1. Kinh doanh

Hỗ trợ thanh niên miền núi lập thân, lập nghiệp

Quán trà sữa, cà phê của anh Hồ Văn Thắng thu hút nhiều bạn trẻ trong vùng -Ảnh: M.T

Tháng 3/2024, quán trà sữa, ăn vặt, cà phê của anh Hồ Văn Thắng mọc lên như một điểm nhấn, thu hút khá đông bạn trẻ người đồng bào DTTS ở xã Thanh. Bởi lẽ, đây là một trong những quán hiếm hoi trên địa bàn xã kinh doanh về lĩnh vực này.

Vì mô hình tiên phong nên ban đầu, anh Thắng rất lo lắng. Cái mới bao giờ cũng thu hút sự quan tâm, chú ý của khách hàng nhưng duy trì được nó mới là điều quan trọng. Sinh ra và lớn lên ở đây, anh Thắng hiểu cuộc sống của người dân quê mình còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, kinh doanh ở một lĩnh vực vốn còn khá xa lạ với người đồng bào DTTS nên anh không chắc mình sẽ sớm thu lại vốn ban đầu. Tuy nhiên, anh Thắng vẫn mạnh dạn thực hiện ý tưởng của mình.

Được vay 100 triệu đồng từ vốn vay hỗ trợ thanh niên theo Nghị quyết số 103, anh bắt đầu lên kế hoạch mua nguyên liệu để dựng quán và chế biến các món ăn, uống phục vụ khách hàng. Muốn thu hút khách, anh Thắng xác định phải chú trọng đầu tư từ khâu thiết kế quán, như vật liệu xây dựng phải thân thiện với môi trường, cách trang trí, trình bày phải có gu, hợp với phong cách các bạn trẻ chứ không dựng lều quán tạm bợ.

Việc mua sắm các vật dụng, nguyên liệu pha chế cũng được anh Thắng tìm hiểu kỹ với mong muốn sản phẩm của quán mình phải đảm bảo chất lượng, không vì chữ lợi trong kinh doanh mà bỏ qua yếu tố sức khỏe của khách hàng.

Vấn đề mà anh Thắng quan tâm nhất đó là khách hàng. Quán mở ra để phục vụ đối tượng thanh thiếu niên, trong khi điều kiện kinh tế của nhiều gia đình trong vùng còn khó khăn nên để có lượng khách vào ăn uống thường xuyên rất khó. Vậy nên anh phải tính toán để đưa ra mức giá hợp lý, với phương châm “tích tiểu thành đại”.

Đã có thời gian vừa học, vừa làm thêm tại một số quán kinh doanh đồ uống ở TP. Huế khi còn sinh viên nên ban đầu anh Thắng cũng phác thảo được các bước cơ bản để bắt tay vào kinh doanh. Nhờ chăm chút kỹ lưỡng từng khâu một nên quán của anh Thắng thu hút khá đông các bạn trẻ ở xã Thanh và các xã lân cận.

“Với mô hình này, tôi xác định lấy công làm lãi, phục vụ khách hàng tận tình để duy trì lượng khách quen thuộc. Sắp tới, tôi sẽ bổ sung vào thực đơn của quán những món ăn được bạn trẻ yêu thích để thu hút khách hàng. Việc được hỗ trợ vay vốn kinh doanh, có một công việc, thu nhập ổn định tại quê hương để trang trải cuộc sống là một may mắn nên tôi quyết tâm theo đuổi và xây dựng thành công mô hình này”, anh Thắng chia sẻ.

Cũng được hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết số 103, anh Nguyễn Hữu Lực, ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, đã vay 50 triệu đồng đầu tư mô hình nuôi cá cảnh. Ngay từ khi bắt tay vào kinh doanh, anh gặp thất bại do lứa cá nuôi đầu tiên bị chết hơn 100 con vì thời tiết khắc nghiệt.

“Dẫu vậy, tôi vẫn không nản chí. Ban đầu chọn mô hình kinh doanh này, tôi biết mình sẽ gặp không ít khó khăn nhưng vì đam mê nuôi cá cảnh nên tôi quyết tâm theo đuổi. Đến nay, sau vài năm nuôi, tôi đã đúc kết được khá nhiều kinh nghiệm nên hạn chế được số cá giống bị chết”, anh Lực chia sẻ.

Hiện nay, phong trào nuôi cá cảnh đang lên nên mô hình kinh doanh của anh Lực khá hiệu quả. Anh chủ yếu bán các loài cá cảnh guppy, ranchu, molly với giá từ 5-100 ngàn đồng. Ngoài bán tại cửa hàng, cá cảnh của anh Lực được bán online và ship đi toàn quốc. Tận dụng lợi thế của mạng xã hội, anh thường quảng cáo mặt hàng của mình, tư vấn cách chọn lựa và chăm sóc cá nên được khách hàng quan tâm. Nhờ đó, số lượng cá bán ra hằng tháng khá đều đặn, mang đến cho anh thu nhập ổn định.

Hiện Hướng Hóa có 8 mô hình được hỗ trợ vốn sản xuất theo Nghị quyết số 103. Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa Nguyễn Văn Cư cho biết: “Huyện đoàn đã đẩy mạnh công tác rà soát, đề xuất các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên nhằm hỗ trợ vốn sản xuất theo Nghị quyết số 103, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho thanh niên trên địa bàn.

Ngoài ra, Huyện đoàn tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nâng cao hiệu quả công tác ủy thác vốn vay ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đặc biệt là thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện có 14 mô hình kinh tế với tổng số vốn trên 1,2 tỉ đồng được vay từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội”.

Nắm bắt nhu cầu việc làm trong đoàn viên, thanh niên trên địa bàn rất lớn nên trong những năm qua, Huyện đoàn Hướng Hóa triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, hoạt động hiệu quả để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên vươn lên thoát nghèo.

Từ năm 2021 đến nay, Huyện đoàn đã triển khai xây dựng 15 mô hình sinh kế thanh niên với kinh phí xây dựng 5 triệu đồng/mô hình; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức 6 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho đoàn viên, thanh niên các xã vùng đồng bào DTTS.

Phong trào đoàn viên, thanh niên thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh. Thông qua phong trào này, nhiều điển hình phát triển kinh tế trong thanh niên vùng DTTS xuất hiện. Tỉ lệ hộ nghèo do thanh niên làm chủ trên địa bàn huyện năm 2023 giảm còn 26,5%.

Thời gian tới, Huyện đoàn Hướng Hóa tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên về khởi nghiệp, lập nghiệp; tăng cường hỗ trợ, kết nối với các cơ quan, đơn vị để thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.

“Chúng tôi cũng sẽ chú trọng đến công tác biểu dương, khen thưởng những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, qua đó tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, anh Cư khẳng định.

Minh Thảo

Tin khác