Hết thời tranh thuê mặt bằng đắc địa TP.HCM?
Hơn 1 tháng kể từ ngày Starbucks rời đi, mặt bằng hơn 200 m2 trên đường Hàn Thuyên (quận 1, TP.HCM) vẫn "cửa đóng then cài", không có khách thuê mới, trong khi thương hiệu này đã khai trương một cửa hàng hoành tráng khác ở Đà Lạt.
Hiện mặt bằng số 11-13 Hàn Thuyên vẫn đang được rao cho thuê với giá 30.000 USD/tháng, tương đương gần 750 triệu đồng/tháng. Thậm chí chủ nhà con rao bán đứt cả bất động sản này với giá 600 tỷ đồng, tức hơn 3 tỷ đồng mỗi m2.
Vốn tọa lạc tại vị trí đắc địa của thành phố, nhưng nhiều chuyên gia lẫn môi giới đều cho rằng giá thuê cao là rào cản khiến mặt bằng này vẫn chưa tìm được khách thuê mới, đây cũng là nguyên nhân khiến Starbucks rời đi.
Đột ngột tăng giá thuê
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Trần Văn Trường, CEO Hải sản Hoàng Gia nhìn nhận mặt bằng đẹp tại trung tâm thành phố đang bị bỏ trống khá nhiều.
Tuy nhiên, ông cho rằng chiến lược lấy mặt bằng lớn để tăng độ nhận diện không còn phù hợp với Hải sản Hoàng Gia, thay vào đó doanh nghiệp sẽ đi vào thực chất hơn để đánh giá mặt bằng có phù hợp không.
"Chúng tôi tập trung vào việc đánh giá mặt bằng dựa trên hiệu quả tài chính, nếu không mang lại lợi nhuận, chúng tôi sẽ không đầu tư", ông Trường khẳng định.
Thực tế, từ đại dịch Covid-19 đến nay, chuỗi hải sản này đã phải đóng 3 cửa hàng tại những vị trí đắc địa ở trung tâm TP.HCM do giá thuê tăng quá cao khi tái ký hợp đồng và không thể thương lượng với chủ nhà.
"Khi hết hợp đồng, chủ nhà đòi tăng giá thuê thêm 20%. Mặc dù rất thích những mặt bằng đó, nhưng khi giá thuê tăng, chúng tôi không thể có lãi nên đành đóng cửa để tìm mặt bằng khác", ông Trường cho hay.
Mới đây, chuỗi nhà hàng này đã trương cửa hàng mới tại quận 7 với tổng diện tích sàn gần 2.000 m2. Ông cho rằng nơi này nằm ngay khu vực sầm uất, với nhiều cư dân Hàn Quốc sinh sống, phù hợp với khách hàng tiềm năng và giá thuê cũng tốt hơn so với trung tâm TP.
Ghi nhận thực tế cũng cho thấy thời gian gần đây, không ít thương hiệu lớn đã phải trả mặt bằng do chủ nhà tăng giá thuê, Starbucks Hàn Thuyên là một ví dụ điển hình.
Trước đây, những vị trí này thường nhanh chóng được các thương hiệu khác thuê lại. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã thay đổi khi nhiều mặt bằng vẫn trong tình trạng bỏ trống suốt thời gian dài.
Tuy vậy, thị trường vẫn có những mặt bằng luôn là mục tiêu tranh giành của các thương hiệu lớn. Điển hình như mặt bằng tại số 325 Lý Tự Trọng (quận 1), nằm ngay ngã 6 Phù Đổng. Với diện tích chỉ 140 m2, giá thuê tại đây lên tới 600-700 triệu đồng/tháng, vị trí này vẫn được săn đón nhờ giá trị cao trong việc quảng bá thương hiệu.
Chia sẻ vào thời điểm khai trương cửa hàng tại đây, CEO Mia - Trần Anh Tuấn - cho biết mặt bằng này là vị trí mơ ước của nhiều thương hiệu. Do đó, khi được môi giới chào thuê, ông cùng đội ngũ đã cân nhắc cẩn thận doanh thu và chi phí để đảm bảo cửa hàng có thể hòa vốn.
Theo ông Tuấn, những tháng đầu khi mở cửa hàng tại đây, dù doanh số chưa đột phá như kỳ vọng, cửa hàng cũng gần hòa vốn và xem như Mia không tốn tiền làm thương hiệu. Ông khẳng định sẽ thuê mặt bằng này ít nhất 3 năm, chỉ cần chủ nhà không tăng giá 20-30% lên 50.000 USD/tháng.
Tuy nhiên, sau chưa đầy 2 năm, bảng hiệu vali Mia giờ đã thay thế thành Danny Green - thương hiệu về thực phẩm hữu cơ có tuổi đời 10 năm.
Chia sẻ tại thời điểm khai trương, phía DannyGreen cho biết việc mở cửa hàng tại đây không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược định vị thương hiệu, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng nhờ hơn 1 triệu lượt giao thông qua lại mỗi ngày.
Dẫu vậy, việc DannyGreen có trụ lại được mặt bằng này lâu hay không vẫn còn bỏ ngỏ, bởi kể từ khi Phúc Long rời đi vào năm 2019, chưa có thương hiệu nào thuê mặt bằng này được quá 2 năm. Thậm chí, những thương hiệu đến sau như Soya Garden hay PhinDeli còn gặp khó khăn sau khi thuê mặt bằng này.
Highlands, Katinat, Phê La vẫn đang tìm mặt bằng
Theo ông Thái Thành Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Connect Land - công ty chuyên môi giới mặt bằng tại TP.HCM - nhiều chuỗi F&B vẫn đang cạnh tranh gay gắt để giành các mặt bằng đẹp, đặc biệt là những vị trí từng không thể thuê được. Tuy nhiên, nhu cầu chủ yếu tập trung vào các mặt bằng có chiều ngang trên 8 m.
"Với các thương hiệu F&B như Highlands, Katinat, Cà phê Trứng, Phê La, Golden Gate, họ vẫn tiếp tục tìm nhiều mặt bằng. Gu của họ là những mặt bằng vị trí đẹp mà trước đây không thuê được hoặc giá quá cao", ông Tài nói với Tri Thức - Znews.
Theo ông, đường Nguyễn Huệ (quận 1) vẫn là nơi thu hút các thương hiệu, bởi tuyến đường này là phố đi bộ nên có lượt khách lớn, phù hợp để các thương hiệu quảng bá và bán hàng.
Tuy nhiên, với chiều dài tuyến đường ngắn và số lượng mặt bằng hạn chế, giá thuê tại đây vẫn tăng theo từng năm. Thậm chí, có vài khách hàng phải xếp hàng chờ mặt bằng trống.
"Đối với những vị trí có nhiều bên cạnh tranh, 90% chủ nhà sẽ ưu tiên cho bên trả giá cao nhất thuê, vì điều này phần nào thể hiện tiềm lực tài chính mạnh của khách thuê", ông bổ sung.
Tuy nhiên, cũng vì vậy, không phải đơn vị nào cũng có thể chi mạnh tay để tiếp tục hiện diện tại các tuyến đường lớn.
Như với Hải sản Hoàng Gia, ông Trần Văn Trường thừa nhận trước đây chuỗi cũng thường tìm những mặt bằng đắc địa để xây dựng thương hiệu.
"Đối với một doanh nghiệp F&B, việc lấy mặt bằng vị trí đẹp là một trong những yếu tố thành công để tăng độ nhận diện thương hiệu và thu hút khách hàng", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử, thương hiệu có thể tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả mà không cần đến những mặt bằng có giá thuê quá cao.
"Sự hiện diện online có thể bù đắp cho việc thiếu một mặt bằng đắc địa. Thay vì chi hàng chục nghìn USD mỗi tháng cho mặt bằng, chúng tôi có thể chọn vị trí vừa phải với chi phí thấp hơn và đầu tư vào các chương trình tiếp thị số như quảng cáo trên Facebook, TikTok và YouTube", ông bổ sung.
Liên Phạm