Hiệu sách cho khách hàng thuê không gian tự bán sách
"Tôi đang cầm một cuốn sách minh họa về pho mát", Tomoyo Ozumi, một khách hàng vui vẻ chia sẻ khi đang đứng tại hiệu sách theo mô hình mới, nơi bất kỳ ai muốn bán sách của mình đều có thể thuê kệ sách để bày chúng.
Những người ủng hộ mô hình này cho rằng đây là địa điểm mới mang lại niềm vui cho độc giả sau khi nhiều hiệu sách cộng đồng đã đóng cửa. Đồng thời, độc giả cũng có cơ hội tiếp cận nhiều lựa chọn hơn so với cách mua sách thông thường với các đề xuất đến từ thuật toán.
"Ở đây, bạn tìm thấy những cuốn sách khiến bạn tự hỏi ai sẽ mua chúng", Shogo Imamura, 40 tuổi, người đã mở một cửa hàng như vậy tại Kanda Jimbocho, Tokyo vào tháng 4, cười và nói.
"Các hiệu sách thông thường chỉ bán những cuốn sách phổ biến dựa trên số liệu thống kê. Họ sẽ loại trừ những cuốn sách không bán chạy", Imamura chia sẻ. Ông là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết về đề tài samurai trong thời kỳ phong kiến của Nhật Bản.
Ông Imamura bày tỏ: "Chúng tôi phớt lờ những nguyên tắc như vậy. Tôi muốn xây dựng lại các hiệu sách”.
Cửa hàng của ông chỉ rộng 53 m2, với 364 kệ sách. Các tác phẩm ở đây rất đa dạng, một số là sách mới, một số sách đã qua sử dụng - về mọi thứ, từ chiến lược kinh doanh, truyện tranh manga đến đề tài võ thuật.
Có hàng trăm đơn thuê kệ tại đây, trả từ 4.850-9.350 Yên (800.000-1,5 triệu VND) mỗi tháng. Họ có thể là cá nhân, các công ty công nghệ thông tin, công ty xây dựng hay cả các nhà xuất bản nhỏ.
“Mỗi kệ sách giống phiên bản đời thực của một tài khoản mạng xã hội, nơi bạn thể hiện bản thân giống như trên Instagram hoặc Facebook”, Kashiwa Sato, 59 tuổi, giám đốc sáng tạo của cửa hàng cho biết.
Quán cà phê và phòng tập thể dục?
Hiện tại, Imamura chỉ có một cửa hiệu như vậy tại Tokyo, tuy nhiên, ông hy vọng sẽ mở rộng sang các khu vực khác bị ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng đóng cửa các hiệu sách.
Một phần tư các thành phố của Nhật Bản không có hiệu sách, trong đó, hơn 600 hiệu sách đã đóng cửa chỉ trong vòng 18 tháng, tính đến tháng 3 năm nay, theo Tổ chức Văn hóa Công nghiệp Xuất bản Nhật Bản.
Vào năm 2022, Imamura đã đến thăm hàng chục hiệu sách gặp khó khăn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với những gã khổng lồ thương mại điện tử như Amazon. Một số hiệu sách sinh tồn bằng cách mở thêm không gian cà phê hoặc thậm chí là phòng tập thể dục.
"Tuy nhiên, đó là cách làm sai. Bởi vì khi một phòng tập thể dục có lợi nhuận cao hơn, thì 90% không gian có thể trở thành phòng tập thể dục và chỉ 10% không gian dành cho việc bán sách", Imamura cho biết.
Thu hút sự quan tâm
Trước tình hình kinh doanh ảm đạm của các hiệu sách tại Nhật Bản, mô hình mới đang thu hút sự quan tâm. Rokurou Yui, 42 tuổi, cho biết ba hiệu sách theo mô hình chia sẻ kệ của ông ở Tokyo đang lan tỏa "tình yêu to lớn" dành cho những cuốn sách từ những người chủ thuê kệ.
"Giống như thể bạn đang nghe thấy những tiếng nói từ sách đang giới thiệu", Yui chia sẻ.
Yui bày tỏ, chủ sở hữu các hiệu sách thông thường phải đặt rất nhiều sách lên kệ để bán nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. Và điều đó không liên quan đến sở thích cá nhân của họ. “Nhưng ở đây, chúng tôi không bán một cuốn sách nào cả, chúng tôi chỉ bán những cuốn sách được chủ thuê gửi gắm cùng niềm đam mê và tình yêu mãnh liệt của họ”, ông nói.
Yui và cha ông là Shigeru Kashima, 74 tuổi, một giáo sư về văn học Pháp, đã mở hiệu sách chia sẻ kệ đầu tiên, có tên là Passage, vào năm 2022.
Họ mở thêm hai hiệu sách khác và hiệu sách thứ tư thuộc khuôn viên một trường dạy tiếng Pháp ở Tokyo vào tháng 10 năm nay.
Passage hiện có 362 kệ sách và những người thuê kệ giúp thu hút khách hàng bằng các nỗ lực tiếp thị của riêng họ, thường là trực tuyến.
Ông cho biết điều đó trái ngược với các hiệu sách thông thường, thường chỉ dựa vào nỗ lực bán hàng của chủ sở hữu.
Vào những ngày cuối tuần, cửa hàng của Yui đôi khi “trông như một hộp đêm đông đúc với những khách hàng trẻ tuổi ở độ tuổi 10, 20, 30” với nhạc nền sôi động, ông nói.
Ông cho biết, khách hàng và chủ thuê kệ sách đến hiệu sách không chỉ để bán và mua sách mà còn để tận hưởng không khí “trò chuyện về sách”.
Bộ công nghiệp Nhật Bản đã thành lập một nhóm dự án vào tháng 3 năm nay để nghiên cứu cách hỗ trợ các hiệu sách.
“Các hiệu sách là trung tâm truyền bá văn hóa và là tài sản cực kỳ quan trọng đối với xã hội trong việc duy trì các ý tưởng đa dạng và có tác động đến sức mạnh quốc gia”, cơ quan này cho biết.
Minh Hoa