1. Kinh doanh

HTX tìm 'không gian riêng' trước cơn bão hàng giá rẻ đổ bộ

Dù chưa chính thức đăng ký với ngành chức năng nhưng việc sàn thương mại điện tử Temu đổ bộ thị trường Việt Nam đã tạo không ít băn khoăn cho các HTX đang sản xuất kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.

Nhìn nhận khách quan

Bà Ngân Thị Trang, Giám đốc HTX Vạn An (Lào Cai), cho biết dù sàn Temu chỉ bán hàng Trung Quốc nhưng chắc chắn không ít thì nhiều cũng sẽ thu hút một lượng khách hàng mua sắm ở trang thương mại điện tử này. Từ đây, có thể làm loãng khách hàng của HTX.

Tuy nhiên, có không ít HTX lại tự tin kể cả khi sàn thương mại điện tử này hoạt động chính thức vì khi HTX sản xuất đúng là hàng Việt, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì không quá đáng lo. Bởi theo chị Ngọc Thúy, thành viên HTX hữu cơ Bechamp (Đăk Nông), một trong những vấn đề nổi bật hiện nay là vẫn có không ít người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ hàng Việt Nam, nhất là đối với những mặt hàng nông sản, thực phẩm sản xuất có quy trình chứng nhận cụ thể.

Bên cạnh đó, chị Thúy cho rằng nếu HTX nào cũng sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh nhau bằng sản phẩm giá rẻ thì sẽ xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa sản phẩm giá rẻ, từ đó sẽ dẫn đến 'chết yểu'.

Tìm ra điểm khác biệt để đầu tư giúp HTX tự tin cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

“Việc quan ngại là đúng nhưng điều này cần gạt bỏ vì đó là xu hướng chung của thị trường. Khi HTX làm tốt phần của mình, ắt sẽ có không gian để sản xuất kinh doanh”, chị Ngọc Thúy cho biết.

Việc sàn thương mại điện tử Temu chỉ bán hàng hóa Trung Quốc với giá rẻ về trước mắt có thể tạo ra áp lực đối với các HTX sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ nhưng khi nhìn nhận kỹ, có thể thấy các HTX cần có cái nhìn cụ thể để rút ra cho mình bài học và có thể học hỏi cách bán hàng từ đất nước này để thuận lợi hơn trong kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk, cho biết phải nhìn nhận thực tế rằng không chỉ bán hàng online mà ngay cả khâu bán hàng trực tiếp, sản phẩm của Trung Quốc luôn có giá thấp hơn so với hàng Việt khi đến tay người tiêu dùng.

Điều này là nhờ vào mô hình kinh doanh của Trung Quốc đã kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng, kể cả khách hàng nội địa và khách hàng quốc tế nên khâu kinh doanh đã loại bỏ được các khâu trung gian.

Chính vì thế, các HTX, doanh nghiệp Việt dù đang đảm nhận khâu sản xuất, phân phối hay là hệ thống đại lý bán lẻ ở Việt Nam sẽ đứng trước khó khăn nhất định trên thị trường.

Trong khi ở Việt Nam, nhiều HTX, doanh nghiệp khi đưa sản phẩm đến tay người dùng vẫn phải trải qua nhiều tầng bậc từ nhà sản xuất, nhà phân phối, hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ, khách hàng. Cách làm này về mặt ưu điểm là giúp thị trường phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi khách hàng nhưng cũng khiến chi phí kinh doanh tăng lên.

Do đó, HTX cần nhìn nhận rõ đâu là ưu điểm, đâu là nhược điểm trong từng cách bán hàng để có thể đứng vững trên thị trường hoặc có những điều chỉnh nhất định để có hướng đi phù hợp, tránh bị bị “đè bẹp” hoặc bị lệ thuộc trước cơn sốt hàng giá rẻ.

Tìm cách thích ứng

Theo giới chuyên gia, sự phát triển của các sàn thương mại điện tử là điều không thể tránh khỏi và khi đó, cuộc đua cạnh tranh về giá cả chắc chắn sẽ xảy ra. Điều cần làm lúc này là HTX cần xác định chỉ có con đường là cạnh tranh lành mạnh, cố gắng để cùng tồn tại thì mới phát triển được trong xu thế chung của thị trường.

Muốn làm được những điều này, điều quan trọng nhất là cần tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm với như sáng tạo riêng của chính các HTX. Bà Định Thị Hải Yến, Giám đốc chuỗi sản phẩm sạch Từ Tâm (Hà Nội) cho biết để đứng được trên thị trường, HTX có thể tạo ra sản phẩm có thương hiệu cộng đồng, sau đó “bán kinh nghiệm” của mình.

Cụ thể là dù sản phẩm chế biến sẵn có nhiều người đón nhận nhưng thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, chi phí đưa sản phẩm lớn. Chính vì lẽ đó, đơn vị này đã phải lựa chọn hình thức tạo ra sản phẩm mang giá trị cộng đồng và thực hiện theo hình thức nhượng quyền thương hiệu để tìm chỗ đứng trên thị trường trong thời gian qua.

Chị Ngọc Thúy cho biết giữa cơn bão hạt điều giá rẻ, sản phẩm của HTX sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với tất cả các mặt hàng trên thị trường hiện nay bằng uy tín và chất lượng.

Còn tại HTX Khe Sanh (Quảng Trị), các thành viên xác định sẽ không bán dịch vụ giá rẻ bởi thế mạnh của HTX chính là xây dựng vùng cà phê đặc sản chất lượng cao cùng với văn hóa của đồng bào Vân Kiều. Chính từ những thế mạnh này, HTX đã thiết kế ra mô hình du lịch đậm chất cộng động ở hướng hóa, từ đó có thể cạnh tranh với các mô hình du lịch nông nghiệp giá rẻ khác. HTX cũng rất chịu khó đầu tư nâng chất lượng dịch vụ, đề nghị địa phương cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ lưu trú chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực… để hoàn thiện hơn tour du lịch cà phê.

Đây cũng là cách HTX thuyết phục du khách chịu bỏ tiền nhiều hơn vì lợi ích họ thu được sẽ không hề thấp so với những đơn vị cùng làm du lịch nông nghiệp nhưng xác định bán dịch vụ ở dạng giá rẻ.

Rõ ràng, sự thành công trong việc cạnh tranh với những hàng hóa có giá rẻ ở mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh sẽ có những hướng đi khác nhau nhưng theo giới chuyên gia, dù áp dụng phương thức nào thì trước tiên, việc tìm ra một ưu điểm, điểm nổi bật của sản phẩm, dịch vụ để tập trung đầu tư là rất cần thiết.

Bởi theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, xác định được thế mạnh sẽ giúp HTX có hướng đầu tư, ứng dụng công nghệ phù hợp. Dẫn chứng về điều này, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng một sản phẩm tốt phải được chú trong từ bên trong lẫn bên ngoài. Và cũng từ một sản phẩm, cụ thể là một quả cam nhưng nếu HTX xác định được giá trị của từng bộ phận trên quả cam như vỏ cam, nước cam sẽ cho giá trị khác nhau so với việc chỉ bán quả tươi.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng sự phát triển của thương mại điện tử là điều các HTX cần thích ứng bởi những cửa hàng vật lý nhưng không có bãi đậu xe lại gia tăng chi phí có khi chính là điểm kéo doanh thu là lợi nhuận của các HTX.

Do đó, HTX cần tìm cách thích ứng với thị trường kinh doanh để hạn chế khó khăn. Mà biện pháp tối ưu để vượt qua được thử thách là phải làm hàng hóa chất lượng tốt nhưng vẫn giữ được giá cả phù hợp.

Ngay như trước đó, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số ít được nông dân, HTX quan tâm nhưng nay, những mô hình này đã lan tỏa trong khu vực kinh tế tập thể, HTX. Nhiều HTX đã quen với việc thanh toán bằng mã QR, bán hàng trên các nền tảng thương mại.

“Sự thay đổi của thị trường cũng là cơ hội cho những startup mới, từ đó mở ra những hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh”, bà Vũ Kim Hạnh cho biết.

Huyền Trang

Tin khác