1. Kinh doanh

Khởi sắc cây 'thoát nghèo' ở Mường Ảng

Lấp khoảng trống về công ăn việc làm

Từ những ngày đầu mùa thu hái cà phê năm nay, giá bán đã ở mức “mơ ước” – 16,5 nghìn đồng/kg, cao gần gấp đôi so với đơn giá chấp nhận được 9 nghìn đồng mà các chủ vườn tự xây dựng. Đến vườn nhà anh Lầu Chồng Lử (xã Ảng Cang) một buổi sáng tháng 10, thấy anh mướt mải đôn đốc hơn chục lao động đang thu hái, mới cảm nhận được sự sôi động của mùa café Mường Ảng.

“Chưa chính vụ nên chưa đông đâu, chính vụ nhà mình còn có 50 người ăn ở đây cơ,” anh Lử chỉ tay giới thiệu. Do đặc điểm của cây cà phê arabica (café chè) cần thu hoạch hái tỉa từng quả chứ không tuốt như dòng robusta, nên hàng năm gần 3.000 ha cà phê của huyện Mường Ảng phải thuê khá nhiều nhân công cho khâu này.

Chủ tịch UBDN xã Ảng Cang Lù Văn Quân cho biết, mùa cà phê hàng năm (bắt đầu từ tháng 10 - PV), từng đoàn người lao động thời vụ từ các huyện Tủa Chùa, Điện Biên và Thuận Châu (Sơn La) lại kéo về Mường Ảng để thu hái cà phê công nhật.

Anh Lầu Chồng Lử chia sẻ về kế hoạch thu hoạch mùa cà phê năm nay với tác giả

Như tại nhà anh Lử hiện tại, đang có 20 đồng bào H’Mông từ xã Sín Chải, Tủa Chùa lưu trú tạm ở đây. Chị Mùa Thị Sua cho biết, chị đến xã Ẳng Cang được hơn 1 tuần, đi theo từng tốp từ 3 - 4 người, hoặc nguyên 1 gia đình mang theo đồ dùng về đây hái cà phê.

“Hái cho nhà nào thì họ xin tá túc tại nhà đấy, nếu gia đình neo chỗ nghỉ thì căng bạt ăn nghỉ ngay tại bãi cà phê. Hiện nay, cà phê đang đầu vụ, trung bình mỗi người hái được từ 30 - 40kg/ngày, người hái nhanh được 50kg, tôi trả giá trung bình từ 3.500 - 4.000 đồng/kg. Tính ra một người có thu nhập từ 150 đến 200 nghìn đồng/ngày, khá hơn nhiều so với ở nhà,” anh Lử tiết lộ.

Thông thường ngày làm việc của mọi người tương đối sớm, dậy từ 4h sáng nhóm lửa nấu cơm, đồng thời chuẩn bị luôn cho cả bữa trưa và tranh thủ công việc từ tờ mờ sáng để tránh nắng. Cuối buổi chiều là thời gian vui nhất vì đây là lúc nhận thành quả sau một ngày lao động.

Các lao động thời vụ từ các huyện lân cận về Mường Ảng thu hái cà phê

Với 3ha đang cho thu hoạch, chỉ tính riêng trong năm 2023, tiền công gia đình anh Lầu Chồng Lử trả cho người hái cafe lên tới gần 100 triệu đồng. Với sản lượng được dự báo sẽ hạn chế như năm nay (dự kiến cả huyện giảm 30%, xuống còn 31 nghìn tấn vì sự cố thời tiết đầu năm 2024) thì giá cà phê nhiều khả năng giữ được giá "mơ ước" đến hết tháng 11.

Ước mong cà phê Tây Bắc hiện diện khắp nơi

Mường Ảng được mệnh danh là vựa cà phê của Điện Biên. Từ nhiều năm qua, cây cà phê không chỉ mang lại giá trị kinh tế to lớn mà như đã thông tin ở trên, mùa cà phê hàng năm còn tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động phổ thông.

Tiếp lời Phó Chủ tịch UBND huyện Tạ Mạnh Cường khi lấy ví dụ một hộ có diện tích trồng cà phê khoảng 20ha, nếu giá thua mua ổn định như 3 năm nay, mỗi năm có thể mang lại thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng.

Cà phê arabica rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở Mường Ảng. Từ khi trồng, chỉ sau hơn 3 năm sau là cây cà phê bắt đầu cho thu hoạch. Ở độ cao từ 700-1.700m, cà phê arabica Mường Ảng có hương vị đặc trưng riêng bởi được nuôi dưỡng bằng chất đất bazan màu mỡ và quyện cả hơi sương của vùng đất với tình người.

“Từ năm 2021, giá cà phê luôn ở mức cao và tương đối ổn định. Hiện tại mới vào đầu vụ nhưng các đơn vị đã thu mua với giá từ 16 - 16,5 nghìn đồng/kg. Điều này khiến người trồng cà phê rất phấn khởi và yên tâm gắn bó với loại cây đặc sản này”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tạ Mạnh Cường cho biết thêm.

Đồng bào Mường Ảng phấn khởi vì giá thu mua cà phê tương đối ổn định

Nhờ cà phê, mỗi năm đồng bào Mường Ảng thu khoảng 500 tỷ đồng từ cà phê và còn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động là đồng bào dân tộc H’Mông, dân tộc Thái từ khắp các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Thuận Châu (Sơn La), với thu nhập bình quân từ 7,5 triệu đồng đến 9 triệu đồng/người/tháng.

Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc (UBND huyên Mường Ảng) Bùi Đức Mùi, trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã tạo việc làm mới cho 554 người lao động. Ngoài ra, huyện cũng tổ chức 18 lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc, chế biến cà phê và phòng, trị bệnh cho vật nuôi với 324 người tham gia, hầu hết là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bên cạnh tập trung sản xuất, huyện Mường Ảng cũng chú trọng công tác mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu hạt cà phê, tăng giá trị và thương hiệu cho cà phê Mường Ảng, mặt khác yêu cầu các doanh nghiệp phải cam kết thu mua cà phê tươi với giá thấp nhất 10.000đ/kg trong 3 năm liền cho người dân.

Giá thu mua ổn định cũng đồng nghĩa với thu nhập của người lao động thời vụ như chị Mùa Thị Sua mới được đảm bảo. Như vậy, chỉ khi cả người nông dân và doanh nghiệp cùng thắng lợi, thì có lẽ lúc đó mới khẳng định cây cà phê chính là cây "thoát nghèo" của mảnh đất Điện Biên này.

Lê Tùng

Tin khác