1. Kinh doanh

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ninh Thân: Hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế

Thời gian qua, thực hiện Đề án 939 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động giúp phụ nữ khởi nghiệp và đầu tư nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả.

Tổ đan dây mây của bà Nguyễn Thị Mai giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động nữ.

Năm 2022, bà Nguyễn Thị Mai (trú thôn Mỹ Hoán, xã Ninh Thân) đã lập ra Tổ đan dây mây ngay tại nhà mình để tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ ở địa phương. Bà nhận nguyên liệu từ Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước (phường Ninh Hiệp, Ninh Hòa) rồi phân chia cho các chị em đan những mặt hàng thủ công theo yêu cầu. Ban đầu, ngoài tiền dành dụm, bà Mai đã được Hội LHPN xã hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ đó, bà có tiền để trả công cho lao động hàng ngày. Hiện nay, Tổ đan dây mây của bà có hơn 30 phụ nữ làm nghề với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Bà Lê Thị Xuân Lộc (cùng trú thôn Mỹ Hoán) chia sẻ: “Mỗi sản phẩm làm ra tôi được trả công từ 4.000 đến 6.000 đồng. Công việc nhẹ nhàng, tận dụng được thời gian rảnh rỗi, nông nhàn và làm quanh năm nên phù hợp với phụ nữ nông thôn. Mỗi ngày, tôi đan kiếm được 100.000 đồng để có thêm tiền lo cho các con ăn học”.

Bà Nguyễn Thị Hạnh trồng rau ngổ cho thu nhập ổn định.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh (trú thôn Đại Mỹ, xã Ninh Thân) đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau ngổ được 5 năm nay. Năm 2022, bà Hạnh được Hội LHPN xã hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi bò và mở rộng diện tích trồng rau ngổ từ 1 sào lên 4 sào. Khoảng 1 tháng tính từ ngày trồng là rau ngổ có thể thu hoạch. Mỗi ngày bà cắt bán từ 50 đến 200kg, với giá từ 5.000 đến 13.000 đồng/kg tùy thời điểm. Rau ngổ dễ trồng nhưng tốn nhiều công chăm sóc, nhổ cỏ, cấy dặm nên bà thuê thêm 2 lao động mỗi khi nhiều việc. Hiện tại, sau khi trừ chi phí, 4 sào rau ngổ thu được khoảng 5 đến 10 triệu đồng/tháng. Thấy bà trồng rau ngổ thành công, một số hội viên khác ở địa phương đã đến học hỏi, nhân giống về trồng, nâng cao thu nhập.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ninh Thân hỏi thăm tình hình sản xuất của hội viên.

Bà HUỲNH THỊ NGỌC DIỄM - Chủ tịch Hội LHPN thị xã Ninh Hòa: Thời gian qua, Hội LHPN xã Ninh Thân đã chủ động triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Trong đó, một số mô hình đã giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho hội viên. Trong thời gian tới, Hội LHPN xã cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập.

Sau khi tham quan thực tế mô hình trồng rau má lá nhỏ ở địa phương, thấy có hiệu quả nên vào đầu năm 2023, bà Nguyễn Thị Ánh (trú thôn Mỹ Hoán) quyết định mua 10kg rau giống về trồng thử nghiệm rồi nhân rộng ra trên 2 sào đất sản xuất lúa kém hiệu quả của gia đình. Rau má dễ trồng, dễ chăm sóc và phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương nên phát triển tốt, ít sâu bệnh. Bà trồng rau theo luống, với diện tích từ 10 đến 12m2/luống. Sau 25 ngày xuống giống, rau má bắt đầu cho thu hoạch với năng suất khoảng 10kg/luống. Với 2 sào rau má, sau khi trừ chi phí, bà Ánh thu về được từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Nhận thấy mô hình này khả quan nên bà đã mở rộng diện tích trồng lên 3,5 sào. Đến nay, mỗi ngày, bà bán từ 15 đến 20kg rau má với giá từ 25.000 đến 35.000 đồng/kg. Những lúc nhiều việc bà còn thuê thêm 7 nhân công với tiền công 200.000 đồng/người/ngày.

Bà Nguyễn Thị Ánh đầu tư trồng rau má lá nhỏ mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Theo bà Phan Thị Nhật Tâm - Chủ tịch Hội LHPN xã Ninh Thân, bên cạnh tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình, hội còn đẩy mạnh khai thác vốn từ nhiều nguồn để hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, khởi nghiệp. Tính đến nay, hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ninh Hòa cho 145 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay giải quyết việc làm với số vốn hơn 6,2 tỷ đồng. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư và giúp chị em có cơ hội khởi nghiệp thành công, hội thường xuyên nắm tình hình hoạt động của các mô hình. Hội còn thực hiện trao phương tiện sinh kế, hỗ trợ đào tạo nghề để phụ nữ có việc làm, phát triển kinh tế. Trong năm 2024, hội đã tặng 50 con giống gà, vịt và 1 bộ dụng cụ làm tóc để hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; đào tạo nghề đan mây tre lá cho 50 hội viên.

HÒA TRANG

Tin khác