1. Kinh doanh

HTX phát triển sản phẩm mang dấu ấn quê hương

Sau gần 6 tháng thành lập, hiện HTX Phát triển thủy sản Lập Lễ đã có 2 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao là cá trắm đen nước lợ một nắng và cá nhạc biển. “Giải pháp nuôi cá trắm đen nước lợ thương phẩm, sơ chế cá trắm đen nước lợ một nắng” của HTX vừa đạt giải 3 trong cuộc thi “ Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông toàn quốc 2024”.

Dù mới thành lập, nhưng HTX đã có những dấu ấn đặc biệt.

Tận dụng lợi thế sẵn có

Lập Lễ là một xã ven biển nằm ở phía Đông Nam huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng. Toàn xã có 200 ha đất trồng lúa, 317 ha đất nuôi trồng thủy sản. Dân số của toàn xã khoảng 12.400 người, trong đó lao động chính là hơn 5.500 người: lao động làm nghề cá là 3.500 - 4.000 người, lao động dịch vụ nghề cá từ 1.000 - 2.000 người. Xã có diện tích rừng ngập mặn lớn là nơi giao lưu giữa vùng nước ngọt và nước lợ nên có nhiều giống thủy sản cư trú, rất thuận lợi cho quá trình phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của nhân dân.

Theo thông tin từ Hội nông dân xã Lập Lễ, hiện nay, toàn xã có 317 ha nuôi trồng thủy sản với tổng số hộ dân nuôi trồng ước đạt 400 hộ, trong đó có 220 ha nuôi trồng thủy sản nước lợ và 97 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Sản phẩm nuôi trồng chủ yếu là cá trắm. Toàn xã đang có 3 HTX hoạt động ổn định hiệu quả. Hàng trăm thành viên của các HTX đang tham gia vào công cuộc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Nuôi trồng thủy sản trở thành nghề truyền thống của xã Lập Lễ.

Quy trình nuôi cá trắm đen của bà con trong xã thường kéo dài từ 1,5 - 2 năm cho một lứa cá, có đầm nuôi 3 năm mới thu hoạch. Thông thường, sau khi thu hoạch cá xong, lượng thức ăn dư thừa, chất thải lắng đọng, tích tụ dưới đáy ao đầm sẽ tạo thành khí độc có thể gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến ao nuôi đợt sau. Vì vậy, bà con, thành viên các HTX sẽ tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng ao nuôi để nền, đáy ao sạch sẽ góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh sau khi thả lứa cá mới.

Sau khi vệ sinh, phơi ao, bà con tiến hành thả cá giống, trung bình cá giống sẽ có trọng lượng từ 1kg đến 2kg, có đầm thả cá giống từ 3 kg-4kg. Sau thời gian nuôi thả từ 2 -3 năm, các chủ ao sẽ kéo cá. Cá khi thu hoạch thường đạt trọng lượng khoảng 8kg -9kg, có ao nuôi lâu thì cá sẽ đạt trọng lượng 9kg-10kg. Cá càng to thì giá bán càng cao. Còn với loại cá trung bình 8kg -9kg hiện nay có giá 75.000 – 80.000 đồng/kg bán tại đầm. 1ha nuôi cá trắm đen sẽ cho thu hoạch khoảng 40 – 60 tấn cá thương phẩm. Trừ chi phí, bà con nông dân, thành viên các HTX thu lãi khoảng 1 tỷ/ha/lứa cá.

Nhận thấy thế mạnh sẵn có của địa phương với vùng nguyên liệu cá trắm đen dồi dào, Ban lãnh đạo HTX Phát triển thủy sản Lập Lễ đã quyết tâm thực hiện ý tưởng phát triển các sản phẩm chế biến từ cá trắm đen và các sản phẩm thủy, hải sản chế biến sẵn khác như mực một nắng, chả mực giã, cá nhạc biển một nắng, cá thu một nắng...

“Độc lạ” cá trắm đen nước lợ một nắng

Anh Vũ Văn Đa (sinh năm 1987), thành viên Ban lãnh đạo HTX Phát triển thủy sản Lập Lễ chia sẻ với phóng viên VnBusiness: "Bao nhiêu đời nay, sản phẩm nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân, thành viên HTX sau khi thu hoạch đều bán luôn cho thương lái, không có sản phẩm sau chế biến. Với mong muốn nâng tầm giá trị cho sản phẩm quê hương, tạo dấu ấn thương hiệu cho cá trắm Lập Lễ, HTX đã tính đến việc chế biến các sản phẩm từ cá và cung cấp ra thị trường. Sau một thời gian ngắn “trình làng”, sản phẩm cá trắm đen một nắng của HTX đã được thị trường đón nhận tích cực. Tiếp cận với nhiều khách hàng và sản phẩm không chỉ đơn thuần để phục vụ bữa ăn của các gia đình mà đang định hình trở thành quà tặng - biếu mang đậm bản sắc quê hương vùng biển. HTX đang xây dựng, triển khai ý tưởng làm thêm các sản phẩm như ruốc cá trắm đen, cá trắm đen kho để phục vụ thị trường vào dịp cuối năm".

Các sản phẩm OCOP của HTX dần trở thành quà tặng được nhiều người đặt mua.

Quy trình chế biến cá trắm đen một nắng gồm các bước cơ bản sau: Sau khi cá được thu mua từ các đầm về sẽ được thành viên HTX làm sạch, cắt khúc, tẩm ướp với gia vị, đem đi phơi nắng, đóng gói thành phẩm và vận chuyển tới người tiêu dùng.

Với việc phát triển các sản phẩm như trên thì khâu vệ sinh an toàn thực phẩm được HTX chú trọng đặt lên hàng đầu. Từ khâu tuyển chọn nguyên liệu, tới chế biến, đóng gói và vận chuyển tới tay người tiêu dùng đều được HTX kiểm soát chặt chẽ.

Cụ thể, với sản phẩm cá nhạc biển, toàn bộ nguyên liệu chính là cá nhạc được đánh bắt từ tự nhiên, còn cá trắm đen thì được các hộ dân trong xã và thành viên của HTX nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật VietGAP, an toàn. Các sản phẩm thủy sản chế biến của HTX đều không có chất bảo quản, an toàn tuyệt đối với sức khỏe người dùng.

Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được HTX đặt lên hàng đầu.

Để phục vụ việc sản xuất kinh doanh, HTX đã đầu tư đồng loạt hệ thống máy cắt cá, hút chân không, dàn tủ cấp đông, xưởng chế biến cá... Chỉ tính riêng sản phẩm cá trắm đen một nắng, mỗi tháng trung bình HTX cung cấp ra thị trường khoảng 2 tạ cá trắm đen thành phẩm. HTX đang phấn đấu vào dịp cuối năm nay, số lượng đơn hàng sẽ đạt khoảng 4 -5 tạ/tháng đối với cá trắm đen, các loại hải sản khác đạt 3 tạ/tháng.

“Mong mỏi của HTX hiện naay là được các sở, ngành, chính quyền các cấp tạo điều kiện cho đơn vị được tiếp cận nhiều hơn nữa các buổi xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm để sản phẩm của HTX có cơ hội tiếp cận với nhiều khách hàng. Đồng thời có các chính sách thiết thực, kịp thời hỗ trợ HTX mới thành lập, như hỗ trợ máy móc cho quá trình sản xuất, tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng bán hàng; vệ sinh an toàn thực phẩm...”, anh Đa bày tỏ.

Thanh Vân

Tin khác