Khởi nghiệp bắt đầu từ đâu?
Khởi đầu của thành công
“Hầu hết những người khởi nghiệp vĩ đại không bắt đầu từ một ý tưởng mới, họ bắt đầu với những vấn đề cần được giải quyết”, ông Bret Waters, một doanh nhân và nhà đầu tư danh tiếng từ Thung lũng Silicon, đã chia sẻ trong bài giảng về xây dựng và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo do Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tại Hà Nội vào sáng 31/10/2024.
Lập luận tương tự, Paul Graham, đồng sáng lập của Y-Combinator, đã từng khẳng định, "Động từ bạn muốn sử dụng liên quan đến ý tưởng khởi nghiệp không phải là 'nghĩ tới' mà là 'nhận ra'. Cách để có được ý tưởng khởi nghiệp không phải là cố gắng nghĩ ra một ý tưởng mới, mà là tìm kiếm những vấn đề."
Thực tế, những câu chuyện thành công của các công ty khởi nghiệp như Uber, Airbnb và Cisco đều là minh chứng cho điều này. Uber ra đời từ nhu cầu của một nhóm bạn muốn thuê một tài xế riêng, nhưng đồng thời cũng nhận ra những khó khăn mà các tài xế phải đối mặt khi chờ đợi khách hàng. Airbnb ra đời từ nhu cầu của những người bạn cùng phòng cần cho thuê phòng để trả đỡ tiền thuê nhà. Và Cisco ra đời từ sự bất tiện của việc sử dụng mạng internet chậm của hai quản trị viên máy tính tại Stanford.
Lắng nghe “tiếng sóng”
Sự khởi đầu của những công ty khởi nghiệp thành công thường bắt nguồn từ một vấn đề cần được giải quyết và sự đam mê của người sáng lập trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề đó. Như ông Bret Waters đã khẳng định, ý tưởng là dễ dàng, nhưng việc thực hiện mới là điều khó khăn. Phần lớn các ý tưởng khởi nghiệp thất bại bởi một lý do chung: không tìm được thứ mà khách hàng mong muốn.
Một ví dụ điển hình về thất bại do thiếu hiểu biết về thị trường chính là mẫu xe Edsel của Ford. Dự án này được kỳ vọng là một bước đột phá của ngành xe cộ, với mục tiêu bán được 200.000 chiếc trong năm đầu tiên và cán mốc một triệu sản phẩm sau ba năm. Tuy nhiên, do không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, Edsel chỉ bán được 60.000 chiếc trong năm đầu tiên và phải ngừng sản xuất trong vòng chưa đầy ba năm.
Những người khởi nghiệp khi phát triển một ý tưởng đều sẽ cho rằng nó sẽ thành công, thế nhưng trên thực tế không phải ý tưởng nào cũng thành công, bởi cái họ nghĩ chưa chắc đã là cái mà khách hàng mong muốn. Và ông Bret cũng đưa ra lời khuyên hãy đặt mình vào vị trí của khách hàng, chỉ khi tương tác với khách hàng, biết được nhu cầu của họ thì mới có thể thành công.
Nói một cách đơn giản, các doanh nghiệp cần phải sản xuất một sản phẩm phù hợp với thị trường, nhiệm vụ là cần phải lắng nghe “tiếng sóng” của thị trường và tạo ra một sản phẩm đáp ứng được mong đợi đó.
Trên thực tế, kế hoạch kinh doanh ban đầu thường phải trải qua nhiều lần điều chỉnh sau khi tiếp xúc với khách hàng. Dù đã dành thời gian tâm huyết để hoàn thiện ý tưởng, vẫn có những yếu tố bất ngờ không thể lường trước. Ông Bret, dựa trên kinh nghiệm bản thân, khuyến nghị dành 6 tháng đầu tiên để trò chuyện trực tiếp với khách hàng tiềm năng. Qua đó, doanh nghiệp sẽ thấu hiểu nhu cầu thực tế của họ và xã hội, từ đó phát triển sản phẩm tối ưu, phù hợp nhất với thị trường.
Câu hỏi đặt ra ở đây là phải phát triển một sản phẩm như thế nào thì đó không phải là do doanh nghiệp nghĩ là tuyệt vời mà phải do khách hàng nghĩ như thế là tuyệt vời. Nhưng dù câu trả lời đã rất rõ ràng như vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn mắc sai lầm và vẫn phát triển những sản phẩm mà họ nghĩ là tuyệt vời.
Một trong những thách thức đầu tiên doanh nghiệp phải đối mặt khi ấp ủ một ý tưởng là sự cạnh tranh khốc liệt. Khi nghiên cứu ý tưởng của mình thường sẽ có vô số đối thủ cạnh tranh, điều này dễ khiến các nhà khởi nghiệp nghi ngờ về khả năng thành công.
Nhiều người với những ý tưởng sáng tạo, đã từng chùn bước trước thực tế này, cảm thấy lo lắng và nghi ngại. Tuy nhiên, nếu không có sự cạnh tranh, liệu doanh nghiệp có đủ động lực để vượt qua giới hạn, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ thực sự đột phá?
Ông Paul Graham từng chia sẻ, "đừng dành quá nhiều thời gian để lo lắng về đối thủ cạnh tranh. Hãy tập trung vào việc xây dựng doanh nghiệp của bạn, làm sao cho nó trở nên độc đáo và có giá trị nhất".
Vì vậy, thay vì dành quá nhiều thời gian để phân tích đối thủ hãy dành thời gian để nghiên cứu bối cảnh cạnh tranh và các sản phẩm thay thế, sử dụng thông tin thu thập được để đánh giá bối cảnh cạnh tranh một cách khách quan, từ đó đưa ra những chiến lược phù hợp để phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình.
Thực tế, không phải sản phẩm nào có nhiều tính năng nhất cũng sẽ chiến thắng. Điều quan trọng là sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường, mang đến giá trị thực sự cho người dùng.
Ngọc Hân