1. Kinh doanh

Kiên Giang hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên

Anh Lê Thành Đô, xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao được Hội LHTN Kiên Giang hỗ trợ vốn nuôi ếch và nuôi lươn để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chuyên môn và thanh niên tham gia các dự án cho thấy, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thanh niên còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Thiếu vốn đầu tư, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm quản lý, thiếu kết nối, tiếp cận thị trường.

Còn nhiều khó khăn trong khởi nghiệp

Chị Nguyễn Ngọc Trân, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang, thành viên nhóm thực hiện dự án “Tiềm năng len nhỏ” (Dự án đoạt giải Nhì Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang năm 2023) cho biết, nhóm chọn thực hiện dự án trên là do thấy được thế mạnh phát triển du lịch của Kiên Giang, các sản phẩm quà tặng làm bằng len hướng đến phục vụ khách du lịch mua về làm quà tặng. Các sản phẩm handmade (làm bằng tay) từ len như: móc khóa, túi xách, trái cây, thú bông, phụ kiện thời trang như nơ kẹp áo, cài tóc…

Thời gian đầu, từ giữa năm 2022 đến cuối năm 2023, nhóm của Trân đã giới thiệu và cung ứng cho một số điểm du lịch để bán trực tiếp cho khách du lịch và bán hàng online với hơn 500 sản phẩm mỗi tháng, mang về lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/sinh viên làm bán thời gian. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, số lượng sản phẩm bán ra không được nhiều và một số chủ nhà hàng, khách sạn không còn thu mua; đồng thời việc quản lý điều hành công việc của nhóm cũng gặp một số rắc rối nên nhóm quyết định dừng làm các sản phẩm quà tặng bằng len.

Anh Nguyễn Tấn Đậu (xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) khởi nghiệp từ sản xuất trà mãng cầu xiêm. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

“Các thành viên trong nhóm đều khéo tay và nhiệt tình làm ra các sản phẩm nhưng do thiếu kinh nghiệm quản lý, điều hành công việc và điều phối trong việc làm ra các sản phẩm dẫn đến tình trạng tồn đọng nhiều sản phẩm, dẫn đến thất thu và từ đó thiếu kinh phí mua nguyên liệu để làm, nên chúng tôi đã dừng công việc này để tránh thua lỗ và dành thời gian cho việc học năm cuối. Tuy vậy, chúng tôi vẫn nuôi ước mơ thời gian tới sẽ tiếp tục làm ra các sản phẩm với những sáng tạo về mẫu mã và tìm kiếm thị trường, tiêu thụ ổn định hơn lần khởi nghiệp vừa rồi. Tôi cũng rất mong tỉnh có những chính sách hỗ trợ vốn, kết nối thị trường, hội thảo chia sẻ từ những chuyên gia để mô hình khởi nghiệp thành công bền vững. ”, Ngọc Trân chia sẻ.

Anh Nguyễn Minh Trí, (22 tuổi), ngụ xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh chọn khởi nghiệp với nghề làm tranh gói vải và dự án của anh đoạt giải Nhất Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang năm 2023. Anh Trí cho biết, qua hơn 2 năm gắn bó với nghề làm tranh gói vải đã giúp cuộc sống gia đình anh ổn định hơn, mỗi tháng lợi nhuận trên dưới 15 triệu đồng. Tuy vậy, anh Trí vẫn chưa thật sự yên tâm với nghề này, bởi số lượng tranh làm sẵn bán ra chưa được nhiều dẫn đến tồn đọng khá cao, trong khi đó, số lượng khách đặt làm tranh cũng chưa nhiều.

Anh Nguyễn Minh Trí (xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh) khởi nghiệp bằng nghề làm tranh gói vải. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

“Thời gian qua, tôi cũng tranh thủ các nền tảng mạng xã hội đăng tải các sản phẩm tranh gói vải để bán cho khách hàng, nhưng do không tự tin nói trước camera nên chưa tương tác được nhiều với khách hàng. Đồng thời, để khẳng định thương hiệu sản phẩm tranh gói vải được làm thủ công có những nét đặc biệt để khách hàng tin tưởng, ủng hộ là một hạn chế rất lớn đối với tôi. Không chỉ vậy, chi phí mua nguyên liệu làm tranh gói vải khá lớn, thiếu vốn đầu tư, do vậy, tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của ngành chuyên môn, chuyên gia để giúp mô hình khởi nghiệp của tôi được thành công và tạo sức lan tỏa, nhân rộng trong nhiều thanh niên khác phát triển kinh tế”, anh Trí nói.

Cần nhiều giải pháp hỗ trợ

Những năm gần đây, Trường Đại học Kiên Giang là đơn vị có nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên thành công, với hơn 10 dự án đang phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động. Nổi bật là dự án khởi nghiệp "Cá cơm xanh" với 2 sản phẩm bánh phồng và muối ớt cá cơm biển của nhóm sinh viên thực hiện qua hơn 2 năm đã hình thành một số cơ sở chế biến cung ứng ra thị trường hàng chục tấn sản phẩm.

“Để có được 2 sản phẩm trên thị trường như hiện nay, dự án nhận được sự quan tâm hỗ trợ của nhà trường và ngành chuyên môn, các chuyên gia về kinh phí, kỹ thuật, công nghệ.”, chị Nguyễn Ngọc Đoan Phương, thành viên nhóm thực hiện dự án cho hay.

Anh Trần Thanh Phúc, Chủ cơ sở sản xuất tinh dầu gấc và các sản phẩm từ gấc (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) bày trí sản phẩm tại Triển lảm sản phẩm đặc trưng tỉnh Kiên Giang 2024. Ảnh: văn Sĩ/TTXVN

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Kiên Giang cho biết, để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà trường tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên; duy trì sân chơi cho sinh viên thông qua các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KGU Startup) hàng năm; tổ chức gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm các dự án khởi nghiệp của sinh viên.

Trường đã cải tạo, tăng cường cơ sở vật chất cho không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để thật sự trở thành nơi làm việc chung, sinh hoạt, học tập, trao đổi hình thành ý tưởng; từng bước tiếp cận, kết nối các quỹ đầu tư, nhà đầu tư, doanh nghiệp hỗ trợ cho các ý tưởng, dự án đạt thành tích cao; kết nối tốt hơn các nguồn lực đầu tư, ươm tạo dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ kinh phí của trường và các nguồn hỗ trợ khác.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang, Chủ tịch Hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, từ năm 2020 đến nay, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh đã có những bước phát triển tích cực. Tỉnh tổ chức hơn 20 cuộc thi khởi nghiệp, thu hút gần 500 ý tưởng và dự án từ thanh niên tham gia. Các dự án này chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, và các sản phẩm chế biến từ tài nguyên bản địa...

Trong 3 năm gần đây đã có hơn 150 dự án khởi nghiệp được phát triển thành công, nhiều dự án đã đoạt giải thưởng tại các cuộc thi cấp quốc gia và khu vực. Điển hình là dự án "Nước mắm Phú Quốc nguyên chất", đã thành công trong việc xuất khẩu sang thị trường quốc tế, đặc biệt là các quốc gia châu Âu.

Bên cạnh những kết quả tích cực, theo ông Nguyễn Xuân Niệm, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên ở Kiên Giang thời gian qua gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Thiếu vốn đầu tư, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm quản lý, thiếu kết nối và tiếp cận thị trường; hạn chế về cơ sở hạ tầng và môi trường hỗ trợ khởi nghiệp.

Anh Nguyễn Minh Trí ( xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh, Kiên Giang) đang hoàn thành bức tranh gói vải chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

“Đa số các dự án khởi nghiệp tại Kiên Giang gặp khó khăn trong việc huy động vốn để hiện thực hóa ý tưởng. Cuộc khảo sát thực hiện năm 2022 cho thấy, có đến 70% các dự án khởi nghiệp của thanh niên trong tỉnh gặp khó khăn về vốn. Theo thống kê từ năm 2021 có hơn 60% các dự án khởi nghiệp tại Kiên Giang không thể vượt qua giai đoạn khởi đầu do những hạn chế về kỹ năng quản trị doanh nghiệp, thiếu kiến thức về thị trường và pháp lý” ông Niệm nói.

Để phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên, Chủ tịch Hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang đề xuất, tỉnh cần xây dựng và phát triển các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp dành riêng cho thanh niên. Các nguồn vốn này có thể đến từ ngân sách nhà nước, các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư.

Ngoài ra, chính quyền địa phương nên phối hợp với các trường đại học, cao đẳng và tổ chức đào tạo để cung cấp các chương trình đào tạo về quản lý doanh nghiệp, marketing, tài chính và công nghệ thông tin cho sinh viên, thanh niên. Đồng thời, cần tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, bao gồm việc phát triển các vườn ươm khởi nghiệp, trung tâm kết nối doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

“Nhằm giúp thanh niên khởi nghiệp tiếp cận thị trường, tỉnh Kiên Giang nên tổ chức các hội chợ, triển lãm và sự kiện kết nối doanh nghiệp với các đối tác thương mại trong và ngoài tỉnh. Điều này không chỉ giúp quảng bá sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp mà còn tạo cơ hội cho họ tìm kiếm đối tác và nhà đầu tư. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Kiên Giang, việc tham gia vào các sự kiện này đã giúp tăng doanh thu của các dự án khởi nghiệp lên đến 30%.”, ông Nguyễn Xuân Niệm nhấn mạnh.

Văn Sĩ/TTXVN

Tin khác