Không còn hứng thú công việc văn phòng, Gen Z chọn 'làm chủ'
Gen Z là tên gọi chung của những bạn trẻ sinh vào khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2012, trong kỷ nguyên thời đại số bùng nổ. Sự phát triển của công nghệ và tiếp xúc với nền tảng Internet từ sớm đã tác động đến một phần ý thức của Gen Z, tiêu biểu là xu hướng tự tin thể hiện bản thân, có chính kiến và không ngại khác biệt.
Họ mong muốn được tự do phát triển theo con đường riêng và ít bị gò bó bởi khuôn khổ truyền thống. Đối với Gen Z (1997-2012), “làm chủ” được định nghĩa là làm chủ công việc, làm chủ cuộc sống và làm chủ thời gian.
Bước ra khỏi vùng an toàn
Mới đây, Business Insider cùng YouGov thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 1.800 người thuộc 5 thế hệ, trong đó hơn 600 là Gen Z trên 18 tuổi. Kết quả, 38% người thuộc Thế hệ Z ủng hộ lý tưởng sống một cuộc sống trung lưu thoải mái và làm việc ít hơn 40 giờ/tuần.
Đối với Gen Z, công việc văn phòng bó buộc và có phần nhàm chán đang cản trở tiềm năng phát triển của bản thân. Vì vậy, họ sẵn sàng từ bỏ những công việc ổn định để dành thời gian cho bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống và công việc.
Xuất thân là Thủ khoa chuyên ngành Tiếng Anh Thương mại của Trường Đại học Thương Mại, ngay trước khi ra trường Quỳnh Anh (sinh năm 2000) đã có những trải nghiệm và băn khoăn với công việc văn phòng.
Đối với Quỳnh Anh, sự lặp lại của công việc văn phòng khiến cô nàng bị mơ hồ và lo lắng về tương lai của mình. Từ những suy nghĩ đó, Quỳnh Anh bắt đầu tìm hướng đi để có thể “làm chủ” cuộc đời của chính mình.
Bắt đầu hành trình đi tìm kiếm sự “tự do”, Quỳnh Anh kể lại có thời điểm buổi sáng đi làm, tối về lại học thêm những kiến thức về content (nội dung), social media (mạng xã hội), Internet…
Và bước chuyển đến khi cô nàng Gen Z cảm thấy bản thân đã có thể đi riêng trên con đường của mình, Quỳnh Anh chính thức rời khỏi công việc văn phòng và làm freelancer/content creator (làm việc tự do/ sáng tạo nội dung) toàn thời gian. Thời điểm đó, mức lương của Quỳnh Anh đã x10, đạt 40-50 triệu đồng so với công việc văn phòng.
“Mình từng được coi là “mọt sách”, con ngoan trò giỏi chính hiệu. Tuy nhiên, việc dám bước chân ra khỏi “chiếc hộp” an toàn đã khiến cuộc sống của mình thay đổi theo hướng tốt hơn rất nhiều”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Theo cô nàng, việc chuyển hướng công việc đã giúp Gen Z có thêm tầm nhìn, thu nhập cũng như sự tự do. Tuy nhiên, so với thời điểm ban đầu làm freelancer nhận một lúc 4-5 công việc khác nhau, hiện tại Quỳnh Anh chọn “làm chủ” khi cân bằng được sức khỏe, tài chính và các mối quan hệ.
Gần 1 năm trở lại đây, Quỳnh Anh đã trở thành Solopreneur (doanh nhân tự do), sở hữu cộng đồng The Young Wealth and The Beauty Elite giúp các thành viên phát triển tài chính, thay đổi bản thân toàn diện. Ngoài ra, cô nàng còn là một Blogger/Content Creator (người viết blog, nhà sáng tạo nội dung) và chuyên gia cố vấn, đào tạo chiến lược branding (thương hiệu) cho những thương hiệu lớn.
Khác với Quỳnh Anh, Bùi Thị Lan (sinh năm 2000) lựa chọn lối sống “xê dịch” để được khám phá nhiều hơn về văn hóa cũng như cách sống của nhiều địa phương khác nhau.
Hiện tại, Lan đang làm hướng dẫn viên du lịch và nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Đối với Lan, những công việc này đem lại cảm giác mới mẻ và những trải nghiệm không ngừng nghỉ là điều hấp dẫn nhất.
Cô nàng Gen Z cho biết, năm 2020 khi có cơ hội ghé đến Tà Xùa, Lan đã lên ý tưởng ngay về việc phát triển du lịch Tà Xùa bằng xe máy. Nói là làm, Lan bắt tay triển khai ngay ý tưởng và có những dấu ấn nhất định với vị trí nữ leader - một công việc tưởng chừng như chỉ dành cho con trai.
“Chọn lối sống “xê dịch” để mình được thoát bỏ những ràng buộc của công việc văn phòng, nơi mà nhiều người cảm thấy không phát triển được những khía cạnh khác của bản thân”, Lan tâm sự.
Nói về những kỉ niệm đáng nhớ, bạn trẻ Gen Z vui vẻ kể lại những ngày sống trên Tà Xùa 1,2 tháng. Khi đó, Lan được hòa mình vào thiên nhiên và sống đúng chất “sống xanh”. Ngày 3 bữa đầy đủ, sáng dậy sớm đi lên quán cafe giúp mọi người, chiều thì đi chơi rong ruổi các bản và ngắm hoàng hôn. Đối với Lan, cuộc sống như hiện tại được gọi là “làm chủ”.
Gen Z khởi nghiệp - Just do it
Theo kết quả khảo sát do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố tháng 8/2019, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về tỉ lệ giới trẻ khao khát trở thành doanh nhân, làm chủ doanh nghiệp. Theo đó, cứ 20 bạn trẻ Việt, có 5 bạn mơ làm chủ doanh nghiệp, tức chiếm 25%.
Thực hiện tinh thần Đề án 1665 của Chính phủ, 100% các đại học, học viện, trường (đại học, cao đẳng, trung cấp) có kế hoạch triển khai hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. 90% học sinh, sinh viên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. Tỉ lệ sinh viên khởi nghiệp sau 5 năm tốt nghiệp khoảng 8%.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, Đỗ Hiếu (sinh năm 1998) - Co-Founder và Giám đốc điều hành của Merdes, Agency Gen Z cho rằng việc khởi nghiệp sẽ giúp Gen Z có thêm nhiều kinh nghiệm, mối quan hệ cũng như thu nhập cá nhân.
Đỗ Hiếu có xuất phát điểm là một nhân viên Nhà nước - công việc vốn rất ổn định và có mức thu nhập tốt. Tuy nhiên, do tính chất công việc lặp lại nên bạn trẻ Gen Z muốn chuyển hướng sang kinh doanh và cùng bạn sáng lập ra Agency Merdes. Dù mới khởi nghiệp không lâu nhưng công ty cũng đã tạo được vị trí nhất định nhờ những concept sử dụng chất liệu văn hóa địa phương.
Là một Gen Z đã khởi nghiệp và đạt được những dấu ấn nhất định, Đỗ Hiếu cho rằng: “Just do it, phải làm mới biết mình sai hay đúng, còn không làm thì sẽ không bao giờ biết được câu trả lời. Vì vậy, các bạn Gen Z đừng sợ thử mà hãy cứ dấn thân để khởi nghiệp”.
Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc Gen Z có thể khởi nghiệp ngay khi chưa có gì mà cần trang bị cho mình nền tảng, kiến thức vững chắc. Các bạn cần biết cân bằng giữa đam mê và nhu cầu thị trường.
“Ngay cả khi có gia đình hậu thuẫn về kinh tế thì vẫn cần học nhiều, Gen Z cũng nên đi làm ở các công ty, tìm cho mình một người thầy, học tư duy từ người đứng đầu. Đồng thời, cần học thêm kĩ năng chuyên môn, chuẩn bị vững tài chính, am hiểu các lĩnh vực trong chuyên ngành để tránh được những rủi ro khi khởi nghiệp”, Hiếu chia sẻ.
Gen Z chính là thế hệ chủ lực mới của đất nước, vì vậy sự dũng cảm đổi mới của Gen Z sẽ là động lực góp phần thúc đẩy phát triển nội lực quốc gia. Trong ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên hồi tháng 5/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khích lệ Gen Z dũng cảm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Theo đó, Thủ tướng phát biểu thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết hôm nay luôn mang trong mình truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, kế tục tinh thần tự lực, tự cường, ý chí, sự quyết tâm, sự đam mê, cống hiến hết mình của các thế hệ đi trước. Tương lai tươi sáng của đất nước được góp phần dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước mà thế hệ trẻ, thanh niên là chủ thể.
Đồng thời, Thủ tướng cũng chia sẻ thêm: "Tôi mong muốn tinh thần khởi nghiệp sống mãi, không có giới hạn, không có điểm dừng trong thế hệ trẻ. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải dũng cảm và chấp nhận rủi ro, có sự đầu tư, không cầu toàn, không nóng vội".
Thanh Loan