1. Kinh doanh

Kinh doanh phòng tập Fitness & Gym: Cuộc đua 'đổ mồ hôi', cạnh tranh khốc liệt

Theo Vietdata, ngành gym Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm khoảng 20%. Phần lớn thị phần nằm trong tay các thương hiệu cao cấp. Tuy nhiên, gần đây, hầu hết thương hiệu phòng tập lớn đều thu hẹp hoặc không thay đổi số lượng câu lạc bộ. Chưa kể, cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt về mạng lưới, giá cả và các hình thức mới.

Nhiều cơ sở "gặp khó"

Theo tìm hiểu của VnBusiness, trong vòng hai năm qua, số lượng phòng tập Fitness & Gym tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM,... đã giảm sút đáng kể. Nhiều cơ sở gym, đặc biệt là những phòng nhỏ lẻ, đang gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân khách hàng, thậm chí đã có thông báo tạm dừng hoạt động, dừng hoạt động.

Đơn cử, mới đây, chuỗi phòng gym cao cấp Fit24 bắt nguồn từ Tập đoàn EuroFit (Đức), ra mắt thị trường Việt Nam vào năm 2012 với chi nhánh đầu tiên tại quận 7, TP HCM. Chuỗi có 5 chi nhánh, cung cấp đa dạng các dịch vụ tập luyện, đồng thời, tổ chức nhiều lớp học như yoga, zumba, kick boxing,... đã thông báo trên fanpage rằng sẽ tạm dừng hoạt động kinh doanh từ ngày 5/10 "vì những lý do khách quan bất khả kháng". Đơn vị này cam kết sẽ sớm mở cửa trở lại để phục vụ hội viên nhưng không nói rõ cụ thể sẽ là ngày nào. Việc này khiến cho khách hàng đã đóng tiền gói năm bức xúc.

Vào khung giờ "vàng" nhưng lượng khách tới phòng tập vẫn rất thưa thớt.

Trước Fit24, Getfit Gym & Yoga – chuỗi phòng gym có tuổi đời 14 năm cũng đóng cửa tất cả chi nhánh từ ngày 4/9 vì "những lý do bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát". Hiện, Getfit đã mở cửa trở lại 2/3 cơ sở, nhưng founder chuỗi này nhận định thị trường vẫn còn muôn vàn khó khăn.

Trao đổi với anh Phùng Mạnh Dũng - quản lý tại phòng tập C2 Gym (Bắc Từ Liêm) cho biết, từ tháng 5 đến nay lượng khách mới giảm hơn 60% so với thời điểm năm ngoái. Hầu như giờ chỉ còn khách cũ kèm PT. Nhiều khách mua gói ba tháng, nửa năm nhưng số lượng buổi đến tập cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

"Bởi lẽ, giờ khách hàng họ có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tập luyện thể lực, nhiều môn còn mang đến niềm vui nên chúng tôi cũng phần nào hiểu được sự "ế ẩm" như hiện nay", anh Dũng buồn bã nói.

Có thể thấy rõ sự thay đổi trong thói quen tập luyện của người tiêu dùng. Với cuộc sống bận rộn, nhiều người tìm kiếm các giải pháp tiện lợi hơn, như tập luyện tại nhà hoặc tham gia các khóa học online, hay tham gia những bộ môn khác hấp dẫn hơn thay vì dành nhiều thời gian để đến phòng gym như trước đây.

Thêm vào đó, tâm lý khách hàng ngày càng kén chọn hơn. Họ không chỉ tìm kiếm một nơi để tập luyện mà còn mong muốn có một trải nghiệm toàn diện. Những phòng gym không đáp ứng được mong đợi về dịch vụ, sự thân thiện và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn sẽ dễ dàng bị bỏ qua.

Theo chuyên gia Bùi Trọng Đạt (VMG Media), động thái thông báo tạm ngừng của một số chuỗi phòng gym trong thời gian gần đây đến từ nguyên nhân thị trường phòng gym đang đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt. Cụ thể, ngày càng nhiều phòng gym cung cấp dịch vụ phòng tập riêng cùng PT nhưng giá rẻ, chỉ vài triệu đồng/năm trong khi giá thuê mặt bằng tại Hà Nội ngày càng cao, điều đó gây nên sự mất cân đối chi phí nhưng không thể tăng giá quá cao vì sẽ mất khách hàng khi người dân đang thắt chặt chi tiêu. Đồng thời, xu hướng khách hàng chuyển sang các môn thể thao khác như quần vợt, golf, pickleball,... khiến các chuỗi này mất đi lượng khách hàng nhất định.

Bởi lẽ, để duy trì lượng khách ổn định, phòng tập gym phải chạy quảng cáo khoảng 40 triệu đến 50 triệu đồng/tháng kèm giảm giá đến 30%-40%. Bên cạnh đó, chủ phòng tập còn phải thường xuyên bỏ ra hàng chục đến cả trăm triệu đồng để cải tạo cơ sở vật chất, bảo trì máy móc, bổ sung tiện ích như phòng tắm, xông hơi…, thuê PT "một kèm một" giá rẻ để giữ chân khách. Chưa kể, khấu hao thiết bị hằng năm rất lớn, lên đến 15%-20%, tùy thiết bị.

Còn "đất" để đầu tư?

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp trong ngành này, gym và yoga là nhóm đang chiếm thị phần lớn nhất mảng phòng tập thể dục, câu lạc bộ thể hình Việt Nam. Trong đó, thị phần phòng tập gym chiếm khoảng 40-45% và mảng yoga từ 15-20%.

Đặc biệt đây là thị trường có đột phá về doanh thu với các nhà đầu tư, đóng góp đáng kể đối với nền kinh tế nếu được doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc, bài bản; nhất là xây dựng hệ thống chuỗi phòng tập. Tuy nhiên, với tình trạng như hiện nay nhiều "ông lớn" cũng cảm thấy lo lắng khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.

Chia sẻ với VnBusiness, anh Phạm Ngọc Hà - một người đang chuẩn bị mở thêm 2 cơ sở phòng tập cho biết, tỉ suất lợi nhuận trung bình trong ngành thể dục thể hình tùy thuộc một số yếu tố như loại hình kinh doanh, địa điểm và quy mô hoạt động. Nếu tính toán kỹ, lợi nhuận có thể đạt khoảng 27% hoặc mức trung bình toàn ngành là 20%.

"Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, mặt bằng và nhân sự là hai khoản chiếm dụng vốn lớn nhất khi vận hành một điểm tập. Vì vậy, chúng tôi đang lên kế hoạch để xây dựng nhiều dịch vụ theo kiểu “bán bia kèm lạc” để tăng doanh thu và chú trọng sự hài lòng của khách hàng", anh Hà nói thêm.

Các chuyên gia cho rằng, để đạt hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực này, nhất là với người khởi nghiệp, nên cân nhắc việc đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và môi trường; cung cấp dịch vụ huấn luyện viên cá nhân chất lượng và chuyên nghiệp; lắng nghe phản hồi của khách hàng, cải thiện dịch vụ, hay xây dựng một cộng đồng tập luyện bằng cách tạo ra các sự kiện và nhóm tập thể dục để khuyến khích sự tương tác và gắn kết giữa các thành viên; cung cấp chương trình ưu đãi đặc biệt cho các thành viên trung thành và khuyến khích khách hàng giới thiệu bạn bè,…

Thêm vào đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu dựa vào các tiềm năng và thế mạnh của môi trường số, như định vị thương hiệu một cách sáng tạo, độc đáo; truyền tải các thông điệp cần phù hợp với giá trị và mục tiêu của thương hiệu; sử dụng hình ảnh, video và nội dung trực quan trên môi trường số để tiếp cận và tăng cường độ phủ đến với khách hàng.

GS. TS. BS Đỗ Doãn Lợi nhìn nhận: "Có 1 thực trạng hiện nay là chỉ khi lớn tuổi người ta mới quan tâm và lo lắng tới vấn đề sức khỏe và dành thời gian, công sức nghiêm túc cho việc rèn luyện. Trong khi đó, giới trẻ nhiều khi “phung phí” sức khỏe bởi những thói quen thiếu tích cực thậm chí là gây hại, “tàn phá” sức khỏe và sắc đẹp của bản thân. Một khảo sát mới đây vừa được chúng tôi thực hiện đã thu nhận kết quả, có tới 75% số người trả lời rằng, họ rất ít khi luyện tập thể dục mỗi ngày; chủ yếu là dành thời gian cho những việc như nghỉ ngơi, giải trí hay các hoạt động xã hội khác".

Theo các chuyên gia, dù còn mới mẻ, nhưng ngành thể thao Fitness ở Việt Nam đang được đầu tư, phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Tổng doanh thu trong thị trường sức khỏe và fitness được dự báo tăng trưởng từ mức 4,07 triệu USD năm 2022 lên gần 6 triệu USD vào năm 2027, đạt tốc độ tăng trưởng ước tính khoảng 10%/năm. Do đó, các nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi rót vốn vào lĩnh vực này: tìm hiểu thị trường, phân tích xu hướng và xác định rõ mô hình kinh doanh phù hợp để giảm thiểu rủi ro.

Lê Hồng

Tin khác