1. Kinh doanh

Khi nông dân làm giàu qua thương mại điện tử

BHG - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang (Bắc Quang) Nguyễn Thị Thủy khẳng định: “Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, nhiều nông dân và tiểu thương trên địa bàn xã đã và đang sử dụng những nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội để kinh doanh cũng như mở rộng đối tượng khách hàng ra khắp mọi miền trong và ngoài nước”.

Thực hiện Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đến nay toàn xã Tân Quang có tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 90%; tỷ lệ người dùng Internet đạt trên 90%; 100% hộ gia đình thực hiện thanh toán tiền điện hàng tháng qua tài khoản… Từ thành công của một số mô hình kinh doanh TMĐT trên địa bàn, hiện nay Tân Quang đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh và người dân chuyển đổi số, thực hiện kết hợp giữa sản xuất và bán hàng online trên các trang: Shopee, Lazada, Tiktok kết hợp với bán hàng trực tiếp.

Cơ sở sản xuất bánh chưng gù của chị Nguyễn Thị Kim Duyên, thôn Xuân Hòa, xã Tân Quang (Bắc Quang) có nguồn khách ổn định từ thương mại điện tử.

Chính quyền xã Tân Quang luôn xác định rõ việc để người dân tích cực lao động, sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa từ chính những thế mạnh sẵn có của địa phương theo hướng phát triển TMĐT hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến trong kỷ nguyên số, sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột trong tiến trình phát triển kinh tế số.

Đến thực tế cơ sở sản xuất bánh chưng gù và bánh gio của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Duyên tại thôn Xuân Hòa mới thấy tường tận sự chủ động, năng động của người nông dân mạnh dạn “dấn thân” vào môi trường kinh doanh mới lạ. Đúng như sự khẳng định của lãnh đạo xã Tân Quang khi trực tiếp chứng kiến một buổi livestream bán hàng của người dân nơi đây: Đến nay, bà con đã, đang cơ bản tiếp cận với môi trường “chợ ảo”; một số mô hình kinh doanh TMĐT trên địa bàn đi vào hoạt động ổn định với số lượng người theo dõi tăng đáng kể theo mỗi phiên livestream. Từ đó, xã Tân Quang đã tập trung tuyên truyền, nhân rộng các mô hình kinh doanh hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, chị Nguyễn Thị Kim Duyên có thể chào hàng tới thực khách khắp mọi miền. Chị Duyên tâm sự: “Bánh gio hay còn gọi là bánh tro là món ăn độc đáo của người Tày ở Hà Giang. Đây là loại bánh cùng với bánh chưng, bánh dày, xôi ngũ sắc vừa lưu giữ được hương vị đặc trưng, vừa truyền thống. Trước đây, cơ sở mình chỉ sản xuất một lượng vừa phải để bán lẻ tại khu trung tâm xã và bỏ mối cho một số cửa hàng, tiểu thương trong huyện và trên thành phố Hà Giang. Giờ đây, chính nhờ sự phát triển công nghệ nên không chỉ gia đình tôi mà rất nhiều bà con trong xóm đã biết thông qua các trang web, sàn giao dịch TMĐT để bán hàng cũng như mở rộng nguồn khách hàng. Đến nay, cơ sở của tôi đang bán hàng trên các nền tảng: Facebook, Tiktok, Shopee, Lazada… Mỗi phiên Livestream bán hàng đã giúp cơ sở từ sản xuất vài trăm cái/ngày lên hàng nghìn cái/ngày. Đặc biệt những ngày đầu tháng và ngày rằm, lễ, tết thì tổng đơn hàng có thể lên trên 10.000 cái được đóng gói, hút chân không gửi theo đường bộ, máy bay vào các tỉnh miền trong như: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc sang các nước: Lào, Campuchia và Thái Lan. Chính nhờ TMĐT mà cơ sở của tôi có những thời điểm tạo công ăn, việc làm cho từ 20 – 30 lao động tại địa phương”.

Cùng trong xu thế bán hàng online, Đại lý Máy móc vật tư nông, lâm, ngư nghiệp Hùng Lỳ tại trung tâm xã Tân Quang đã quyết định đầu tư thời gian đi học tập một số mô hình bán hàng trực tuyến và mua sắm các phương tiện máy móc như: Máy tính và điện thoại có cấu hình cao; mở trang Web riêng cho cửa hàng để đăng tải các quảng cáo bán hàng và phương thức kinh doanh, chính sách bảo hành của cửa hàng mình lên nền tảng mạng xã hội. Với nhiều sự nỗ lực, đến nay trung bình mỗi ngày cửa hàng Hùng Lỳ đã có hơn 200 đơn hàng được đặt trực tuyến qua mạng xã hội và công việc kinh doanh của cửa hàng có khoảng 90% doanh số và thu nhập qua các sàn TMĐT. Anh Vũ Mạnh Hùng, chủ cửa hàng Hùng Lỳ cho biết: “Mô hình kinh doanh TMĐT của Đại lý là một trong những cửa hàng đi đầu về chuyển đổi số tại xã Tân Quang. Cũng nhờ thông thạo về công nghệ thông tin, sau một thời gian duy trì trang web riêng cho cửa hàng và bán hàng online trên các “chợ ảo”, mỗi ngày đại lý đều duy trì từ 3 - 5 nhân viên đóng gói hàng trăm đơn hàng gửi đi khắp mọi miền Tổ quốc. Chính từ việc phong phú, đa dạng các mặt hàng, giá thành hợp lý cùng với chính sách bảo hành, chăm sóc khách hàng tận tình, chu đáo, mỗi sản phẩm giao đi đều ghi rõ “Khách hàng kiểm tra hàng, đúng mặt hàng đã đặt mới thanh toán, không đúng sản phẩm đã đặt khách hàng không nhận và không phải trả phí ship”. Đồng thời, sẵn sàng đổi trả miễn phí cho khách nếu quá trình vận chuyển có sai sót làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Uy tín xây dựng nên thương hiệu cho đại lý và đem lại niềm tin cho khách hàng nên số lượng khách hàng ngày càng tăng lên”.

Tuy nhiên, lâu nay bà con nông dân đưa nông sản, hàng hóa lên các sàn TMĐT để quảng bá và bán hàng chủ yếu mang tính tự phát. Để TMĐT thực sự là kênh tiêu thụ nông sản, hàng hóa hiệu quả, đồng thời giúp nông dân tránh vướng mắc về pháp lý, thiệt hại khi tham gia kênh TMĐT rất cần cơ quan chức năng hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức cho bà con tiếp cận và đẩy mạnh TMĐT tạo cơ hội cho người dân có cơ hội giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình, tăng cường quảng bá các sản phẩm tiêu biểu đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trong nước và thế giới.

Bài, ảnh: Phi Anh

Tin khác