Kiếm gần trăm triệu/tháng nhờ trò chơi già trẻ đều biết, ở Việt Nam cũng có nghề này
Tại châu Á, cầu lông là một trong những bộ môn thể thao được yêu thích rộng rãi, đặc biệt là ở Trung Quốc. Tại đất nước tỉ dân, cầu lông là 1 trong 2 môn thể thao được theo dõi nhiều nhất và có số lượng người tham gia đông nhất.
Do đó, doanh số bán vợt cầu lông, dây cước vợt cầu lông và các vật dụng thể thao liên quan luôn ở ngưỡng cao. Trong đó, dây cước trên vợt là mặt hàng có lượng tiêu thụ lớn hàng đầu.
So với vợt bóng bàn, vợt cầu lông dễ bị hư hỏng hơn do những sợi cước mỏng manh phải thường xuyên bị lực lớn tác động. Trên một trang TMĐT Trung Quốc, doanh số bán hàng của nhiều loại dây cước dùng cho vợt cầu lông lên đến 200.000 - 600.000 lượt/năm.
Lý Uy - một người yêu thích bộ môn thể thao này tại Bắc Kinh chia sẻ, chi phí cho dịch vụ lồng dây và căng vợt cầu lông chiếm một phần không nhỏ trong khoản đầu tư cho bộ môn thể thao này của anh.
Dây cước cho vợt cầu lông được chia làm nhiều loại dựa trên chất lượng, chẳng hạn như loại “tấn công”, loại “bền lâu” và loại “đàn hồi cao”. Nói chung, dây càng mỏng thì càng đàn hồi và dây càng dày thì càng bền. Để tăng lực ma sát và tăng hiệu quả kiểm soát cầu, người ta còn bổ sung thêm một lớp đặc biệt lên bề mặt dây cước. Hoặc, người ta còn bổ sung thêm sợi rèn để tăng độ đàn hồi cho dây cước dày, cũng như tăng độ bền cho dây cước mỏng.
Không chỉ dây cước, dịch vụ căng vợt cầu lông cũng thu hút một lượng lớn khách hàng tại Trung Quốc.
Ông Mã - giám đốc trung tâm cầu lông Vũ Động cho biết, các huấn luyện viên ở trung tâm sẽ là người thực hiện việc căng dây vợt. Một ngày có thể căng được khoảng 20-30 chiếc. Trong mùa nghỉ hè, thu nhập của họ cộng với tiền “làm thêm” nhờ căng dây vợt có thể đạt gần 30.000 NDT (99 triệu đồng)/tháng. Còn với những người chuyên căng vợt, họ có thể đạt mức thu nhập này nếu làm liên tục khoảng 12,5 tiếng mỗi ngày.
Người căng vợt không chỉ cần xâu dây vào vợt mà còn phải kiểm soát độ căng của bề mặt vợt, đồng thời lựa chọn dây cước phù hợp dựa trên chất liệu của vợt, cũng như dựa theo trình độ và thói quen của người chơi. Làm thế nào để dây vừa khít với vợt, giúp vận động viên có được cảm giác tốt nhất và giúp dây hoạt động tốt hơn - những điều này sẽ phản ánh rõ kỹ năng của chuyên gia căng vợt.
Một số thương hiệu đồ thể thao lớn tại Trung Quốc như Yonex, Lining, Victor thậm chí còn mở lớp đào tạo chuyên gia căng vợt cầu lông, nhằm mang đến trải nghiệm thể thao chuyên nghiệp hơn cho các fan của bộ môn này.
Bà Dư - quản lý thị trường cấp cao của công ty đồ thể thao Yonex cho biết, Yonex có hệ thống đánh giá và chứng nhận riêng dành cho các chuyên gia căng vợt. Hiện tại, số lượng chuyên gia của Yonex tại Trung Quốc là khoảng 30.000 người. Họ làm việc tại các cửa hàng đại lý của Yonex để cung cấp trải nghiệm thể thao tuyệt vời hơn cho những người đam mê cầu lông. Trong Thế vận hội Olympic tại Paris vừa qua, Yonex cũng đã cử hai chuyên gia căng vợt đến Pháp để cung cấp dịch vụ.
Trong khi đó, thương hiệu Lining còn cung cấp dịch vụ căng vợt cầu lông chuyên nghiệp cho đội tuyển quốc gia Trung Quốc và nhiều ngôi sao cầu lông trên toàn cầu. Phạm vi dịch vụ không chỉ gói gọn trong Trung Quốc mà còn mở rộng sang Mỹ, Anh và nhiều nơi khác.
Ở Việt Nam, cùng với sự phổ biến của môn cầu lông mà dịch vụ căng vợt cầu lông cũng đã xuất hiện rộng rãi. Tại một số nơi cung cấp dịch vụ này, mức giá căng vợt cầu lông thường từ 80.000 – 190.000 đồng hoặc cao hơn, tùy theo loại cước căng vợt mà bạn lựa chọn. Trong trường hợp bạn đã có sẵn khung vợt và cước đan vợt thì mức giá căng vợt cầu lông sẽ tính phí khoảng 40.000 – 60.000 đồng cho một lần căng.
Hương Nguyễn (Theo gmv.cn)