Hé lộ bí mật đằng sau tham vọng mua lại Intel của Apple và Samsung
Intel là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên, công ty đã gặp phải nhiều thách thức lớn trong vài năm trở lại đây. Các sản phẩm của họ ngày càng tụt hậu so với đối thủ, và những lỗi kỹ thuật trên một số thế hệ chip gần đây đã đẩy giá cổ phiếu của công ty xuống thấp. Điều này đã khơi dậy nhiều tin đồn về việc Intel có thể bị các công ty lớn khác mua lại, trong đó nổi bật là Qualcomm, Samsung và Apple.
Qualcomm đã lộ rõ ý định
Vào đầu tháng 9, thông tin từ Reuters cho thấy Qualcomm đang quan tâm đến việc mua lại một phần mảng kinh doanh thiết kế chip của Intel. Tuy nhiên, mọi thứ dường như không dừng lại ở đó, khi Qualcomm sau đó đã xem xét khả năng thâu tóm toàn bộ Intel.
Nếu thành công, thương vụ này sẽ củng cố đáng kể vị thế của Qualcomm trong ngành công nghiệp chip, đặc biệt trong phân khúc laptop mà họ đang muốn mở rộng. Nhưng Qualcomm sẽ không dễ dàng đạt được mục tiêu này khi đối mặt với những đối thủ khác.
Apple và Samsung cũng muốn mua lại Intel
Các báo cáo mới nhất còn tiết lộ rằng Apple và Samsung cũng đang rất quan tâm đến việc mua lại Intel. Cả hai ông lớn này đều có lý do chính đáng để đổ tiền vào thương vụ: tiếp cận tài sản trí tuệ quý giá, các nhà máy hiện đại và kho tàng kinh nghiệm từ Intel sẽ giúp họ đạt được lợi thế cạnh tranh.
Đối với Samsung, nắm được công nghệ của Intel sẽ hỗ trợ đáng kể cho việc sản xuất wafer 3 nm, vốn đang là một thách thức cho bộ phận Foundry của hãng.
Còn với Apple, việc sở hữu các nhà máy của Intel đồng nghĩa với việc họ sẽ giảm phụ thuộc vào TSMC, nhà cung cấp chip chính cho iPhone, iPad và máy Mac hiện tại.
Apple cũng có kế hoạch ra mắt modem tự phát triển cho iPhone SE 4, do đó việc nắm trong tay các nhà máy sản xuất sẽ giúp họ kiểm soát tốt hơn chi phí dài hạn cho các dòng chip Apple Bionic và modem.
Intel hiện đang sở hữu nhiều nhà máy lớn tại Mỹ, và đây có thể là yếu tố thu hút thêm đối với Samsung hay Apple. Chính phủ Mỹ đang đẩy mạnh sản xuất nội địa thông qua trợ cấp và các ưu đãi thuế, điều này sẽ là động lực lớn cho bất kỳ công ty nào muốn chuyển việc sản xuất về nước.
Vì vậy, nếu Samsung hoặc Apple thành công trong việc mua lại Intel, họ sẽ không chỉ có thêm tài sản mà còn nhận được nhiều ưu đãi hỗ trợ từ chính phủ.
Theo một số nguồn tin, Intel có thể đang cân nhắc việc tách bộ phận Foundry của mình thành một công ty riêng lẻ, tương tự như mô hình mà Samsung đã áp dụng.
Nếu điều này xảy ra, các công ty mua lại Intel có thể không bao gồm mảng Foundry mà chỉ tiếp cận các tài sản trí tuệ và chuyên môn thiết kế chip. Tuy nhiên, Intel vẫn có những giá trị vô hình quan trọng, đặc biệt là hợp tác gần đây với AMD để phát triển hệ sinh thái EAG x86, giúp tạo điều kiện tương tác trên các sản phẩm của hai bên.
Bên cạnh những động thái tách riêng mảng kinh doanh, Intel cũng kỳ vọng sẽ nhận được khoản tài trợ lớn trong thời gian tới.
Công ty đã ký thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm phát triển các chip phục vụ quân sự, cùng với khoản tài trợ 8,5 tỉ USD dự kiến từ sáng kiến Đạo luật CHIPS trước năm 2025. Đây là những khoản đầu tư quan trọng, đảm bảo rằng Intel vẫn có thể tiếp tục đổi mới và phát triển ngay cả khi đứng trước nguy cơ bị mua lại.
Với tài sản trí tuệ khổng lồ và cơ sở sản xuất hiện đại, Intel đang trở thành miếng ghép hoàn hảo mà bất kỳ công ty nào cũng muốn có. Cuộc đua này không chỉ là một thương vụ kinh doanh, mà còn là chiến lược cạnh tranh sống còn của các ông lớn. Qualcomm, Samsung hay Apple sẽ là người chiến thắng, có lẽ chỉ có thời gian mới có thể trả lời.
Tiểu Minh