1. Kinh doanh

Khởi nghiệp từ sản phẩm gắn bó với nông dân

Kỹ sư Hồ Phúc Nguyên, người sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ quốc tế Tipto Mã Lai (TP HCM, thương hiệu Bacte), đã có gần 30 năm trong ngành thuốc bảo vệ thực vật, 14 năm nghiên cứu ứng dụng vi sinh cùng cộng sự. Trong chương trình "Shark Tank Việt Nam" mùa 7 mới đây, ông đã gọi vốn thành công từ cả 5 "cá mập" với số tiền 10 tỉ đồng cho 20% cổ phần.

Phòng trừ sâu bệnh cây trồng từ vỏ quế

Sau "cơn bão chốt deal" trên "Shark Tank Việt Nam", chúng tôi tìm gặp kỹ sư Hồ Phúc Nguyên tại Công ty Tipto Mã Lai. Ông khoe đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm 2024 nhờ lượng đơn hàng đổ về dồn dập. Các "shark" đã đến tham quan nhà máy của công ty và đang xúc tiến quá trình thẩm định (DD) trước khi ký hợp đồng rót vốn chính thức.

Bacte là các chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh cây trồng, được thương mại hóa từ nghiên cứu khoa học cấp nhà nước "Cải tiến công nghệ tách chiết một số chất có hoạt tính từ vỏ cây quế (Cinnamomum cassia), xác định chất mang và tạo chế phẩm sinh học phòng trừ hiệu quả tuyến trùng và nấm bệnh chính gây hại rễ cây cà phê, hồ tiêu tại Tây Nguyên" mà kỹ sư Nguyên là thành viên, được nghiệm thu vào cuối năm 2020. Nghiên cứu này được chuyển giao bản quyền cho Bacte tiếp tục cải tiến qua các năm và đã đăng ký bằng sáng chế.

Kỹ sư Hồ Phúc Nguyên tại một nhà vườn sầu riêng ở Tây Nguyên, nơi đang sử dụng sản phẩm Bacte. Ảnh: AN NA

Ngoài thành phần chính là cao chiết xuất từ vỏ quế, Bacte có thêm thành phần chitosan chiết xuất từ vỏ tôm, rượu công nghiệp, dấm, nước; góp phần giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây nguy cơ tồn dư hóa chất trên sản phẩm. Nhóm nghiên cứu đã chứng minh thành phần chiết xuất từ tự nhiên này phòng trừ được cả sâu và bệnh cho cây trồng. Chế phẩm có hiệu lực nhanh và mạnh, diệt 98% tuyến trùng sau 90 phút sử dụng và 82%-87% nấm bệnh rễ đất sau 3 giờ.

Đáng chú ý, sản phẩm Bacte rẻ hơn thuốc bảo vệ thực vật thông thường đến 30%-40%. Hiện chế phẩm sinh học Bacte có 24 mã sản phẩm, chia làm 6 nhóm chính sử dụng để phòng trị nhiều bệnh phổ biến cho các đối tượng cây trồng như: sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, bưởi, cam, khoai lang, ớt, xoài…

Ông Nguyên cùng các cộng sự tự nhận xét sản phẩm của mình "không có điểm yếu" nhưng thị trường vẫn chưa bùng nổ. "Mất 12 năm để nghiên cứu ra sản phẩm tốt nhưng nông dân còn ít biết đến. Đây cũng là lỗi của chúng tôi. Ngoài ra, nông dân trước giờ làm theo kinh nghiệm nên rất bảo thủ trong việc tiếp cận sản phẩm mới. Vì vậy, chúng tôi cần thêm các hoạt động để lan tỏa thông tin đến cộng đồng" - ông Nguyên nhìn nhận.

Khả năng bùng nổ doanh số

Theo nhà sáng lập Bacte, sau 8 năm nghiên cứu với tổng số tiền hơn 11,33 tỉ đồng (ngân sách hỗ trợ 40%), ông và các cộng sự rất hồ hởi khi công trình thành công và được nghiệm thu đề tài.

Quá trình nghiên cứu quá dài, có lúc tưởng chừng gián đoạn. Đó là năm 2018, khi kỹ sư Hồ Phúc Nguyên bị phá sản (ông có một số hoạt động kinh doanh bên cạnh đam mê nghiên cứu), phải bán 4 căn nhà để trả nợ. Ông phải đàm phán xin giãn nợ, để dành kinh phí tiếp tục nghiên cứu.

Khi đề tài nghiên cứu thành công, công ty tiếp tục phải chi thêm 6 tỉ đồng để tìm hiểu quy trình sản xuất công nghiệp từ quy mô phòng thí nghiệm. Có đối tác đến đàm phán mua lại sáng chế với một số tiền trả trước và trả thêm 2% doanh số hằng năm song ông Nguyên quyết định giữ lại để thương mại hóa. Thế nhưng, sản phẩm dù có công dụng tốt nhưng "thua toàn tập" trên thị trường với 2 lý do: mắc tiền và cồng kềnh.

Ông Nguyên nhớ lại: "Lần thất bại này với tôi còn tồi tệ hơn cả việc phá sản. Nó như gáo nước lạnh dội thẳng lên bao nhiêu cố gắng, nỗ lực và tiền bạc mà chúng tôi đã bỏ ra".

Sau đó, ông Nguyên "tỉnh" lại và tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công nghệ để cô đặc sản phẩm, khắc phục được điểm yếu cồng kềnh. Ông cũng quyết định chưa tính chi phí nghiên cứu vào sản phẩm để giá thành thấp, nông dân dễ tiếp cận.

"Bây giờ, sản lượng của chúng tôi còn thấp mà hạch toán cả chi phí nghiên cứu vào thì sản phẩm sẽ rất đắt. Khi sản lượng nhiều hơn, chúng tôi sẽ đưa dần chi phí vào để giá sản phẩm vẫn ở mức cạnh tranh" - ông Nguyên khẳng định.

Đến nay, Công ty Tipto Mã Lai đã phát triển được nhiều kênh bán hàng, như: kênh truyền thống qua các đại lý, kênh online qua các sàn thương mại điện tử. Công ty còn dùng website riêng (bacte.vn) và mini Zalo để tiếp cận trực tiếp với nông dân.

Với những tín hiệu lạc quan hiện tại, nhà sáng lập Bacte kỳ vọng doanh thu năm 2025 sẽ đạt 25 tỉ đồng và tăng gấp 10 vào năm 2029, tức 250 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 95 tỉ đồng. Ngoài thị trường trong nước, Bacte còn có khả năng bùng nổ doanh số từ xuất khẩu, bởi đây là sản phẩm theo xu thế của thế giới và Việt Nam có lợi thế về nguyên liệu, khả năng cạnh tranh tốt.

NGỌC ÁNH

Tin khác