1. Kinh doanh

Hỗ trợ sản phẩm địa phương chinh phục thị trường

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2024, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công thương) đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đẩy mạnh quảng bá, kết nối sản xuất với tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Sản phẩm địa phương vươn tầm

Quảng Ngãi hiện có gần 200 sản phẩm đặc trưng của địa phương đạt chuẩn OCOP và hơn 100 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Đây là những đặc sản của các địa phương được các doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến cải tiến chất lượng, mẫu mã. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, nhất là ngành công thương, nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, mở ra cơ hội phát triển.

Sản xuất bánh thuẫn tại cơ sở bánh thuẫn Bảy Dậy, ở thôn Vùng 4, xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ).

Chúng tôi có mặt tại cơ sở bánh thuẫn Bảy Dậy, ở thôn Vùng 4, xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ), đúng vào lúc những mẻ bánh được đưa ra khỏi lò sấy vàng rộm, thơm phức. Ông Phạm Văn Dậy (chủ cơ sở) cho biết, nghề này do cha tôi để lại và tôi đã làm suốt hơn 30 năm qua. Xưa thì làm thủ công, giờ làm bằng máy móc hiện đại nhưng muốn bánh ngon thì vẫn phải chọn nguyên liệu chuẩn, xay bột, lọc bột, ủ bột phải đúng quy trình. “Nhờ sự hướng dẫn tận tình của ngành chuyên môn, năm 2022 sản phẩm bánh thuẫn Bảy Dậy được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay, sản phẩm bán ở nhiều địa phương nhưng tập trung nhiều nhất là trong tỉnh và vùng miền có người dân Quảng Ngãi sinh sống”, ông Dậy nói.

Đóng gói sản phẩm bánh mè tại cơ sở sản xuất bánh mè Cô Mận, ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức).

Còn bà Lê Thị Mận, chủ cơ sở sản xuất bánh mè Cô Mận, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) chia sẻ, tôi có duyên với nghề làm bánh mè từ thuở nhỏ, nên gia đình quyết tâm truyền giữ nghề này. Trước đây, chúng tôi làm hoàn toàn bằng thủ công, còn giờ có máy móc hiện đại hỗ trợ, sản xuất được số lượng lớn trong một thời gian ngắn. Bánh mè Cô Mận có được chỗ đứng trên thị trường như ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm gìn giữ và nâng cao giá trị nghề truyền thống của gia đình; đồng thời nhờ sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn.

Nắm bắt xu thế, mạnh dạn hội nhập

Hiện nay, nhiều bạn trẻ ở Quảng Ngãi đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng những sản phẩm khác biệt. Trong đó, sản phẩm gạo lứt Oly và thanh rong biển Oly của Công ty TNHH Olysa Việt Nam, ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) là một ví dụ. Giám đốc Công ty TNHH Olysa Việt Nam Bạch Thanh Phú cho biết, sản phẩm này ra đời xuất phát từ suy nghĩ tận dụng nguyên liệu hữu cơ tại địa phương để tạo ra sản phẩm phù hợp với chế độ dinh dưỡng của người tiêu dùng. Hiện tại, tất cả nguyên liệu đầu vào đều là sản phẩm hữu cơ, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Ngoài trà gạo lứt, hiện DN còn sản xuất thanh gạo lứt, thanh rong biển, sử dụng dễ dàng, bổ dưỡng. Sản phẩm hiện nay đang bán rộng rãi trên trang gaolutxuquang.com, Shopee và các cửa hàng OCOP trên địa bàn tỉnh.

Đóng gói sản phẩm thanh gạo lứt tại cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Olysa Việt Nam, ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh).

Ở huyện Bình Sơn, một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu là sản phẩm cơm chiên mắm hành của anh Nguyễn Phú Kinh, ở thôn An Điềm 2, xã Bình Chương. Nhờ đầu tư, ứng dụng thiết bị, máy móc vào sản xuất, cơ sở cơm chiên mắm hành Như Ý của anh Kinh đã cho ra sản phẩm đạt chất lượng, cung cấp ra thị trường trong nước.

Ở huyện Tư Nghĩa, có sản phẩm mật mía của Hộ kinh doanh Miền Trung Xanh được thị trường công nhận. Mới đây, dự án mật mía Miền Trung Xanh đã được trao giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 5 năm 2024. Mật mía của cơ sở này có 2 dòng sản phẩm là cao Mật Mía ATISO và cao Mật Mía Hà Thủ Ô Miền Xanh với hương vị thơm ngon đặc trưng và cách làm hoàn toàn tự nhiên đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Nâng tầm giá trị sản phẩm

Sản phẩm bò khô Thu Ba của Công ty TNHH Thu Ba là thương hiệu nổi tiếng tại Quảng Ngãi, là hàng Việt Nam chất lượng cao, đạt chuẩn OCOP 4 sao. Hiện tại, sản phẩm đã được hỗ trợ để vươn xa, thông qua các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee, Sendo, Alibaba đưa phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Việc đưa sản phẩm lên sàn đã giúp DN mở rộng thị trường, có kênh phân phối khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, doanh thu không ngừng tăng lên.

Linh hoạt, chủ động, nhạy bén nắm bắt thị trường, nhiều hợp tác xã trong tỉnh không chỉ cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mà còn liên kết, sản xuất bao tiêu nguyên liệu cho người dân. Từng là cơ sở nhỏ sản xuất tinh bột nghệ, ông Huỳnh Sang, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ), đã thành lập hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh hàng nông sản Bốn Vân, đưa các sản phẩm vươn xa hơn. Không đi theo kênh giới thiệu tại chợ truyền thống, với sự hỗ trợ của ngành công thương, ông Sang đưa các sản phẩm của hợp tác xã tham dự các hội chợ, triển lãm, trưng bày để quảng bá, tiếp cận rộng rãi với khách hàng.

Tại xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ), nhiều hộ dân đã làm giàu từ nghề truyền thống làm chổi đót. Toàn xã có khoảng hơn 600 hộ dân sản xuất chổi đót, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động. Trước đây, nghề làm chổi đót là nghề phụ lúc nông nhàn, nhưng những năm gần đây đã trở thành “nghề phụ - thu chính” của nhiều hộ gia đình. Chổi đót Phổ Phong không chỉ bán ở Quảng Ngãi mà tiêu thụ tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm 2022, “Chổi đót Phổ Phong” được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

Tin khác