Hương vị Đà Lạt trong từng chiếc bánh quy hạt cà phê
Hành trình khởi nghiệp
Sau hơn 10 năm gắn bó và làm việc ở bộ phận văn phòng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, anh Nguyễn Văn Hoài Nam đã quyết định nghỉ việc do biến cố gia đình. Năm 2021, anh xuống huyện Đức Trọng làm nhân viên sales cho một ty chuyên sản xuất về rau, hoa và bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19.
Anh Nam cho biết, khi trở về Đà Lạt, anh đã có dự định mở bán quán cà phê và suy nghĩ phải làm ra 1 loại bánh để khách nhâm nhi cùng với đồ uống. Loại bánh anh chọn là bánh quy nhưng mang hương vị cà phê.
“Ban đầu tôi tìm đến bạn của tôi kinh doanh trong lĩnh vực cà phê để tìm hiểu về đặc sản cà phê Đà Lạt, đồng thời tôi cũng xuống khu vực Cầu Đất- nơi có loại cà phê Arabica quý hiếm tìm nguyên liệu cà phê phục vụ việc làm bánh quy”. Anh Hoài Nam chia sẻ.
Để thực hiện ý tưởng, chàng trai 35 tuổi lên mạng học hỏi cách làm bánh và dùng khoản tiền 10 triệu đồng mua nguyên liệu, mua lò nướng nhỏ về làm thử.
Những mẻ bánh quy đầu tiên anh làm ra phải đổ bỏ vì bánh cháy đen, khô cứng, khó ăn. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, tìm tòi, học hỏi công thức và cách pha chế, nhào nặn bột. “Sau nhiều tháng nghiên cứu, mày mò, cuối cùng sản phẩm bánh quy hương vị cà phê đã thành công, tôi đưa cho người thân, bạn bè ăn thử ai cũng khen ngon”. Anh Nam vui vẻ nói.
Ngoài bánh quy hạt cà phê mang hương vị bạc xỉu, vị sữa, vị đắng, anh Nguyễn Văn Hoài Nam còn sản xuất ra bánh quy mang hương vị đặc sản của Đà Lạt như; dâu tây, trà xanh, mắc ca. Năm 2023, anh đã thành lập Công ty TNHH Bánh kẹo NLC để phân phối sản phẩm đi muôn nơi.
Theo anh Nam, điều đặc biệt ở đây, những chiếc bánh do anh và nhân viên làm ra mang hình hài giống hạt cà phê với câu chuyện xuyên suốt từ cây cà phê, giai đoạn ra quả xanh rồi chín đến lúc thu hoạch, sơ chế và cuối cùng thành sản phẩm chế biến, bánh quy cà phê được tạo thành bởi các thành phần gồm; cà phê, bơ, bột, đường, trứng, sữa...
Loại đường anh Nam sử dụng cho bánh quy là đường mía hữu cơ (đường organic), bánh quy khi ăn sẽ có vị ngọt thanh, trẻ em và người lớn tuổi có thể dùng được vì vị cà phê trong bánh không quá đắng.
Mong muốn giúp được nhiều người khiếm thính
Để phong phú và đa dạng cho sản phẩm bánh quy, anh Nam đang phối hợp với một đối tác tại TP Bảo Lộc sản xuất bánh quy từ vỏ cà phê. Ngoài ra, anh cũng hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị tại TP Đà Lạt nghiên cứu, sản xuất các dòng bánh quy mang hương vị nấm đông trùng hạ thảo, hồng sấy gió.
Hiện nay, mỗi tháng cơ sở sản xuất khoảng 300kg bánh, giá bán từ 35- 155 ngàn đồng tùy kích thước hộp lớn nhỏ, hiện các sản phẩm bánh quy hạt cà phê của đơn vị này đang phân phối, cung cấp cho các cửa hàng, quán cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và được bán trên sàn thương mại điện tử.
“Mong muốn lớn nhất của tôi là đưa đặc sản cà phê Tây Nguyên lên tầm cao mới, để nhiều người biết đến và được thưởng thức hương vị này dù ở bất cứ nơi nào. Tiếp đến là mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thị trường để có cơ hội giúp đỡ nhiều hơn nữa cho các em khiếm thính, các em có hoàn cảnh khó khăn”. Anh Nam thổ lộ.
Hiện tại xưởng sản xuất của anh Nam đang tạo công ăn việc làm cho 3 lao động, trong đó có 2 em là người khiếm thính với mức lương trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, công ty của anh Nam còn phối hợp với các đối tác tổ chức các buổi Workshop làm bánh quy hạt cà phê, mang đến cơ hội để phụ huynh và con trẻ cùng nhau sáng tạo và kết nối. Bên cạnh đó, xưởng sản xuất bánh quy còn là nơi tham quan, học hỏi, chia sẻ tinh thần khởi nghiệp cho các bạn trẻ và du khách.
Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND TP Đà Lạt, doanh nghiệp này cũng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Với chất lượng và thương hiệu đem lại, năm 2023, Bánh quy hạt cà phê của Công ty TNHH Bánh kẹo NLC được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, chứng nhận Thương Hiệu Mạnh Quốc gia năm 2024 và giấy chứng nhận ISOQ Việt Nam.
Bảo Hân