1. Kinh doanh

Khi phụ nữ làm chủ cuộc đời, làm chủ tài chính

Giám đốc Mai Quỳnh Mai giới thiệu các sản phẩm của HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn xã Nga Yên (Nga Sơn)

1. “Lấy chồng nghề ruộng em theo/ Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”, câu ca ấy là tâm trạng của biết bao người phụ nữ miền biển. Với chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc)... cũng vậy. Nhiều năm trước, khi bố chồng, rồi chồng đi biển chị cũng lo lắng, sốt ruột. “Có những đêm trời trở gió, ngồi ở nhà nhưng trong bụng không yên. Chồng ngoài khơi lênh đênh trên sóng biển mà lòng mình cũng dậy sóng theo. Điều duy nhất tôi có thể làm là thắp hương cầu trời khấn Phật cho gió yên biển lặng, cho ngày hôm sau được nhìn thấy tàu đánh cá của gia đình và chồng bình an trở về”, chị Thủy tâm sự.

Công việc hằng ngày của chị Thủy khi ấy đơn giản là xuống bến mua cá để “chạy chợ”, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi khi tàu của chồng cập bến, chị lại tất tưởi phân loại hải sản đánh bắt để cân bán, rồi lo mua sắm lương thực, thực phẩm cho chồng chuẩn bị ra khơi.

Chị Thủy cho biết: “Trước đây kinh tế của cả gia đình tôi chờ đợi vào những chuyến tàu. Thấp thỏm lắm, vì nào mình có được chủ động, tất cả phụ thuộc vào thời tiết, con nước...”.

Sau khi là thành viên của Hội LHPN xã, chị được tham gia nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã mà chị được tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm. Vay 100 triệu, chị đã mạnh dạn đầu tư kho đông lạnh, mở rộng cơ sở sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

Khi bố chồng và chồng sức khỏe kém, chị Thủy là chỗ dựa chính của gia đình. Chị lựa chọn cá thu nướng là sản phẩm kinh doanh chính, và quyết tâm đầu tư xây dựng thương hiệu Cá Thu nướng Quân Thủy trở thành sản phẩm OCOP. “Giờ đây, các thành viên trong gia đình đều tham gia vào chu trình khép kín từ mua cá, nướng cá, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, tôi còn thuê thêm 2 lao động thường xuyên, vào dịp lễ, tết thì thuê lao động thời vụ”.

Đặc biệt, chị Thủy còn mở rộng mạng lưới, học cách bán hàng trên nền tảng xã hội. Đến nay, lượng khách ngoài tỉnh, ngoài huyện của chị khá lớn, số lượng hàng bán ra ngày một nhiều hơn.

Chị Nguyễn Thị Thủy cho biết: Phụ nữ vốn thiệt thòi và vất vả, vừa phải chăm con, chu đáo với nhà chồng, vừa phải phát triển kinh tế. Phụ nữ hiện đại cũng vậy thôi, song khi có kinh tế thì mọi chuyện dễ dàng hơn, chủ động cuộc sống hơn.

2. Thuộc thế hệ 9X, chị Mai Quỳnh Mai có tư duy khá nhạy bén và hiện đại. Là giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn xã Nga Yên, chị chịu trách nhiệm quản lý sản xuất và định hướng tiêu thụ cho 32 hộ trong HTX.

Tốt nghiệp Khoa khoa học xã hội Trường Đại học Hồng Đức, sau đó là hoàn thành chương trình thạc sĩ Công tác xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Mai Quỳnh Mai trở về quê nhà. Bắt tay vào làm nông nghiệp, “tất nhiên là nhiều lo lắng nhưng tôi nhìn thấy tiềm năng phát triển”, chị chia sẻ.

Chị Mai cho biết: Nhờ tham gia HTX mà mọi người được liên kết, hỗ trợ từ “đầu vào” cho đến “đầu ra”. Bên cạnh đó, khi tham gia HTX, các thành viên có nhiều cơ hội giao lưu các hội nhóm, học hỏi kinh nghiệm và có những chuyến tham quan học tập vừa tạo điều kiện phát triển các năng lực về xã hội vừa quản lý gia đình khoa học, hiện đại.

Còn trẻ, nên Quỳnh Mai có những quan điểm sống hiện đại, dám sống, dám thử nghiệm. Chị hiểu rằng, trong thời đại hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu nhằm tạo ra những đột phá mới, bảo đảm nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Nhờ có hướng đi và cách làm đúng, đến nay, hầu hết các sản phẩm của HTX đều được tiêu thụ nhanh chóng, không bị tồn đọng. Năm 2023, sản phẩm dưa hấu xứ đảo Mai An Tiêm của HTX được kiểm định và cấp chứng nhận OCOP 3 sao tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong những bước ngoặt rất lớn giúp các thành viên HTX tiếp tục phát triển và sản xuất nông sản theo hướng an toàn.

“Từ sự thành công của HTX mà các hộ gia đình đã có sự thay đổi khá lớn về kinh tế. “Biến cát thành vàng” đã thay đổi phần nào vùng cát Nga Yên (Nga Sơn) nhưng hơn hết là thay đổi điều kiện sống của những người phụ nữ ở đây”, chị Quỳnh Mai nói.

3. Mới đây, ngày 14/10/2024, tại Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024, chị Nguyễn Thị Biên (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa) đã được vinh danh là nông dân có doanh thu cao nhất (150 tỷ đồng).

Từ một người đi cào ngao thuê, chị Biên dần nhận ra tiềm năng to lớn của nghề nuôi ngao. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị quyết định khởi nghiệp, thử sức trong lĩnh vực kinh doanh, bất chấp những khó khăn ban đầu như thiếu vốn, kinh nghiệm và thị trường tiêu thụ.

Với sự học hỏi kiên trì và nhạy bén, chị Biên đã tìm ra được chu kỳ sinh sản của con ngao và tận dụng những kiến thức tích lũy nhiều năm, chị đã biết thời điểm nào cần tiến hành kích thích sinh sản, thu trứng và sản xuất ngao giống, cung cấp ra thị trường để có hiệu quả tốt nhất.

Chị Nguyễn Thị Biên chia sẻ: “Từ khoảng năm 1998, tôi bắt đầu đầu tư. Đến khoảng năm 2002, tôi liên hệ với các tỉnh khác để phát triển nghề nuôi ngao”.

Hiện nay chị đã có khoảng hơn 50ha nuôi ngao thịt và ngao giống. Trung bình 1 tháng chị tạo việc làm cho khoảng 25 công nhân; vào vụ, thời kỳ cao điểm có khoảng hơn 100 lao động mỗi ngày.

Vươn lên từ gian khó, thành đạt từ hai bàn tay chai sần, nên chị thấu hiểu sự vất vả. Vì thế chị thường xuyên ủng hộ, tài trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi trên địa bàn, hỗ trợ làm sân, bếp gia đình đặc biệt khó khăn tại thôn Quang Trung (xã Hoằng Thanh). Bên cạnh đó, chị Biên cũng là người truyền cảm hứng, trao đổi kinh nghiệm trong kinh doanh và tạo việc làm cho người dân địa phương.

4. Câu lạc bộ Nữ trí thức tỉnh Thanh Hóa ra đời với sự tham gia của 27 thành viên đến từ các ngành, lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, kinh tế, y tế, văn hóa... đã khẳng định vai trò “một nửa thế giới”. Không chỉ đảm việc nhà, họ còn giỏi việc nước.

Những năm qua, đội ngũ nữ trí thức tỉnh Thanhh Hóa đã lớn mạnh, thực sự là nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Các chị đã góp tiếng nói quan trọng trong hoạch định và tổ chức thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh và địa phương. Theo số liệu thống kê, cấp tỉnh có 7 nữ/65 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (chiếm 10,8%); cấp huyện có 174 nữ/887 đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ cấp huyện (chiếm 19,62%); cấp xã có 1.702 nữ/7.056 đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ cấp xã (chiếm 24,12%). Nữ ĐBQH khóa XV đạt 21,43%; nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 20%; nữ đại biểu HĐND cấp huyện đạt 28,87%; nữ đại biểu HĐND cấp cơ sở đạt 27,29%. Nhiều chị em có học hàm, học vị cao và ngày càng trẻ hóa.

Phát biểu tại lễ ra mắt CLB, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Việc ra mắt CLB nữ trí thức là tiền đề hướng tới thành lập Hội nữ trí thức tỉnh vào năm 2025, nhằm tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Xuyên suốt nhiều thập kỷ và cho đến hiện tại, phụ nữ - người được cho là “phái yếu” nhưng vẫn nắm giữ nửa bầu trời. Từ trong gia đình đến ngoài xã hội, phụ nữ là một nửa thế giới đặc biệt quan trọng! Vì thế khi họ làm chủ cuộc sống của mình cũng có nghĩa là gia đình, xã hội thêm một thành tố để phát triển toàn diện, bền vững.

Bài và ảnh: BẢO ANH

Tin khác