Kinh doanh trên nền tảng công nghệ số đang chiếm nhiều ưu thế
Ngày 05/11/2024, Trường Đại học Tài chính – Marketing phối hợp với Trường Đại học Tài chính – Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: "Kinh doanh trên nền tảng công nghệ số" (“Business based on Digital Platform”) lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản trị và kinh doanh.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Cao Tấn Huy – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing cho biết, kinh doanh trên nền tảng công nghệ được hiểu là một không gian ảo, cho phép những người dùng có thể trao đổi các sản phẩm có giá trị với nhau. Trên thị trường hiện nay cơ bản hình thành 2 nhóm nền tảng công nghệ chính gồm: nền tảng trao đổi và nền tảng sản xuất.
Theo TS. Cao Tấn Huy, với 2 nền tảng công nghệ này, các tổ chức cá nhân cần ứng dụng, khai thác chúng để phục vụ quá trình kinh doanh của họ như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất đó là vấn đề mà bất kỳ nhà kinh doanh, nhà quản lý nào cũng muốn đạt được.
“Vì trong thập kỷ qua, mô hình kinh doanh nền tảng công nghệ phát triển và mang lại kết quả kinh doanh ngày một lớn mạnh vượt trội so với kinh doanh truyền thống”, TS. Huy nhận định.
TS. Cao Tấn Huy cũng dẫn chứng vào thời điểm khi đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu đã làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, đa phần các doanh nghiệp kinh doanh đều gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất.
Trong khi, doanh nghiệp kinh doanh nền tảng công nghệ không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, mở rộng quy mô và tăng trưởng đột biến. Trên thế giới hiện nay, những nền tảng sáng tạo lớn như Microsoft, Oracle, Intel, SAP và Salesforce được định giá lên tới 1.238 tỷ USD. Trong khi đó, các nền tảng tích hợp giữa giao dịch và sáng tạo như Apple, Google, Facebook, Amazon, Alibaba và Xiaomi có giá lên đến trên 2.000 tỷ USD.
Trong lĩnh vực giáo dục, nếu cơ sở giáo dục nào không ứng dụng công nghệ phục vụ đào tạo thì không thể triển khai đào tạo trong suốt thời gian dịch bệnh diễn ra.
Đề cập các mô hình chuyển đổi số, GS. Alex COAD - Trường Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản) chia sẻ, có 5 giai đoạn gồm: Trong quá trình chuyển đổi số cần tập trung vào giám sát kinh doanh và phân tích sơ bộ để tạo ra giá trị kinh tế; Sử dụng phân tích dự đoán để hiểu rõ hơn về khách hàng và hoạt động; Tối ưu hóa kinh doanh thông qua phân tích đề xuất; Kiếm tiền từ dữ liệu bằng cách tạo ra các nguồn doanh thu mới; Tạo ra văn hóa khuyến khích sáng tạo và chia sẻ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh những lợi thế thì kinh doanh trên nền tảng số cũng gặp một số những thách thức, khó khăn như việc các doanh nghiệp nền tảng đối mặt với nhiều thách thức từ đối thủ cạnh tranh, đối tác bổ sung, nhân viên và chính quyền. Cùng với đó, chính sách cạnh tranh buộc các công ty phải đổi mới, khác biệt hóa và sản xuất hiệu quả, trong khi chính sách độc quyền cho phép các công ty kiếm lợi nhuận cao nhưng gây tổn thất cho người tiêu dùng và xã hội...
Thoa Nguyễn