Khởi nghiệp từ nấm rơm
Từ cô gái trẻ với nghề kế toán và mức lương khá ổn định ở TP. Cần Thơ, Ngọc Yến đã từ bỏ tất cả để về quê lập nghiệp. Sau khi mở trang trại trồng nấm rơm công nghệ cao, Ngọc Yến từng bước nghiên cứu bánh phồng nấm rơm nhằm “giải bài toán” nấm rơm mất giá khi “dội chợ”. Dự án “Bánh phồng nấm rơm” của Nguyễn Hoàng Ngọc Yến đạt giải nhất Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ VII/ 2023.
Không dừng lại ở đó, Ngọc Yến tiếp tục nghiên cứu, từng bước nâng chất sản phẩm bánh phồng nấm rơm của mình từng ngày. Không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng, điều này còn giúp Yến tìm ra công thức tối ưu nhất để sản phẩm đến tay người tiêu dùng chất lượng nhất.
Năm 2024, Dự án “Bánh phồng nấm rơm” của Yến là 1 trong 5 dự án tham gia Cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Vượt qua vòng sơ khảo rồi bán kết với hàng trăm dự án xuất sắc, Dự án “Bánh phồng nấm rơm” là 1 trong 30 dự án xuất sắc đã lọt vào vòng chung kết toàn quốc, dự kiến diễn ra vào tháng 12/2024. Ban tổ chức sẽ chọn 9 dự án xuất sắc nhất để trao giải và hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm để triển khai dự án.
“Sau thời gian nghiên cứu, tôi đã hoàn thiện công thức chế biến bánh phồng nấm rơm để phù hợp hơn với khẩu vị người dùng. Đồng thời, rút ngắn công đoạn cán, phơi bánh, đỡ mất thời gian hơn trước. Cơ sở bánh phồng nấm rơm mang tên Tài Phát của tôi được thành lập tháng 6/2024, tại xã Bình Hòa (huyện Châu Thành). Cơ sở luôn chú trọng đến chất lượng và quy trình, xây dựng đầy đủ khu vực kho, khu vực sản xuất với các loại máy xay trộn, định hình sản phẩm tự động; khu vực chế biến và sản xuất thủ công, khu vực đóng gói, khu vực sơ chế nguyên liệu, khu vực xuất hàng riêng biệt… theo đúng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm” - Ngọc Yến bày tỏ.
Cơ sở cũng có kế hoạch hướng đến việc đạt được các chứng nhận cao hơn, như: HACCP, Organic, GlobalGap… để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khắt khe hơn và vươn ra thị trường ngoài nước. Hiện, cơ sở sản xuất 240kg bánh/tháng. “Chúng tôi đã và đang có kế hoạch đầu tư máy móc, nhân lực nhằm đạt sản lượng mục tiêu từ 500kg - 1 tấn bánh/tháng vào năm 2026” - Ngọc Yến cho hay.
Dự án “Bánh phồng nấm rơm”, khai thác tối đa hiệu quả kinh tế từ nấm rơm mang lại, giúp nông dân có thêm thu nhập; giúp giải quyết vấn đề tồn đọng nấm rơm khi cung vượt cầu, tránh tình trạng rơi vào vòng lặp “được mùa, mất giá” nấm rơm. “Mục tiêu của tôi là tạo ra thêm sản phẩm phục vụ du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương. Sản phẩm bánh phồng chay từ nguyên liệu nấm có độ giòn, xốp, mùi vị thơm ngon đặc trưng và mang lại giá trị dinh dưỡng cao. Đồng thời, đưa ra thêm một số sản phẩm chế biến từ nấm rơm trong thời gian không xa” - Ngọc Yến chia sẻ thêm.
Ngoài bánh phồng nấm rơm, Ngọc Yến đã nghiên cứu thành công và cho ra mắt thị trường sản phẩm bánh phồng nấm đùi gà và bánh phồng nấm bào ngư. Ngọc Yến cho biết, bánh phồng có thể làm từ nấm rơm thì các loại nấm khác cũng có thể. Nghĩ là làm, cô gái ấy đã nghiên cứu, nhanh chóng cho ra sản phẩm mới này và được thị trường đón nhận rất tốt. Hiện, bánh phồng nấm rơm có giá bán 60.000 đồng/hộp 180gr; bánh phồng nấm đùi gà và nấm bào ngư đồng giá 55.000 đồng/hộp 180gr.
PHƯƠNG LAN