1. Kinh doanh

Khi ông Trump mua hamburger bằng bitcoin

Thật ra đây là một động thái vận động tranh cử của ông Trump, muốn chứng tỏ sự chuyển biến của chính ông từ chỗ chống đối tiền mã hóa đến ủng hộ hết mình nhằm lôi kéo lá phiếu của cộng đồng tiền mã hóa.

Mới cách đây vài năm, ông Trump từng tuyên bố bitcoin nói riêng và các tài sản kỹ thuật số nói chung chỉ dựa vào không khí, không có thật, rằng bitcoin là một trò lừa đảo, gây hại cho đô la Mỹ. Ông nói không thích bitcoin vì nó cạnh tranh với đồng đô la trong khi ông muốn đồng đô la duy trì vị trí thống trị trên thị trường tài chính thế giới. Thái độ của ông Trump bắt đầu thay đổi vào năm 2022 khi ông tham gia thị trường phát hành các NFT (Non-Fungible Token), tức các sản phẩm mỹ thuật dưới dạng kỹ thuật số chỉ có một phiên bản duy nhất, không thay thế được. Lúc đó nhiều nhân vật nổi tiếng cũng đua nhau phát hành NFT để bán, thu về bộn tiền. Ông Trump cũng làm các tấm bìa hình ông dưới dạng một siêu anh hùng vô địch thiên hạ.

Đợt đầu ông bán một tấm bìa như thế với giá 99 đô la Mỹ, thu về tổng cộng 4 triệu đô la. Cho đến nay ông đã phát hành bốn đợt như thế. Ông Trump nhận thấy người ta mua không trả bằng thẻ tín dụng như mua hàng hóa thông thường mà đa phần trả bằng bitcoin. Thế là ông quay sang chú ý đến tiền mã hóa và dần thay đổi thái độ.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden lại tỏ ra không thân thiện với tiền mã hóa. Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) đòi quản lý ngành này một cách chặt chẽ; ngay từ năm 2021, chủ tịch SEC là Gary Gensler cho rằng thị trường này như một miền Tây hoang dã đặt ra nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. SEC cũng từng kiện nhiều công ty giao dịch tiền mã hóa; nhiều nhân vật trong giới tiền mã hóa bị bắt giam vì tội lừa đảo.

Khi mùa tranh cử năm 2024 bắt đầu khởi động, giới vận động cho tiền mã hóa ngồi lại, tìm cách gây áp lực chính trị để xây dựng một khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho họ hoạt động. Hai công ty Coinbase và Andreessen Horowitz phối hợp với nhau để tạo ra một quỹ vận động cho ngành tiền mã hóa, với mục tiêu quyên góp được 50 triệu đô la Mỹ cho mùa bầu cử Quốc hội năm 2024 để bầu cho những nhân vật thân thiện với tiền mã hóa.

Đến tháng 6 năm nay, quỹ này dưới tên gọi Fairshake, cùng hai quỹ tương tự đã quyên góp được 170 triệu đô la, dùng để vận động hành lang tại Quốc hội Mỹ. Một ví dụ do tờ Wall Street Journal đưa ra, trong kỳ bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên thượng nghị sĩ cho đảng Dân chủ, Fairshake đã dùng hàng triệu đô la mua quảng cáo chống lại ứng cử viên Katie Porter, người từng nhiều lần lên tiếng đòi phải quản lý ngành tiền mã hóa. Quảng cáo nói bà Porter nhận tiền từ nhiều ngân hàng, công ty dược và công ty dầu khí lớn. Không rõ chiến dịch quảng cáo có hiệu lực đến đâu nhưng kết cục bà Porter thất cử.

Theo chiến dịch tranh cử của ông Trump, họ đã nhận 3 triệu đô la tiền ủng hộ từ các công ty tiền mã hóa. Tháng 5-2024, ông mời những người mua NFT của ông về Mar-a-Lago dự tiệc; dòng tiền ủng hộ ông từ cộng đồng tiền mã hóa bắt đầu chảy về, như từ hai anh em Tyler và Cameron Winklevoss, những người sáng lập sàn giao dịch tiền mã hóa Gemini.

Giới doanh nhân tiền mã hóa thích ông Trump vì ông sẵn lòng gặp họ, lắng nghe những đề xuất của họ; ông Trump từng nói sẽ đưa việc khai thác bitcoin về thực hiện ở Mỹ chứ không để diễn ra ở nước khác. Tháng 7-2024 ông tham dự một hội nghị quan trọng về bitcoin, nhận lời làm diễn giả chính. Tại đây ông Trump hứa hẹn sẽ biến nước Mỹ thành thủ đô tiền mã hóa cho cả thế giới rồi vạch kế hoạch phát triển ngành tiền mã hóa trong những năm tới. Ông còn hứa sẽ tạo ra kho dự trữ bitcoin cho nước Mỹ, một điều mà dân tiền mã hóa rất mong muốn vì sẽ tạo ra tính chính danh và sự ổn định cho bitcoin. Thậm chí ông còn hứa ngay ngày đầu tiên trở về Nhà Trắng sẽ sa thải chủ tịch SEC Gensler và cử ra một chủ tịch mới.

Thế mới thấy cuộc tranh cử chức vụ tổng thống Mỹ có ảnh hưởng rất lớn đến mọi ngóc ngách của nước Mỹ, tiền mã hóa và bitcoin cũng không là ngoại lệ.

Nguyễn Vũ

Tin khác