1. Kinh doanh

Khi người dân có 'điểm tựa'

Chị Bé (phải) cùng chị Yến, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm & vay vốn thôn Đồng Di kiểm tra mẻ nấm rơm

Trong những chuyến cùng ông Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Vang và những tổ trưởng tổ tiết kiệm & vay vốn trên địa bàn các xã, thị trấn, đến các hộ trước đây thuộc diện nghèo, cận nghèo, khó khăn nay đã thoát nghèo, thoát khó, có cuộc sống kinh tế ổn định, phát triển với những mô hình kinh tế phù hợp, mang lại hiệu quả, bao giờ tôi cũng “gặp” những nụ cười tự tin và hạnh phúc.

Những câu chuyện cũ luôn được nhắc lại với điệp khúc: “Ngày trước, cuộc sống gia đình tui cực lắm, khổ lắm". Trong nhiều hộ nghèo, cận nghèo, cả vợ lẫn chồng đều không có công việc ổn định, càng không có vốn liếng nên phải chạy ăn từng bữa, giật gấu vá vai, bấp bênh, thấp thỏm. Một số gia đình có vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế, nhưng do phải trả lãi cao nên cũng không “trụ” được.

Từ khi Phú Vang triển khai đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo, tùy từng đối tượng được cho vay vốn theo chính sách tín dụng ưu đãi, người dân trên địa bàn mới có cơ hội, “điểm tựa” để triển khai, thực hiện những mô hình kinh tế phù hợp, từ đó, họ dần mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Gia đình bà Cao Thị Hường ở xã Phú Xuân là một trong những hộ điển hình thành công trong phát triển sản xuất, kinh doanh, khi được trao “chìa khóa” là vốn vay tín dụng chính sách xã hội đã góp phần “mở khóa” khó khăn về vốn làm ăn. Khi đã được hỗ trợ vay vốn, với kiến thức khoa học tích lũy được trong trường đại học, con trai bà Hường cùng cha mẹ tự tin ươm giống, cung cấp cá nâu giống, cá dìa giống ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, gia đình bà Hường còn nuôi xen ghép cá, tôm, cua để bán. “Nếu thuận mùa, lãi ròng từ cá giống mỗi năm tầm 300 triệu đồng, chưa tính lãi từ các loại cá, tôm, cua thịt” - bà Hường chia sẻ.

Con trai của bà Hường còn được người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thuê xử lý kỹ thuật khi mặt nước hoặc tôm, cá gặp vấn đề. Công việc này giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Từ nghèo khó, đến nay gia đình bà Hường thuộc diện có của ăn của để, kinh tế khá giả tại địa phương.

Ở thôn Đồng Di, xã Phú Hồ, gia đình chị Lê Thị Bé cũng là một điển hình trong vươn lên làm giàu từ “điểm tựa” vốn vay tín dụng chính sách xã hội. Đầu tư phát triển, mở rộng mô hình nấm rơm, vợ chồng chị Bé đổ đất nâng mặt bằng (trước đây thấp trũng), làm 4 vòm nấm. “Nếu mẻ nấm đạt, mỗi vòm cho lãi ròng tầm 1,5 triệu đồng. Vợ chồng tôi còn làm 4 mẫu ruộng lúa 2 vụ, thu hoạch chừng 12 tấn lúa mỗi vụ. Lúa bán, rơm “quay vòng” làm nấm” - chị Bé cho hay. Khi có vốn mà không phải nơm nớp lo lãi cao, làm cái gì cũng thuận lợi, tự tin hơn. Cùng với làm ruộng, trồng nấm, vợ chồng chị Bé còn nuôi heo, làm 1 hồ cá nuôi xen ghép nhiều loại và tận dụng thức ăn từ rau trong vườn, rau mọc dại, cám từ xay xát lúa cho cá ăn để đỡ tốn chi phí. Bây giờ, vợ chồng chị Bé sở hữu ngôi nhà bề thế, khang trang cùng những nguồn thu nhập ổn định. Chị Trương Thị Yến, Tổ trưởng Tổ vay vốn & tiết kiệm thôn Đồng Di nhận xét, hộ chị Bé là tấm gương chịu thương chịu khó, đồng thời là tấm gương sử dụng vốn vay tín dụng chính sách xã hội đúng mục đích, phát huy hiệu quả tốt.

Theo ông Lê Đức Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, từ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và nhất là từ sự nỗ lực của người dân, trong 9 tháng đầu năm nay, có 207 hộ nghèo đã thoát nghèo, vượt chỉ tiêu so với 196 hộ đã đăng ký từ đầu năm. Nhiều mô hình hiệu quả đã mang lại cuộc sống khá giả, giàu có cho chủ hộ, đồng thời tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho lao động trên địa bàn. Điển hình là các mô hình làm ruốc, nước mắm tại xã Phú Thuận, Phú Hải; mô hình nước ớt tại xã Vinh Xuân; mô hình mắm dưa cà tại xã Vinh An; mô hình nuôi trồng, kinh doanh thủy sản tại các xã Phú Xuân, Vinh Thanh; mô hình trồng nấm rơm tại các xã Phú Lương, Phú Xuân…

Ông Trần Gia Công, Bí thư Huyện ủy Phú Vang, Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện đánh giá cao vai trò chủ thể của người dân trong giảm nghèo bền vững, vươn lên phát triển kinh tế. Thời gian tới, địa phương tiếp tục lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo để có những “bước tiến” vững chắc hơn nữa trong công tác giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

Tin khác