1. Kinh doanh

Khi người trẻ bị trí tuệ nhân tạo 'tranh việc'

12% công việc biến mất trong hơn 2 năm tới

Ngày 28/10, Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Định hình tương lai: Học hỏi, Thích nghi, Dẫn dắt”.

Tìm hiểu ngành học tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Nghiêm Huê

Chia sẻ tại đây, ông Nguyễn Việt Long, Phó TGĐ, Tư vấn, EY Việt Nam (Cty TNHH Ernst & Young Việt Nam) cho biết, Báo cáo tương lai việc làm năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự báo 23% số công việc sẽ biến đổi vào năm 2027, trong đó khoảng trên 12% việc làm sẽ mất đi, hơn 10% là công việc mới. Các công việc hiện tại cũng sẽ yêu cầu thay đổi về năng lực (từ năng lực hành vi đến kiến thức).

Còn EY 2024 Work Reimagined Survey (tạm dịch: Khảo sát Tái hình dung Công việc năm 2024 của EY) tiến hành tại 23 quốc gia trên toàn cầu cũng cho thấy, hình dung về sự nghiệp, công việc, nơi làm việc đã thay đổi đáng kể so với nhận thức trước đây. Chưa bao giờ thị trường lao động thay đổi nhanh như bây giờ và trong tương lai nó sẽ còn thay đổi mạnh mẽ. Ông Long thông tin, dữ liệu từ LinkedIn, các vị trí được tuyển dụng nhiều nhất thời gian qua là: Nhân sự, phân tích phát triển bền vững, bán hàng có liên quan đến thương mại điện tử.

Những thay đổi vĩ mô tác động đến việc làm bao gồm sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như yêu cầu về phát triển xanh. Đây là những xu hướng sinh viên nên lưu ý để tận dụng cơ hội việc làm sinh ra từ các xu hướng này. Theo ông Long, thực tế này đặt ra yêu cầu phải thay đổi về cả cách dạy và cách học trong nhà trường cũng như việc bồi đắp các kĩ năng phù hợp để thích nghi với những đòi hỏi mới của thị trường lao động.

Khi đi học, năng lực được chia thành 2 loại là hành vi và chuyên môn; khi đi làm, doanh nghiệp phân năng lực thành 3 loại: Lãnh đạo, chuyên môn, và cốt lõi. Khi còn là nhân viên mới, năng lực chuyên môn đóng vai trò quan trọng, có vai trò quyết định 70 - 80% đến thành công trong công việc. Nhưng càng lên các vị trí cao hơn, như quản lí cấp trung và quản lí cấp cao thì năng lực hành vi càng có vai trò quan trọng hơn. Những người lãnh đạo là những người có năng lực hành vi rất mạnh.

Về tương lai việc làm, ông Long cho hay thời điểm chuyển đổi đang diễn ra trên thị trường Việt Nam, bắt đầu từ giai đoạn 2021 - 2022, khi đại dịch COVID-19 diễn ra, các hoạt động của con người diễn ra trên môi trường mạng. Những thay đổi hành vi này đã ảnh hưởng đến việc làm.

Ông Long nhìn nhận, sinh viên hiện nay có nhiều lợi thế khi được tiếp xúc với công nghệ AI, nhưng cũng chính vì vậy nên khả năng tương tác trực tiếp giảm. Do đó, ông lưu ý sinh viên cần phải cân bằng giữa tương tác trên mạng xã hội và tương tác trong thực tế. Điểm cần lưu ý là ngoài kiến thức, kĩ năng học ở trường ra phải trau dồi thêm một số kiến thức và kĩ năng thị trường đang đòi hỏi.

Cơ hội được thất bại

PGS.TS Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ nhà trường đang hướng tới việc đào tạo ba nấc, giúp sinh viên hiểu, vận dụng và có khả năng phân tích đánh giá. “Trường ĐH là một nơi an toàn để sinh viên có cơ hội mắc lỗi, phạm sai lầm và thất bại. Nếu sinh viên thất bại trong trường, cái giá phải trả là gì?

Là sự thành công, sự trưởng thành. Ra trường rồi mới phạm sai lầm thì giá phải trả sẽ rất đắt. Do đó, tôi khuyến nghị sinh viên tập trung nghe giảng, đọc tài liệu, học để hiểu bản chất vấn đề, có khả năng soi chiếu vào thực tiễn và phân tích, đánh giá”, ông Thọ nói. Đồng thời cho hay sinh viên vừa có kĩ năng bằng đọc sách đọc giáo trình vừa phải thực chiến.

Ông Trần Phú Sơn, Tổng GĐ EY Việt Nam kể câu chuyện về cuốn giáo trình của môn học Introduction to Accounting (Giới thiệu về Kế toán) khi học sau ĐH ở nước ngoài để rút ra bài học về sự tự học, tự làm mới bản thân của mỗi cá nhân trong môi trường sống. Cuốn giáo trình khi đến tay ông Sơn đã tái bản 22 lần và dày 752 trang.

“Tôi nghĩ rằng sự học của mỗi người cũng như cuốn giáo trình đó. Phải có nền tảng ban đầu, sau đó phải tiếp tục cập nhật kiến thức mới, kĩ năng mới, công nghệ mới”, ông Sơn khẳng định. Ông Sơn nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp khi làm việc bao gồm các yếu tố: Chuyên cần, chuyên môn, chuyên tâm.

NGHIÊM HUÊ

Tin khác