'Hoa hồng' livestream vài tỷ đồng, Phạm Thoại nói 'không quan tâm đến tiền'
Phạm Thoại - Nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng với những phiên livestream bán hàng vài triệu USD trên Tiktok. Anh ghi dấu ấn mạnh với người xem bằng phong cách táo bạo, cá tính.
Trò chuyện với Báo điện tử VTC News về thành công của những phiên livestream "triệu view", Phạm Thoại khuyên các nhà sáng tạo trẻ hãy giữ nét đặc trưng cho mình khi làm nội dung, đặc biệt là chữ "Tâm".
Tôi nghĩ đơn giản thôi, thấy những người khó khăn thì giúp đỡ vì tôi cũng từng rất nghèo, được nhiều người hỗ trợ. Để có được vị trí ngày hôm nay, tôi phải biết ơn tất cả mọi người, đặc biệt là những người đã ủng hộ và mua hàng.
Biết đâu trong những hoàn cảnh khó khăn ngoài kia lại có khách hàng của tôi. Ngay bây giờ tôi có thể giúp đỡ, coi như là trả ơn lại những gì mà họ đã làm cho mình.
Khi tôi còn khỏe mạnh, kiếm được tiền thì một phiên, hai phiên (livestream), thậm chí 10 phiên chưa kiếm được đủ tiền thì chắc chắn sẽ còn nhiều phiên khác. Mình có thể kiếm ra nhiều tiền hơn để giúp đỡ những hoàn cảnh như vậy.
- 13 năm trước, khi tham gia chương trình Vượt lên chính mình, MC Quyền Linh đã “ăn gian” để giúp đỡ gia đình Phạm Thoại. Thoại còn nhớ chứ?
Khi nhìn lại câu chuyện 13 năm về trước, thật sự tôi biết ơn chú Quyền Linh rất nhiều. Tôi không nhớ rõ được nội dung chương trình như thế nào vì quá lâu rồi, chỉ nhớ có hai vòng, vòng đầu tiên bị trượt, nên chỉ còn hy vọng vào vòng thứ hai. Thế nhưng vòng thứ hai, tôi cũng trượt luôn, thế là chú Quyền Linh mới “ăn gian” thêm thời gian cho tôi đạt.
Thật sự mà nói, hồi đó ai tham gia chương trình đều mong muốn thắng. Vì thắng thì nhận được số tiền rất lớn, đấy là cơ hội để tôi trả học phí, trả tiền chữa bệnh cho bố.
Cho nên, khi được chú Quyền Linh giúp đỡ, tôi cảm động, biết ơn lắm. Trong đầu tôi lúc đó đã suy nghĩ là sau này lớn lên nhất định phải gặp lại được chú, kể cả nghèo hay giàu thì vẫn tới để thể hiện sự biết ơn.
Sau này, tôi gặp lại chú Quyền Linh ở trong một chương trình gameshow nhưng chú không nhớ tôi là ai. Thật ra không nhớ cũng đúng thôi, vì 13 năm rồi, ekip cũng đâu ai biết Phạm Thoại là ai đâu, và chú Quyền Linh thì giúp quá nhiều người nên không thể nhớ hết được.
Tất nhiên rồi. Tôi nhìn thấy chú Quyền Linh không chỉ "ăn gian" thêm thời gian cho người tham gia đâu, chú còn cho thêm tiền nữa. Cho nên, nếu giờ ở vào vị trí chú Quyền Linh, nếu hoàn cảnh đó họ không thắng được thì chắc chắn tôi cũng cho thêm tiền.
Ăn gian có thể mọi người nghĩ xấu nhưng nếu điều đó giúp ích cho bà con thì tôi nghĩ nên làm.
- Lớn lên trong khó khăn, đói nghèo có lẽ là sự đồng cảm khiến Thoại luôn nghĩ đến chia sẻ?
Đúng rồi. Có một câu chuyện vui như này, có thể nghe thì hơi vô lý. Khi đi học đại học, tôi có phương châm là không bao giờ chơi với người giàu. Bản thân tôi suy nghĩ đơn giản, không phải chê người giàu nhưng tôi nghĩ những đứa con nhà giàu thường sẽ không phải làm lụng vất vả. Người ta sẽ có sẵn tài sản thừa kế từ bố mẹ.
Tôi nghĩ, mình nghèo nên chơi với những bạn nghèo, họ mới có ý chí vượt khó, vươn lên, có nghị lực trong cuộc sống. Và thế là hồi đó tôi chỉ chơi với những bạn cùng hoàn cảnh, những bạn giàu dù bắt chuyện thì tôi cũng lắc đầu. Nhà tôi nghèo như vậy nên biết tôi phải cố gắng hơn mỗi ngày, kiếm thật nhiều tiền để thay đổi cuộc đời, thay đổi bản thân.
Nhưng khi lớn lên, tôi thấy những bạn nhà giàu cũng rất nỗ lực, học hành thật sự. Và tôi suy nghĩ lại, họ có điều kiện, nền tảng thì sẽ học nhiều và được trau dồi nhiều thì nhiều cơ hội để thành công hơn.
Đó chắc là phiên livestream của năm thứ 4 đại học, tôi bán quần áo với giá khoảng 40-50 nghìn đồng thôi. Nhưng đó là phiên mà tôi được mọi người bắt đầu quan tâm, bán được khoảng 100 đơn.
Hồi mới tập tành bán thì một ngày bán 3 - 4 đơn là tôi mừng lắm rồi, mỗi đơn lãi được vài chục nghìn, đấy là còn rất chăm chỉ mới được thế. Tối livestream, hàng ngày giao hàng, tôi vừa bán vừa làm shipper. Tôi cứ duy trì như vậy, càng ngày càng nhiều người xem. Có thể là do hồi đó tôi ăn mặc đẹp nữa nên mọi người tin tưởng về gu thời trang.
Dần dà, 100 người, rồi 1.000 người, xong nhiều nghìn người xem… Khi nổi tiếng một chút, tôi đi học thì mọi người nhận ra và còn mua ủng hộ nữa. Cứ thế từ vài đơn tăng tới hàng nghìn đơn/ngày.
- Doanh thu lớn nhất trong một phiên livestream mà Phạm Thoại và ekip đạt được là bao nhiêu?
58 tỷ đồng- một con số có thể không ai tin. Mọi người sẽ nghĩ là “lùa gà”, nhưng doanh nghiệp nào đã cùng hợp tác với tôi thì biết con số đó là thực chứ không ảo.
Có người nghĩ tôi cố tình làm truyền thông, không thể có được con số đó nhưng thực tình tôi không quan tâm. Tôi chỉ quan tâm tới các doanh nghiệp và đối tác, rằng họ có hài lòng trong phiên livestream đó hay không. Điều quan trọng là các đối tác có chấp nhận cuộc chơi này, chấp nhận giảm giá sâu? Khách hàng chỉ nên quan tâm là giá có rẻ hay không.
Việc doanh số ảo hay thật, các doanh nghiệp sẽ biết thôi bởi họ sẽ chẳng ngại mà hỏi “Phạm Thoại bán cho ông có được 5 tỷ, 10 tỷ không?’’.
- Phiên livestream 58 tỷ kéo dài trong bao lâu?
Khoảng 36 tiếng. Hầu như tôi sẽ nói liên tục. Nghỉ ngơi ít lắm, ví dụ như vào ca đêm hoặc đến giờ ăn, giờ sinh hoạt cá nhân thì tôi sẽ ra ngoài một lúc.
Phiên livestream đó tôi bán khoảng 2.000 mã sản phẩm khác nhau. Ví dụ như quần áo, đồ gia dụng, đồ ăn… Tôi sẽ phải học tất cả các thông tin sản phẩm và phải trải nghiệm tất cả các sản phẩm đó.
Ngoài câu chuyện chất lượng thì giá thành rất quan trọng. Giá phải rẻ thì khách hàng mới mua. Có rất nhiều người nói rằng giảm giá là “giết” doanh nghiệp, không hề đúng.
Mọi người đâu nhận ra cách marketing của họ quá cũ rồi. Một số doanh nghiệp, khi tôi làm việc cùng, họ đưa ra những kế hoạch marketing như thể từ mười năm trước, bây giờ vẫn mang áp dụng. Bản thân tôi thấy việc giảm giá không làm cho các doanh nghiệp đi xuống mà họ đi xuống do không biết cách làm marketing. Những đối tác trong phiên 58 tỷ đó tôi cũng yêu cầu phải giảm giá sốc, phải giảm giá kịch sàn, thậm chí lỗ cũng phải giảm giá vì đó là cách marketing.
Đấy là phiên livestream kỷ lục và chắc tôi cũng chỉ làm một lần thôi, không làm thêm nữa.
Phạm Thoại không bao giờ quan tâm đến tiền. Trong phiên livestream của Phạm Thoại có gần 2.000 sản phẩm, nên mình bỏ đi một sản phẩm hoa hồng cao cũng không ảnh hưởng gì.
Mọi người cứ nghĩ thử xem, “hoa hồng” cho các phiên livestream thường là 10%, vậy thì trong phiên 58 tỷ, tôi đã thu 5,8 tỷ rồi thì việc bỏ đi một sản phẩm có ảnh hưởng không? Chưa kể đến các phiên livestream nhỏ khác mình làm thường xuyên nữa.
Câu chuyện kiếm vài tỷ/tháng là đáng mơ ước rồi. Tôi làm việc đến nay là 6 năm, không thể vì mối lợi nho nhỏ mà bất chấp. Giờ nếu bán hàng kém chất lượng, chỉ cần một phản hồi không tốt từ khách hàng thôi là cả sự nghiệp gây dựng bao năm tiêu tan hết.
- Chi phí cho một phiên livestream thông thường do nhãn hàng hay ekip chi trả?
Trong tất cả các phiên livestream, công ty của tôi đã bao trọn gói tất cả các chi phí sản xuất rồi. Sau này nhận 10% hoa hồng tôi sẽ dùng để chi trả.
- Nhiều KOL, KOC hiện nay luôn bị “soi” về thu nhập, thắc mắc chuyện đóng thuế, Phạm Thoại thì sao?
Tôi vẫn xử lý bình thường. Mọi người phải hiểu là khi tôi được nhiều người biết đến thì nghĩa vụ và trách nhiệm nộp thuế của của công dân là hoàn toàn bình thường.
- Phạm Thoại có thể chia sẻ bí quyết livestream bán hàng để đạt doanh thu khủng không?
Nói về bí quyết thì mình nghĩ đầu tiên bạn phải trau dồi về kỹ năng bán hàng, phải thực sự tốt về kỹ năng bán hàng. Các bạn cầm hoặc đọc thông tin sản phẩm thì các bạn phải hiểu về nó, phải dùng nó, vậy thì các bạn mới biết được sản phẩm này chất lượng hay không.
Tiếp theo, phải hiểu được trong bán hàng hiện nay, việc giải trí là vô cùng cần thiết. Chúng ta phải đưa vào những kỹ năng giải trí như những câu nói vui, hài hước. Hiện nay khách hàng mua theo cảm tính, cảm xúc nhiều hơn.
Sau cùng là giá cả. Với mình, luôn có một slogan “Ở đâu rẻ, Phạm Thoại rẻ hơn”. Mình phải làm cho khách hàng thấy được rằng, tôi thực sự mong muốn đưa đến những điều tốt và chất lượng cho họ, và luôn là rẻ nhất.
Việc phá giá hay không thì đại lý phải làm việc với các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đã chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận về mức giá mà KOL đưa ra thì họ phải chịu. Họ phải chịu áp lực từ dư luận, từ các đại lý, hệ thống… Họ phải tự tính toán làm sao để đại lý và hệ thống không có ý kiến hoặc hành động tiêu cực.
Tôi nghĩ đơn giản, bây giờ là năm 2024 rồi, không phải 2014 nữa. Mọi người nghĩ đi, nếu như không có livestream, đặc biệt là thời kỳ COVID-19, bao nhiêu doanh nghiệp ở Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ sống được tới giờ?!
Thời COVID-19, đến bản thân tôi bán hàng còn điêu đứng, nợ nần thì thử hỏi nhiều doanh nghiệp Việt Nam nếu như không có ngành livestream này họ có vượt lên nổi không? Và rõ ràng, khi bạn đã bước chân vào ngành livestream thì bạn phải trừ đi chi phí cửa hàng, nhân công, nhân viên… Không thể bán online với giá offline được.
Khách hàng sẽ tự có sự so sánh giá khi mua online và offline, các đại lý và hệ thống họ cũng phải hiểu được vấn đề đó. Và bây giờ, người người, nhà nhà đi livestream thì tại sao các đại lý và hệ thống không livestream đi?
- Với cách nhìn là một người có nhiều kinh nghiệm trong việc livestream bán hàng, Thoại nghĩ thị trường livestream bán hàng ở Việt Nam đã đến thời kỳ đỉnh cao chưa?
Như mọi người biết, ở Trung Quốc hiện nay, người người, nhà nhà đi livestream, còn tại Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn còn e dè lắm.
Các doanh nghiệp đang phân vân rằng, liệu tham gia vào thị trường livestream này thì thành công hay không? Hoặc là tôi tham gia thì bán được nhiều hàng hơn so với bán offline hay không? Hay là “Ừ, tôi bán cho đại lý là đủ rồi, nhiều rồi”. Họ đâu có biết được, bán online nhiều hơn rất nhiều so với bán offline.
Chắc phải vài năm nữa, khi nhiều người học livestream thì ngành livestream ở Việt Nam mới đạt tới đỉnh cao.
Đó là phải có tâm với nghề. Khi làm bất kỳ điều gì phải luôn đặt cái tâm vào trong đấy, luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng để trải nghiệm sản phẩm.
Chẳng hạn, khi bán sữa rửa mặt, không phải cứ thấy khách đến là chúng ta bán, mà phải lựa chọn xem sản phẩm này phù hợp với khách không, hoặc mức giá này thì đã phù hợp chưa. Nếu thấy chưa phù hợp, có thể nói họ đợi vài hôm nữa.
Phải tính toán kỹ để cho khách họ cảm thấy thực sự là mình làm việc có tâm chứ không phải bất chấp để bán được hàng.
- Hiện tại có nhiều người cho rằng, làm KOL, KOC thì không cần học nhiều, thậm chí là không cần học đại học. Phạm Thoại nghĩ như thế nào về ý kiến này?
Học vẫn là điều quan trọng đối với mỗi con người, chỉ có học mới giúp bản thân chúng ta đổi đời. Có thể mỗi người sẽ lựa chọn một môi trường riêng, còn bản thân tôi tới thời điểm hiện tại vẫn đề cao việc học.
Việc học rất quan trọng, ví dụ như bây giờ có công ty thì tôi phải điều hành được chứ. Nhiều người đưa ra những ví dụ về vài tỷ phú trên thế giới, nói người ta không cần học vẫn giàu, nhưng các bạn nghĩ đi, trên thế giới có được bao nhiêu người như thế?
- Phạm Thoại có nghĩ rằng livestream sẽ trở thành một nghề được công nhận như những nghề chuyên nghiệp khác không?
Thực ra người livestream bán hàng cũng giống như một nhân viên bán hàng bình thường thôi. Dường như mọi người đang làm quá lên về việc livestream, chứ thực ra livestream nó đã là một cái nghề rồi.
Thay vì việc bạn phải đến cửa hàng và có nhân viên tư vấn thì bây giờ bạn ngồi ở nhà, nhân viên tư vấn sẽ thông qua livestream để tư vấn cho bạn về sản phẩm đó. Bình thường là tư vấn 1 kèm 1, còn bây giờ là 1 kèm 10.000.
Livestream là một nghề, tới thời điểm hiện tại nó đã được công nhận rồi. Mặc dù nó không có trường lớp nhưng tôi tin nó đã được khách hàng công nhận. Tương lai, tôi nghĩ sẽ có nhiều trường lớp mở ra ngành đào tạo livestream, đào tạo bán hàng.
- Hiện đang có rất nhiều KOL, KOC được mệnh danh là “chiến thần livestream”, giữa thị trường rất nhiều người nổi tiếng như thế, làm sao để Phạm Thoại giữ được vị thế?
Tôi chưa bao giờ nghĩ phải cạnh tranh với người này, người kia. Tôi luôn tự tin rằng, Phạm Thoại đi theo con đường riêng. Có rất nhiều người chỉ tập trung cho công việc livestream, nhưng Phạm Thoại vừa livestream, vừa làm nghệ thuật, phát triển công ty.
Tôi chưa bao giờ coi ai là đối thủ để cạnh tranh, đơn giản là khách hàng họ thích ai thì họ mua thôi. Nhiều người livestream thì doanh số của tôi cũng đâu có giảm.
Livestream là một cái nghề rồi thì chả lẽ cái nghề livestream này chỉ có mỗi mình tôi làm việc. Đến một thời điểm nào đó, tôi cũng phải bước xuống, lùi lại phía sau để nhường lại hào quang cho các bạn trẻ khác. Tre già, măng mọc có gì lạ đâu.
Xin cảm ơn Phạm Thoại!