1. Kinh doanh

Hương vị ngọt ngào của sản phẩm mật ong đạt sao OCOP

Ông Phương bắt đầu nuôi ong lấy mật từ những năm 2000. Ban đầu, ông chỉ nuôi 80 thùng ong nội địa. Đàn ong nuôi trong thùng được ông Phương đặt trong khu vườn nhãn của gia đình. Với số lượng 80 thùng ong, thu hoạch khoảng 200 lít mật/năm. Năm 2015, nhận thấy đàn ong mật nội địa cho sản lượng mật thấp nên ông Phương đã chuyển sang nuôi ong mật Ý, với số lượng 70 thùng ong. Con ong mật Ý có cách nuôi khác hơn so với ong mật nội địa, bởi phải di chuyển đàn theo từng năm. Do đó, cứ đến thời điểm mùa hoa tràm, hoa nhãn, hoa xoài, hoa dừa… đua nở thì ông Phương di chuyển đàn ong đến một số tỉnh như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre… để cho ong đi lấy mật. Việc di chuyển đàn ong tạo sức đề kháng cho ong, giúp đàn ong thích nghi tốt với điều kiện môi trường khi thay đổi môi trường sống.

Trong nhiều năm nuôi ong mật Ý, ông Phương đều di chuyển đàn ong đi nhiều tỉnh để cho ong lấy mật vào tháng 4, 5 và tháng 9, 10 âm lịch. Hiện ông Phương đã nâng số lượng đàn ong lấy mật lên 120 thùng, hằng năm lượng mật ong thu về từ 1,5 - 3 tấn/năm; giá bán mật từ 200.000 - 300.000 đồng/lít, trừ chi phí lợi nhuận từ 250 - 300 triệu đồng/năm. Ngoài bán mật ong tươi, ông Phương còn bán con ong giống, với số lượng hơn 700 thùng. Tính từ thời điểm nuôi con ong Ý đến nay, ông đã thu về số tiền hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Thành Phương, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bên đàn ong mật nuôi cho thu nhập 250 - 300 triệu đồng/năm. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo lời ông Phương, nuôi ong lấy mật nhẹ công chăm sóc, không gây ô nhiễm môi trường, không tốn nhiều chi phí về thức ăn. Ong nuôi ít xảy ra dịch bệnh, chủ yếu phòng bệnh cho ong là chính. Kinh nghiệm nuôi ong đạt hiệu quả của ông Phương đó là khi mua con giống phải chọn đơn vị có uy tín để mua. Khi đem ong về nuôi, đặt thùng ong ở khu vườn mát mẻ thông thoáng; trong các tháng mưa nhiều, đây là thời điểm ong không đi lấy được mật, thì cho ong ăn 1 tuần/lần, bằng thức ăn chuyên dụng cho ong có bán sẵn trên thị trường.

Ong mật ít bệnh nhưng bệnh thường gặp là bệnh varroa (dân gian hay gọi là bị chí), bệnh này phải dùng thuốc phòng ngừa cho ong 1,5 - 2 tháng/lần và bệnh tiêu chảy, phòng ngừa bằng cách tăng cường bổ sung các vitamin, khoáng chất cho ong. Ngoài ra, bệnh thối ấu trùng trên ong là bệnh khá nguy hiểm, đây là bệnh lây lan, do đó nếu ong gặp bệnh này cần tách ly đàn để điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh chuyên dùng.

Ông Lê Thành Phương cho biết:

Năm 2020, sản phẩm mật ong của tôi được xếp hạng 3 sao OCOP. Đây là niềm vui lớn của bản thân, bởi qua rất nhiều năm nuôi ong cung ứng mật ra thị trường nhưng chưa được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, khi sản phẩm mật ong đạt 3 sao OCOP được rất nhiều khách hàng biết đến và đặt hàng liên tục. Để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, trong những tháng mùa khô, thời điểm ong cho mật tốt nhất, số mật đó được tích trữ đóng chai cẩn thận và cung ứng quanh năm. Và năm 2023, sản phẩm mật ong của tôi cũng đã được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp Giấy chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đã góp phần đưa sản phẩm mật ong đi vào nhiều cơ sở, cửa hàng cao cấp tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.

“Nuôi ong mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải áp dụng đúng kỹ thuật, có tính kiên trì, cần phải hiểu rõ tập tính của ong. Người nuôi cần chú trọng đến kỹ thuật nuôi từ khâu chọn giống, chọn địa điểm, tạo chúa, đặc biệt lưu ý đến quá trình sinh trưởng của đàn ong. Kỹ thuật tách đàn, áp dụng hiệu quả cách thu hoạch mật bằng thùng quay ly tâm để tăng sản lượng mật, đảm bảo chất lượng của mật ong, thường xuyên kiểm tra cầu ong, di chuyển cầu ong liên tục để tích mật mới làm tăng năng suất mật... Để duy trì đàn ong khỏe mạnh, năng suất cao và sản phẩm mật chất lượng, cần phải kiểm tra và vệ sinh thường xuyên cho các thùng ong, đảm bảo thùng khô ráo và sạch sẽ. Muốn đàn ong khỏe mạnh, trong quá trình nuôi cần áp dụng một số loại thảo dược để phòng trừ bệnh cho ong như: dùng rượu phun sát khuẩn trị bệnh chí lớn, chí bé ở ong; dùng nước chanh pha cho ong uống để phòng bệnh thối ấu trùng…”, đồng chí Võ Văn Bé - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng chia sẻ.

THÚY LIỄU

Tin khác