Hướng đi mới từ mô hình hợp tác xã rau an toàn
Tại huyện miền núi Đức Linh, mô hình trồng rau thủy canh ở xã Vũ Hòa của Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Tiến Phát là một điểm sáng trong công nghệ trồng sau sạch. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội về năng suất, mô hình trồng rau thủy canh được biết đến bởi thân thiện môi trường, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX Rau an toàn Tiến Phát được thành lập năm 2019, có hơn 33 hội viên. Thông qua hướng dẫn của Hội Nông dân xã, từ 300m2 đất ban đầu, sau một thời gian trồng rau thủy canh thấy có hiệu quả và năng suất cao, HTX dần mở rộng diện tích và đến nay gần 2.000m2 đất được sử dụng chuyên trồng rau thủy canh với các loại (rau xà lách, cải ngọt, rau thơm, tần ô...).
Với sự năng động, nhạy bén của thành viên hợp tác xã trong nắm bắt nhu cầu của thị trường về sản phẩm rau an toàn, từ vài chục tấn rau các loại mỗi năm, hiện HTX đã lên kế hoạch mở rộng thêm diện tích sản xuất để nâng sản lượng lên 200 tấn/năm nhằm cung cấp đủ cho các thị trường: siêu thị, Bách Hóa Xanh, Bếp ăn của các công ty trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau an toàn Tiến Phát cùng với việc đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Hiện trang trại rau thủy canh công nghệ cao của HTX Rau an toàn Tiến Phát tại Vũ Hòa đã được chứng nhận VietGap, chứng nhận sản phẩm an toàn cho sản phẩm OCOP. Đầu ra cho sản phẩm rau xanh của Tiến Phát cũng khá ổn định khi được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, thu nhập bình quân của thành viên HTX cũng khá ổn định, từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức thu nhập khi trồng các cây nông nghiệp khác trên địa bàn.
UBND huyện Đức Linh cho biết, với những hiệu quả và hướng đi phù hợp với điều kiện trên địa bàn, mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao tại xã Vũ Hòa sẽ được nhân rộng ra toàn huyện. Trên lĩnh vực này, thời gian qua UBND huyện Đức Linh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh (Liên minh HTX tỉnh, Chi cục phát triển nông thôn tỉnh) tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho hội đồng quản trị HTX, cán bộ phụ trách cấp huyện, xã. Ngoài ra, UBND huyện đã cử lãnh đạo các HTX tham gia các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tìm kiếm thị trường. Trong chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, đưa các sản phẩm của các HTX tham gia chương trình mỗi xã 1 sản phẩm tham gia hội chợ, triển lãm, trong đó có rau an toàn của HTX Tiến Phát.
Theo thống kế của ngành chức năng, trên địa bàn huyện Đức Linh có 8 HTX nông nghiệp tham gia sản phẩm OCOP, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, có sản phẩm chủ lực hoạt động hiệu quả. Cùng với sản phẩm rau an toàn của HTX rau an toàn Tiến Phát, còn có HTX sầu riêng Rô Mô – xã Đa Kai, HTX Thành Thành Công – xã Đa Kai (sản phẩm sầu riêng), HTX Phúc Lộc – xã Mê Pu (sản phẩm dưa lưới), HTX Hoài Đức – thị trấn Đức Tài (sản phẩm bưởi da xanh Đan Kha), HTX nông nghiệp Đức Hạnh (sản phẩm rau), HTX Sen Núi – xã Đông Hà (sản phẩm hạt điều rang muối Sen Núi) và HTX Bưởi da xanh Đông Hà – xã Đông Hà (sản phẩm bưởi da xanh). Qua đánh giá, 8 sản phẩm của 8 HTX trên đạt 3 sao.
LÊ PHÚC