóa học, thực phẩm… nhờ hỗ trợ. Sau quá trình dài nghiên cứu, tôi quyết định rẽ hướng sang ngành mỹ phẩm”, anh chia sẻ.
Hiện tại, các sản phẩm mỹ phẩm làm từ cây xương rồng tai thỏ mang về cho anh Vũ doanh thu khoảng 200 triệu đồng/tháng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho 20 lao động tại địa phương. Mỗi lao động có mức thu nhập từ 200.000 đồng/ngày đến 10 triệu đồng/tháng.
Nguyễn Thơm