1. Kinh doanh

Khát vọng 'chữa bệnh đói nghèo' ở vùng đất 'thiên cung dược liệu'

Trong xưởng chế biến của HTX thơm nồng mùi tía tô, kinh giới, mã đề, rau má, ngải cứu... đến những loại thuốc quý như: hoắc hương, cúc hoa, kim tiền thảo..., Giám đốc Nguyễn Thị Úy Nga chia sẻ, tự bao đời nay, người dân nơi đây luôn tận dụng những mảnh vườn, miếng đất gần nhà để trồng thêm một số cây dược liệu phục vụ gia đình. Là người con của vùng đất được mệnh danh là “thiên cung dược liệu”, ngay từ khi còn nhỏ, hằng ngày chị đã được tiếp xúc với các loại cây dược liệu. Cũng vì lẽ đó, chị ước mơ sau này sẽ phát triển dược liệu địa phương thành những sản phẩm có giá trị.

Quyết tâm theo đuổi ước mơ

“Ở đây, từ người già đến trẻ - cả khi nhắm mắt lại, chỉ cần ngửi là chúng tôi cũng biết được đó là loại cây gì, vị thuốc nào”, chị Nga nói.

Các sản phẩm của HTX Dược liệu dân tộc Yên Bái được đóng gói với bao bì bắt mắt và đẩy đủ thông tin nhãn mác, nguồn gốc,...

Chị Nga mời phóng viên VnBusiness thưởng thức trà quế - thứ trà "cây nhà lá vườn" đã làm say đắm biết bao người với vị ngọt the, dịu mát.

Rồi nữ Giám đốc sinh năm 1980 kể về hành trình dài đã qua. Theo đó, sau nhiều năm ấp ủ, năm 2016, chị bắt tay vào xây dựng cơ sở chế biến và vùng nguyên liệu rộng 2 ha của gia đình. Nhưng năm đó thời tiết không thuận lợi, nắng nóng gay gắt, hạn hán khốc liệt đã làm 2 ha tía tô, húng quế chết hơn 80%, thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

Không nản chí, chị và gia đình quyết tâm khôi phục lại vùng nguyên và bắt đầu tìm hiểu các biện pháp tái sản xuất với quy mô nhỏ, vừa làm vừa nghiên cứu.

Đến tháng 8/2024, chị Nga cùng một số hộ dân trên địa bàn thành lập HTX Dược liệu dân tộc Yên Bái, tập trung phát triển cây dược liệu với quy mô lớn.

HTX đã trồng 15 ha cây dược liệu như: tía tô, húng quế, đương quy và một số loại cây dược liệu khác. Do phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, nên các loại cây dược liệu này phát triển tốt, ít sâu bệnh.

Thành công từ... "3 không"

Bên cạnh đó, HTX tập huấn cho tất cả thành viên và bà con nông dân từ vấn đề chuẩn bị đất, trồng và chăm sóc, toàn bộ đảm bảo nguyên tắc "3 không": không sử dụng phân bón, không thuốc bảo vệ thực vật, không phá hoại rừng. HTX hướng tới mục tiêu cùng nhau xây dựng một mô hình kinh tế tập thể lớn mạnh và tạo ra những sản phẩm có giá trị cho cộng đồng.

Hiện, HTX liên kết thu mua và bao tiêu sản phẩm cho người dân trên địa bàn, nguyên liệu được thu hái, sơ chế và xuất bán kịp thời, duy trì sự ổn định cho các thành viên HTX.

Từ khâu trồng trọt đến thu hoạch, chế biến, tất cả đều được thực hiện bằng phương pháp truyền thống, kết hợp với công nghệ hiện đại, nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.

Vừa làm vừa nghiên cứu, đến nay, HTX Dược liệu dân tộc Yên Bái đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng như các loại tinh dầu, các loại trà thảo mộc và một số loại lá uống. Mỗi sản phẩm đều mang trong mình một câu chuyện của vùng đất nơi được sinh ra. Từ khâu trồng trọt đến thu hoạch, chế biến, tất cả đều được thực hiện bằng phương pháp truyền thống, kết hợp với công nghệ hiện đại, nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.

“Để sản xuất hiệu quả lâu dài, cùng với đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu, HTX đã đầu tư trên 6 tỷ đồng hiện đại hóa máy móc, xây dựng nhà xưởng. Hiện tại, hệ thống máy móc, trang thiết bị của HTX được đánh giá là hiện đại trong top đầu của huyện Lục Yên. Có thể kể đến như hệ thống chưng cất, máy phân đoạn tinh dầu, máy cắt, máy đóng gói,…”, chị Nga hồ hởi khoe.

Với ưu thế về công nghệ này, HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng cung cấp nguyên liệu chất lượng cao, gia công sản phẩm từ thiên nhiên cho các doanh nghiệp dược lớn.

Cầm trên tay hộp trà tía tô hay trà quế,… rất khó để tin rằng những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã hiện đại, dán tem QRcode đầy đủ như thế lại được làm nên từ một HTX chỉ mới được thành lập được vài tháng.

Thực tế thời gian qua, HTX đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của huyện và tỉnh như các chính sách hỗ trợ máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, được tạo điều kiện tham gia các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ quảng bá sản phẩm…

Đưa sản phẩm lên sàn, đa dạng hướng kinh doanh

HTX Dược liệu dân tộc Yên Bái đang từng bước khẳng định mình không chỉ thông qua việc gìn giữ và phát huy các sản phẩm dược liệu truyền thống, mà còn bằng cách đẩy mạnh hiện diện trên các trang thương mại điện tử: Shopee, Tiki, Lazada,…

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và xu hướng mua sắm trực tuyến, HTX đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để mở rộng thị trường và tiếp cận nhiều khách hàng hơn, thay vì chỉ giới hạn trong việc cung cấp các sản phẩm đến tay người tiêu dùng địa phương, nhằm nâng cao độ phủ sóng của sản phẩm. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và đặt hàng những sản phẩm chất lượng từ Yên Bái chỉ với vài cú click chuột.

HTX xây dựng không gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm với diện tích gần 500m2.

Hiện, toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 630 loài cây dược liệu, được phân thành 11 nhóm thuốc chữa bệnh, trong đó có các loại cây dược liệu quý, có giá trị như: Giảo cổ lam, Thổ phục linh, Trà hoa vàng, Quế,... Trong việc tái cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp, tỉnh định hướng phát triển cây dược liệu gắn liền với bảo vệ rừng. Và đây cũng là một trong những mục tiêu lớn trong tôn chỉ kinh doanh của HTX.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, Giám đốc Nguyễn Thị Úy Nga cho biết, HTX đang thực hiện quy hoạch lại vùng phát triển dược liệu gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Du khách đến với HTX sẽ được trải nghiệm quy trình trồng, chăm sóc, chế biến cây dược liệu, được tham gia chế biến các món ăn từ cây dược liệu,…

“HTX đang lên kế hoạch triển khai làm 3 nhà nghỉ homestay kết hợp với dịch vụ tắm lá thuốc để thu hút du khách nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương”, chị Nga thông tin.

Mặc dù bước đầu đã có những kết quả khả quan, song HTX Dược liệu dân tộc Yên Bái cũng còn gặp không ít khó khăn do vùng trồng nguyên liệu rộng, địa hình đồi núi đi lại khó khăn nên việc vận chuyển nguyên liệu về xưởng chế biến mất nhiều thời gian và công sức.

“HTX rất mong muốn được Nhà nước hỗ trợ về kết cấu hạ tầng (đường vào khu sản xuất), hỗ trợ về vốn, máy móc, trang thiết bị để chế biến những sản phẩm hàng hóa dược liệu có chất lượng cao nhằm nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân”, Giám đốc Nguyễn Thị Úy Nga bộc bạch.

Lê Hồng

Tin khác