Kiếm tiền triệu từ dịch vụ sửa chữa hàng hiệu
Việc nhẹ, lương cao
Vào dịp cuối năm, khi nhu cầu làm mới và bảo dưỡng các món đồ hiệu của giới thượng lưu tăng cao, các cửa hàng sửa chữa cũng trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Nhiều người mong muốn diện những món đồ hàng hiệu trong các buổi tiệc, sự kiện hay các cuộc hội ngộ, tạo dựng hình ảnh sang trọng và đẳng cấp. Tuy nhiên, vì đã qua thời gian dài sử dụng, các món đồ này không tránh khỏi những vết xước, trầy, bạc màu hoặc hỏng hóc.
Nghề này không chỉ đòi hỏi tay nghề cao mà còn yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn trọng và am hiểu đặc biệt về từng loại chất liệu
Để đáp ứng nhu cầu đó, các cửa hàng sửa chữa hàng hiệu đưa ra hàng loạt dịch vụ đa dạng từ làm sạch, tẩy vết bẩn, phục hồi màu, thay da, khâu vá đến cả sửa khóa, thay đế. Với những món đồ có giá trị lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn USD, khách hàng sẵn sàng chi trả số tiền lớn để đảm bảo món đồ của họ giữ được đẳng cấp và phong cách.
Sửa chữa đồ hiệu không giống như sửa chữa các món đồ bình dân. Các món đồ đắt tiền thường sử dụng chất liệu da cao cấp hoặc kim loại hiếm, đòi hỏi tay nghề cao và dụng cụ chuyên dụng. Điều này khiến giá thành dịch vụ sửa chữa cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm thông thường. Các dịch vụ sửa chữa nhỏ như vệ sinh, đánh bóng có thể dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, trong khi sửa chữa lớn như thay khóa hoặc phục hồi da có thể lên đến hàng chục triệu đồng.
Điển hình, một chiếc túi da hàng hiệu với lớp da đã cũ và xước nhẹ có thể phải trả đến 5-10 triệu đồng để phục hồi lại màu sắc như mới, một đôi guốc hàng hiệu có thể phải trả từ 5-7 triệu để tân trang lại. Còn với các sản phẩm phức tạp hơn như đồng hồ cao cấp, chi phí bảo dưỡng và sửa chữa có thể đạt đến vài chục triệu đồng nếu cần thay thế linh kiện chính hãng hoặc kiểm tra độ bền, độ chống nước.
“Nghề sửa chữa hàng hiệu không vất vả, thu nhập lại cao. Thu nhập thợ sửa chữa đồ hiệu khoảng 30-50 triệu đồng mỗi tháng. Nghề này không chỉ đòi hỏi tay nghề mà còn yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn trọng và am hiểu đặc biệt về từng loại chất liệu. Để đảm bảo uy tín và thu hút khách hàng, các cửa hàng phải không ngừng đầu tư vào việc nâng cao tay nghề, học hỏi các kỹ thuật mới từ các chuyên gia quốc tế, thậm chí cử nhân viên đi đào tạo tại các nước có ngành công nghiệp hàng hiệu thuộc phát triển”, anh Phạm Tiến Hùng một thợ sửa chữa hàng hiệu thủ công trên phố Hàng Bạc, Hà Nội cho biết.
Dễ dàng trục lợi
Dù mang lại lợi nhuận cao, nghề sửa chữa hàng hiệu cũng đối mặt với không ít thách thức. Các cửa hàng uy tín thường phải đối phó với nhiều rủi ro về chất lượng, cam kết bảo hành, và đôi khi là những yêu cầu khó nhằn từ phía khách hàng. Nếu món đồ bị hỏng hay không đạt yêu cầu, cửa hàng có thể phải bồi thường với mức chi phí lớn. Ngoài ra, sự trung thực và minh bạch trong quy trình sửa chữa cũng là yếu tố quan trọng giúp các cơ sở giữ được niềm tin từ khách hàng.
Tuy nhiên hiện nay, dịch vụ sửa chữa hàng hiệu cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt khi có nhiều cơ sở trục lợi bằng cách thay thế linh kiện kém chất lượng hoặc thậm chí đánh tráo hàng thật bằng hàng giả. Những hành vi gian lận này làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín chung của những người làm nghề và làm khách hàng khó khăn hơn trong việc tìm địa chỉ uy tín.
Theo anh Hùng, khi nhận sửa chữa các món hàng hiệu, nhiều nơi không uy tín dùng các chiêu trò trục lợi tinh vi để kiếm lời như thay thế linh kiện không chính hãng, đổi hoặc thay thế phụ kiện, sửa chữa không triệt để để buộc khách nâng cấp. Những hành vi này nếu trót lọt, với những món hàng có giá cao như túi xách, đồng hồ… khách hàng có thể bị trục lợi hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu.
“Khi khách hàng bị đổi hàng hiệu thật lấy hàng giả tại các cửa hàng sửa chữa, khách hàng có thể tìm hiểu một số quy định của pháp luật để yêu cầu bồi thường hoặc gửi đơn đề nghị cơ quan quản lý xử lý vi phạm. Các quy định của pháp luật tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Hình sự đều có các quy định rất cụ thể có thể áp dụng. Trong trường hợp cửa hàng nhận sửa chữa rồi lợi dụng việc này để đổi hàng giả, có thể bị coi là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tùy theo giá trị của tài sản bị chiếm đoạt, người vi phạm có thể chịu hình phạt từ phạt tiền đến tù giam. Nếu cửa hàng cố tình thực hiện hành vi lừa dối để chiếm đoạt món hàng thật, hành vi này có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi thực hiện các biện pháp pháp lý, khách hàng nên thu thập đầy đủ bằng chứng và nhờ tư vấn từ luật sư để quyền và lợi ích hợp pháp của mình được đảm bảo”, Luật sư Nguyễn Thanh Danh tư vấn.
Bạch Dương