1. Kinh doanh

Khát vọng cà phê Tây Nguyên - Bài 8: Tiềm năng cà phê xứ lạnh Kon Tum

Phát triển cà phê xứ lạnh theo hướng hiện đại, bền vững sẽ nâng cao thu nhập cho người dân.

Sản xuất khép kín, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt

Nằm giữa cao nguyên Kon Tum, huyện Kon Plông có độ cao từ 1.200 - 1.500m so với mực nước biển, là vùng đất mát mẻ quanh năm với nhiệt độ trung bình từ 18 - 22 độ C, tạo ra môi trường lý tưởng cho các cây trồng xứ lạnh, đặc biệt là cà phê Arabica.

Hàng chục năm về trước, người dân ở các xã Đăk Long (nay là thị trấn Măng Đen), Măng Bút, Măng Cành và xã Hiếu (huyện Kon Plông) đã đưa hạt cà phê Arabica về trồng tại địa phương. Tuy nhiên, với lối canh tác lạc hậu cùng với việc tự phát nên cây cà phê phát triển kém, mang lại hiệu quả chưa cao.

Niềm vui người nông dân trồng cà phê.

Anh A Niu - Trưởng thôn Kon Chênh, xã Măng Cành cho biết: “Nhiều năm về trước thấy bà con trong làng mua giống cà phê xứ lạnh về trồng nên gia đình cũng tập tành trồng thử. Đến năm 2014, Trung tâm khuyến nông tỉnh Kon Tum hỗ trợ giống cho các hộ nghèo trong thôn và khuyến khích trồng loại cà phê này.

Tuy nhiên, thời điểm này không nắm rõ về kỹ thuật cũng như cách thức chăm sóc nên cây kém phát triển, năng suất thấp. Mãi đến những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp vào ngỏ ý xây dựng vùng trồng cũng như bao tiêu sản phẩm nên bà con mới quay trở lại với cà phê. Hiện gia đình tôi cũng đang trồng hơn 5 ha cà phê Arabica”.

Tương tự anh trai, chị Y Lúp (SN 1995, em gái của A Niu) trước đây cũng trồng cà phê tự phát, lại không hiểu rõ quy trình kỹ thuật chăm sóc nên cây cho năng suất kém. Dưới sự vận động của chính quyền địa phương và hợp tác xã, Y Lúp đã mạnh dạn chuyển đổi gần 3ha cây mì quay lại trồng cà phê xứ lạnh. Toàn bộ quy trình chăm sóc loại cây này đều được 2 anh em tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Hợp tác xã cà phê xứ lạnh Măng Đen Forest. Vì được hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nên vườn cà phê của chị Lúp phát triển rất tốt.

Hiện nay trên địa bàn huyện Kon Plông có 2 thương hiệu cà phê xứ lạnh nổi tiếng là T' Măng Deeng và Rẩy Rừng Coffee. Hai đơn vị này đang liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu trên nhiều xã thuộc huyện Kon Plông. Cả hai đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển ngành cà phê địa phương, cũng như nâng tầm thương hiệu cà phê xứ lạnh Kon Plông trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đối với T' Măng Deeng và Rẩy Rừng Coffee, việc xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ dừng lại ở sản phẩm mà còn gắn liền với những giá trị bền vững, cam kết bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Mục tiêu chính của T' Măng Deeng là phát triển một dòng cà phê cao cấp, phục vụ cho những thị trường quốc tế khó tính.

HTX Măng Đen Forest liên kết, cung cấp giống cây cà phê xứ lạnh cho các hộ dân.

Anh Lê Nhật Tiến - Phó giám đốc HTX Măng Đen Forest (thương hiệu cà phê xứ lạnh T’Măng Deeng) chia sẻ: "Để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, T' Măng Deeng cần phải tạo ra sự khác biệt về chất lượng và giá trị. Chính vì vậy, chúng tôi chú trọng đầu tư mạnh mẽ vào quy trình sản xuất khép kín và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến chế biến và đóng gói. Ngoài ra, T' Măng Deeng còn tập trung vào việc tham gia các hội chợ quốc tế và sự kiện quảng bá lớn để đưa sản phẩm đến với khách hàng toàn cầu.".

Anh Tiến lấy dẫn chứng: “Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê năm 2019 tại Buôn Ma Thuột là một điển hình, qua đó đã mang lại cho chúng tôi một bước ngoặt lớn khi sản phẩm của T' Măng Deeng được đánh giá cao về chất lượng và sự độc đáo của hương vị. Có được lợi thế này, chúng tôi liên tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, đồng thời xây dựng mối quan hệ lâu dài với các đối tác chiến lược ở nước ngoài. Chúng tôi không ngờ sản phẩm của mình lại nhận được nhiều phản hồi tích cực đến vậy.”.

Tại Hội chợ ITE Hồ Chí Minh 2024, nhiều doanh nghiệp muốn hợp tác để xúc tiến xuất khẩu sản phẩm cà phê của T'Măng Deeng ra thị trường quốc tế.

Cũng theo anh Tiến, các đối tác Nhật Bản rất ấn tượng với hương vị thanh tao, dịu nhẹ của cà phê Arabica Kon Plông. Họ đánh giá cao việc T' Măng Deeng áp dụng các phương pháp canh tác bền vững. Nhờ vậy, những năm qua đơn vị đã ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển thương hiệu.

Một số sản phẩm của thương hiệu cà phê xứ lạnh T' Măng Deeng được người tiêu dùng ưa chuộng như: Cà phê xứ lạnh Arabica Măng Đen phin Việt, Cà phê xứ lạnh Arabica Măng Đen Espresso Ý, Cà phê Phin, Giấy Cà phê CQI 84.83, Cà phê Fusion Blend….

Phát triển thương hiệu cà phê thân thiện với môi trường

Trong khi T' Măng Deeng tập trung vào phát triển cà phê xứ lạnh, xây dựng thương hiệu vươn tầm quốc tế thì Rẩy Rừng Coffee mang một sứ mệnh khác biệt kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên. Doanh nghiệp này chọn hướng đi phát triển cộng đồng tiêu thụ trong nước, gắn kết với văn hóa bản địa.

Mô hình cây cà phê dưới tán rừng và không sử dụng hóa chất độc hại của Rẩy Rừng Coffee.

Anh Hồ Hoàng Minh Thắng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Rẩy Rừng cho biết: “Rẩy Rừng Coffee khởi nguồn từ một dự án có tên "Trồng 1 triệu cây rừng" nhằm tái sinh những khu rừng bị tàn phá và biến những vùng đất trống thành trang trại cà phê bền vững. Chúng tôi bắt đầu dự án với niềm tin rằng kinh doanh cà phê không chỉ có thể mang lại lợi nhuận mà còn giúp bảo vệ và tái tạo hệ sinh thái.

Việc trồng cà phê hữu cơ kết hợp với bảo tồn thiên nhiên là mô hình hoàn toàn mới tại Kon Tum. Ban đầu, mô hình này cũng gặp phải nhiều hoài nghi, không chỉ từ phía người dân mà còn từ các nhà đầu tư tiềm năng, bởi việc bảo vệ môi trường trong kinh doanh cà phê là điều chưa được chú trọng nhiều ở Việt Nam.”.

Sản phẩm của Rẩy Rừng Coffee.

Theo anh Thắng, khái niệm cà phê hữu cơ kết hợp với bảo vệ môi trường là một điều khá mới mẻ tại Việt Nam. Đặc biệt là ở Kon Plông, nơi các phương pháp canh tác truyền thống vẫn đang được ưa chuộng. Khó khăn này càng lớn hơn khi chi phí trồng cà phê hữu cơ thường cao hơn rất nhiều so với các phương pháp trồng truyền thống và việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cũng không hề dễ dàng.

“Tuy nhiên, với sứ mệnh bảo vệ môi trường, ngoài việc xây dựng một thương hiệu cà phê đặc sản hữu cơ Rẩy Rừng Coffee còn phải tạo ra ảnh hưởng lớn trong việc nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên.

Thông qua các chương trình trồng rừng và bảo vệ đa dạng sinh học, chúng tôi đã tạo dựng được một hình ảnh thương hiệu thân thiện với môi trường, thu hút được sự quan tâm từ các tổ chức bảo vệ môi trường và người tiêu dùng quốc tế. Đầu tư vào mô hình kinh doanh bền vững thường không mang lại lợi nhuận nhanh chóng, nhưng chúng tôi tin tưởng vào con đường dài hạn”, anh Thắng chia sẻ.

Một trong những dự án nổi bật của Rẩy Rừng Coffee là “Rừng Cà Phê”, nơi họ không chỉ trồng cà phê mà còn kết hợp với việc trồng lại rừng nguyên sinh bị tàn phá. Với định hướng phát triển mô hình cây cà phê dưới tán rừng và không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu, điều này không chỉ tối ưu hóa sự tương tác giữa cây cà phê và môi trường tự nhiên mà còn giúp giảm thiểu tác động xấu đến đất đai và nguồn nước.

Nhiều sản phẩm cà phê xứ lạnh được đầu tư bài bản.

Thông qua mô hình này, Rẩy Rừng Coffee sẽ là nguồn cung cấp chuyển đổi kinh tế bền vững cho bà con, giúp họ vững tâm đồng hành cùng dự án trồng rừng trên chính mảnh đất của họ. Việc phát triển mô hình cây cà phê dưới tán rừng và không sử dụng hóa chất độc hại, Rẩy Rừng Coffee đồng thời hướng tới mục tiêu mang lại sản phẩm cà phê Việt chất lượng hơn, giá trị hơn trong tương lai.

Đánh giá về 2 thương hiệu cà phê xứ lạnh trên, ông Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kon Plông cho hay: “Hành trình khởi nghiệp của T' Măng Deeng và Rẩy Rừng Coffee là câu chuyện về sự kiên trì, sáng tạo và niềm tin vào tiềm năng của địa phương. Cả hai thương hiệu không chỉ góp phần nâng tầm giá trị cà phê xứ lạnh Kon Plông mà còn mở ra một hướng đi bền vững cho ngành cà phê Việt Nam.”.

Du khách đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản ấn tượng bất ngờ đối với cà phê xứ lạnh Arabica Măng Đen.

Với những thành công ban đầu, cả T' Măng Deeng và Rẩy Rừng Coffee đều đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, cải thiện quy trình canh tác và nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp tục chinh phục thị trường quốc tế. Họ đều chú trọng vào việc phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống của người nông dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Đây là những yếu tố cốt lõi giúp hai thương hiệu này không chỉ thành công về mặt kinh tế mà còn tạo dựng được giá trị bền vững cho tương lai.

Tỉnh ủy Kon Tum đã có quyết định phát triển kinh tế ở một số vùng cao vùng sâu của địa phương. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục có chủ trương khôi phục và phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu là phát triển cây cà phê xứ lạnh Arabica trên địa bàn các huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông theo hướng hiện đại, bền vững, hình thành chuỗi giá trị, gắn với thương hiệu “Cà phê xứ lạnh Kon Tum”.

Đặc biệt, Kon Plông là địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp là rất lớn. Theo Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh bền vững, đến năm 2025, huyện Kon Plông sẽ đạt trên 1.300ha diện tích trồng cà phê Arabica; Nâng cao năng suất trung bình đối với cây cà phê xứ lạnh giai đoạn thu hoạch tại các xã, thị trấn ở mức 17-19 tạ nhân/ha; Thu hút đầu tư 1 nhà máy chế biến cà phê; xây dựng ít nhất là 2 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê xứ lạnh trên địa bàn với hạt nhân là các hợp tác xã (trong đó thành viên các hợp tác xã bao gồm người đồng bào dân tộc thiểu số), doanh nghiệp là trụ cột.

Huyện Kon Plông định hướng phát triển bền vững cây cà phê để bảo vệ môi trường, xanh hóa đồi trọc.

Ngoài ra, Đề án cũng định hướng huyện Kon Plông phải xây dựng ít nhất 5 sản phẩm OCOP đối với sản phẩm cà phê xứ lạnh đã qua chế biến; Xây dựng ít nhất một thương hiệu cho cà phê xứ lạnh mang bản sắc và đặc trưng riêng của xứ sở Măng Đen. Đồng thời, triển khai áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận/xác nhận như: Cà phê hữu cơ; RA, cà phê 4C và Viet GAP... theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.

Còn mục tiêu đến năm 2030, huyện Kon Plông sẽ phát triển vùng sản xuất cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện đạt 2.000 ha, ổn định năng suất ở mức 20-22 tạ nhân/ha. Cùng với đó là việc hoàn thành xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo tiêu chuẩn Viet Gap, hữu cơ. Nâng cao công suất nhà máy chế biến cà phê, mở rộng quy mô sản xuất chế biến các sản phẩm từ cà phê xứ lạnh. Phấn đấu đạt từ 7 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh trở lên đối với sản phẩm cà phê xứ lạnh.

Ông Đặng Quang Hà – Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: “Địa phương sẽ chú trọng xây dựng và phát triển mạnh thương hiệu cà phê xứ lạnh Măng Đen, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cà phê xứ lạnh của huyện, nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đẩy mạnh công tác tiếp thị, phát triển thị trường, kết nối các kênh phân phối cho các sản phẩm cà phê xứ lạnh”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, để phát triển được thương hiệu cà phê xứ lạnh, huyện Kon Plông phải thu hút các doanh nghiệp lớn, có uy tín thực hiện liên doanh, liên kết với người dân và các mô hình kinh tế tập thể để trồng và tiêu thụ cà phê. Cùng với đó, địa phương sẽ thúc đẩy hình thành khu trồng cây công nghiệp, vùng trồng cà phê trọng điểm ở những nơi có lợi thế kết nối liên vùng; đẩy mạnh đa dạng hóa và thương mại hóa các sản phẩm chế biến để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trọng Triển

Tin khác