Khởi nghiệp từ 20 triệu đồng đi vay, 9x Nam Định có thu nhập hàng chục tỷ đồng
Đó là chia sẻ của anh Bùi Văn Dũng (SN 1990), trú tại ngã ba Cát Đằng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên (Nam Định) về hành trình khởi nghiệp của mình.
Chỉ vào căn nhà 3 tầng rộng 160m2 mới xây khang trang ngay mặt đường lớn, anh Dũng cho biết, mảnh đất này được anh mua vào năm 2023 với giá 5 tỷ đồng. Năm nay, vợ chồng anh xây dựng lên căn nhà 3 tầng với 3 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 phòng thờ với tổng chi phí vào khoảng 4 tỷ đồng, bao gồm cả nội thất.
Ngôi nhà của anh Dũng vừa xây dựng với giá trị khoảng 10 tỷ đồng, tính cả tiền mua đất và hoàn thiện nội thất.
Không chỉ vậy, anh còn sở hữu một ngôi nhà tại Ecopark (Hà Nội) cùng gần 1 ha đất nông nghiệp tại Nam Định để chuẩn bị cho dự án nông nghiệp sạch của mình.
Trước khi về quê khởi nghiệp, anh Dũng từng tốt nghiệp trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Sau đó là thời gian gần 2 năm đi làm thuê tại một số doanh nghiệp và tự mở công ty riêng nhưng thất bại.
“Tôi về quê đúng nghĩa là với hai bàn tay trắng, không có một đồng nào. Lúc đó, bố mẹ tôi muốn xin cho tôi vào làm ở cơ quan nhà nước, không muốn tôi về quê đâu nhưng tôi làm trái lời, không chịu. Thế là bất đồng ý kiến. Từ đó, tôi không nhận được bất cứ sự giúp đỡ, ủng hộ nào liên quan đến công việc từ gia đình”, anh Dũng kể.
Không chỉ vậy, nhiều hàng xóm còn bàn ra tán vào, họ nghĩ rằng, anh đi học Đại học xong sẽ làm nghề này, nghề kia, không ngờ lại thấy về làm những công việc của làng nghề.
Từ hai bàn tay trắng, anh Dũng về quê khởi nghiệp và có thu nhập nhiều người mơ ước.
Mặc kệ lời ra tiếng vào, anh Dũng quyết tâm chọn chính làng nghề nơi mình sinh ra để khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho chính các sản phẩm được sản xuất tại làng nghề.
Tuy nhiên, các sản phẩm truyền thống của quê anh chủ yếu là đồ thờ, giường tủ, bàn ghế. Anh nghĩ rằng, mình còn trẻ lại không có vốn, nếu làm những sản phẩm quen thuộc này thì không biết đến bao giờ mới có người biết đến mình. Bởi vì, mọi người trong làng nghề đã làm nhiều năm, có một lượng khách hàng thân quen rất lớn, có vốn rồi mà giờ mình mới bắt đầu, đi theo thì sẽ khó có chỗ đứng.
“Tôi bắt đầu bỏ thời gian nghiên cứu làm tranh gỗ nghệ thuật. Khách hàng hướng đến sẽ phải là người có tiền. Vì vậy, tôi chọn những mẫu mã đẹp có các đường nét mình cần ở trong nước và của Trung Quốc rồi đi tìm khách trên mạng xã hội, các hội nhóm để spam, tìm kiếm khách hàng. Khi có đơn, tôi đi mua gỗ rồi đi thuê đục, chọn những người thợ giỏi nhất làng để làm rồi bán cho khách”, anh Dũng cho hay.
Về quê, anh Dũng dã chọn tranh gỗ là hướng đi khởi nghiệp của mình.
Cứ vừa làm vừa học, sau gần 2 năm khởi nghiệp với tranh gỗ, anh chuyển sang mảng làm nhà thờ, tạo ra bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của mình.
“Năm 2016, tôi nhận được đơn hàng của một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội, muốn đặt 4 bức tranh cúng tiến cho nhà thờ họ. Khi chú ấy qua lấy hàng, nhìn thấy chiếc bình dát vàng ở trong nhà tôi đẹp quá nên có yêu cầu tôi dát vàng cho toàn bộ đồ thờ”, anh Dũng kể.
Mặc dù dát vàng lên gỗ không phải thế mạnh của mình nhưng anh vẫn nhận lời. Sau đó, anh tìm đến làng nghề Sơn Đồng (Hà Nội) để nhờ một nghệ nhân giỏi về làm. Khi công trình hoàn thiện, khách hàng rất hài lòng và ưng ý nên giới thiệu rất nhiều công trình khác, anh Dũng làm không hết việc.
Những bức tranh gỗ được anh hoàn thiện cho khách hàng có giá từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.
Năm 2019, sau khi thị trường tranh gỗ của mình phát triển ổn định, anh Dũng chuyển ra làm nhà thờ. Có vốn lại thêm tệp khách hàng cao cấp, có tiền, anh lựa chọn, mời những thợ giỏi nhất vùng về làm cho mình.
“Thời gian này tôi gặp một anh chuyên về di tích và các công trình nhà thờ. Anh nhờ tôi làm nhà thờ họ. Khi công trình thành công, anh giới thiệu bạn bè và các mối quan hệ của anh cho tôi làm. Cứ ai làm đồ gỗ là anh giới thiệu đến tôi”, anh Dũng bày tỏ.
Thời điểm năm 2019-2021, dịch Covid-19 lan rộng, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng anh Dũng lại phát triển vượt bậc, doanh thu năm sau cao gấp đôi năm trước.
“Dịch bệnh ập đến, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, sản xuất, kinh doanh nhưng mọi người còn rất nhiều tiền và xây dựng nhà thờ rất nhiều. Mỗi năm tôi làm vài chục nhà thờ họ, mỗi công trình từ 200 triệu đến trên 2 tỷ đồng, tranh thủ công thì từ 30-500 triệu đồng”, anh Dũng cho hay.
Mỗi năm anh hoàn thiện hàng chục công trình nhà thờ có giá từ 200 triệu đồng đến vài tỷ đồng.
Từ hai bàn tay trắng, anh Dũng đã tự mua đất, xây nhà ở quê và mua nhà Hà Nội để đầu tư. Đồng thời, anh đã khẳng định được tên tuổi của mình tại làng nghề, nơi mình sinh ra và lớn lên, tạo công ăn việc làm cho trên 30 lao động với mức thu nhập từ 12-40 triệu đồng/người/tháng, doanh thu mỗi năm đạt hàng chục tỷ đồng.
Nói về thành công của mình, anh Dũng tâm niệm rằng, đã làm nghề thì đầu tiên phải làm thật và làm tốt. Cam kết chất lượng sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất, thật nhất, làm bằng tất cả cái tâm của mình thì chắc chắn sẽ thành công.
Để có được thành công ngày hôm nay, anh khiêm tốn cho rằng phần nhiều là do mình may mắn gặp được những quý nhân trong đời.
“Trên con đường khởi nghiệp của mình, ngoài tự thân cố gắng mà nên thì tôi còn gặp rất nhiều quý nhân. Tôi có thêm những người anh lớn, hỗ trợ mình rất nhiều trong công việc. Từ những người xa lạ chưa bao giờ gặp nhau nhưng lúc gặp rồi lại như cùng tần số, giúp đỡ hết mình và ủng hộ tôi ở tất cả những việc tôi làm, bất kì lúc nào. Nếu không có những quý nhân ấy, rất khó để tôi có được thành công như ngày hôm nay”, anh Dũng bộc bạch.
Hồng Cảnh