1. Kinh doanh

Hành trình bảo tồn giống vật nuôi, cây trồng bản địa-Bài 1: 'Thiên thời, địa lợi', nhưng vẫn khó... thành công

Với sự quan tâm của ngành Nông nghiệp và chính quyền các cấp, thời gian qua, một số giống cây trồng và vật nuôi bản địa trên địa bàn tỉnh đã được phục tráng, bảo tồn và phát triển theo lộ trình, kế hoạch bài bản. Nhưng không phải lúc nào cũng thành công, bởi còn phù thuộc vào nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Và quan trọng hơn, cần phải xác định việc bảo tồn các giống bản địa là quá trình dài hơi, đòi hỏi sự hợp tác, kết nối lâu dài, trong đó, nông dân là chủ thể, quyết định sự thất bại hay thành hình hài của mỗi một sản phẩm.

Giai đoạn năm 2017-2019, mô hình sản xuất gạo Nước Hai (còn gọi là “gạo đỏ”) rất được quan tâm ở xã Phú Trạch (cũ), nay là xã Hải Phú (Bố Trạch). Một tổ hợp tác được thành lập cùng kế hoạch liên kết với một doanh nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm đã mang đến nhiều kỳ vọng cho giống lúa bản địa quý hiếm này. Với hình thức canh tác thuần hữu cơ, lại mang trong mình nhiều giá trị chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng ưa chuộng thực dưỡng, gạo Nước Hai được ví như chiếc “chìa khóa vàng” để người dân vùng bãi ngang còn nhiều khó khăn của Bố Trạch lúc bấy giờ hoàn toàn có thể làm giàu từ nghề của cha ông để lại.

Những bao bì về gạo Nước Hai được gia đình anh Ánh, chị Kim (xã Hải Phú, Bố Trạch) cất làm kỷ niệm.

Bẵng đi hơn 5 năm trôi qua, thật buồn là gạo Nước Hai hiện giờ cũng trở nên “quý” như thuở trước, chỉ khác là theo một cách hiểu hoàn toàn khác. Bởi toàn xã hiện chỉ còn khoảng 4 hộ dân kiên trì trồng loại gạo này, với khoảng 10 sào, trong đó hộ nhiều nhất là 3 sào. Tổ hợp tác nay cũng “tan tác”, chỉ còn những hộ trên thỉnh thoảng có liên kết, chia sẻ.

Anh Hoàng Văn Hùng, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất gạo Nước Hai ngậm ngùi chia sẻ: “Trước đây, giai đoạn “hoàng kim”, tổ hợp tác có tới 35-36 hộ trồng giống lúa Nước Hai với diện tích hơn 2ha. Giờ đây, số hộ dân trồng lúa Nước Hai giảm mạnh, ngay cả tôi cũng đã nghỉ không trồng từ mấy năm nay, chuyển sang các giống lúa mới khác và nuôi thêm cá để tạo sinh kế cho gia đình”.

Chị Đỗ Thị Kim và anh Đỗ Ngọc Ánh (thôn Bắc Sơn, xã Hải Phú) nâng niu lấy trong tủ lạnh nhà mình một túi gạo Nước Hai được bảo quản cẩn thận. Chị bảo, gạo hiếm nên quý lắm, chỉ để dành một ít để nấu cháo cho đứa con mới hơn một tuổi và khi có người nhà đau ốm. Gia đình chị cũng từng tính bỏ không trồng lúa Nước Hai nữa vì vất vả quá, nhất là khâu cấy và thu hoạch chỉ có thể làm thủ công, thuê thợ cấy và thu hoạch bằng tay, trong khi một sào chỉ cho khoảng 7-8 yến lúa. Duy có quá trình chăm sóc là nhàn hơn vì lúa phát triển theo hướng hữu cơ, thuận tự nhiên, chỉ cần bắt chuột phá lúa là có thể hoàn toàn yên tâm. Gia đình chị và 3 hộ còn lại trong xã nhập gạo Nước Hai cho một chủ cơ sở kinh doanh bột ngũ cốc ở TP. Đồng Hới, có bao nhiêu nhập bấy nhiêu vì đây là giống gạo quý, rất được ưa chuộng với giá 300.000 đồng/yến, ngoài ra còn có một số khách hàng lẻ khác biết “tiếng” cũng thường tìm đến thu mua.

Lý giải nguyên nhân khiến giống lúa Nước Hai mai một dần, anh Hoàng Văn Hùng chia sẻ, giai đoạn đó, nông dân và doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV An Nông không tìm được tiếng nói chung, bởi bà con mong muốn giá thu mua cao hơn do mất nhiều công sức trồng và chăm sóc. Trong khi phía công ty cho rằng với giá thu mua cao, gạo thành phẩm ra thị trường sau khi qua nhiều khâu sơ chế, đóng gói, quảng bá sẽ ở mức cao, khó tiếp cận với người tiêu dùng. Và nhất là rất khó cạnh tranh với các sản phẩm tương tự vốn đã xây dựng được thương hiệu, chỗ đứng vững chắc và có các chứng chỉ sản phẩm hữu cơ.

Thế rồi cơ hội vụt qua, đến triển khai dồn điền đổi thửa, bà con không thể gieo cấy 2 giống lúa trên cùng đơn vị diện tích như trước đây (bên nước sâu có thể gieo lúa Nước Hai, bên nước cạn gieo giống lúa mới), nên cứ thế bỏ dần giống lúa quý này cho đến ngày nay. Không chỉ Nước Hai, giống lúa nếp Cau, nếp Mộc bản địa cũng đã “mất dấu” hoàn toàn. “Và tương lai của giống lúa Nước Hai chắc hẳn cũng không thể tránh khỏi kết thúc buồn, thật tiếc cho giống lúa quý!”, ông Hùng buồn bã tâm sự.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Trần Thanh Hải cho biết, thời gian qua, trung tâm chưa triển khai dự án bảo tồn, phát huy giống vật nuôi, cây trồng bản địa nào trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất là giống cam mật Hiền Ninh hoàn thành từ năm 2016, hiện kết quả được nhân rộng tại nhiều địa phương ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh...

Còn tại Tuyên Hóa, một khó khăn khác lại hiện hữu trong việc bảo tồn giống gà đồi nổi tiếng nơi đây. Theo ông Trần Văn Cần, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa, thời gian qua, giống gà lai 3/4 máu ri được xem là giống gà bản địa chất lượng cao của địa phương, do đó, được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ. Năm 2019, huyện đã đề ra chương trình phát triển chăn nuôi “Gà đồi Tuyên Hóa”. Nông dân tham gia chương trình được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ giống, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác. Huyện đã hỗ trợ 2 hợp tác xã chăn nuôi gà đồi và dịch vụ nông, lâm nghiệp ở hai xã Sơn Hóa và Lê Hóa, xây dựng nhãn hiệu và có tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Cùng với đó là những nỗ lực quảng bá, giới thiệu đưa sản phẩm đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là đầu ra của sản phẩm.

Ông Trần Văn Cần chia sẻ thêm, đặc điểm của gà đồi Tuyên Hóa là khó nuôi quy mô lớn bởi nếu nuôi theo hướng công nghiệp sẽ không giữ được chất lượng như vốn có, chỉ có thể nuôi quy mô nhỏ, chú trọng chất lượng, trong khi số hộ tham gia nuôi lại chưa được nhiều. Vì vậy, gà đồi Tuyên Hóa sẽ khó phát triển quy mô hàng hóa số lượng lớn. Ngoài ra, việc thiếu doanh nghiệp tích cực tham gia vào chuỗi liên kết cũng là một trong những nguyên nhân để sản phẩm này có thể đẩy mạnh thương hiệu, xây dựng thị trường rộng khắp, cũng như tạo chỗ đứng bền vững bên ngoài huyện nhà. Một mình nông dân và chính quyền địa phương rất khó làm được điều này.

Rõ ràng, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của vật nuôi, cây trồng bản địa không phải là hành trình dễ dàng đối với các địa phương. Có địa phương đầy nhiệt huyết phát triển giống bản địa, nhưng lại thiếu doanh nghiệp liên kết, trong khi có địa phương tìm được công ty hỗ trợ nhưng lại không thể đi đến thống nhất bước cuối cùng, phải bỏ lỡ đáng tiếc… Trong hành trình này, vai trò liên kết giữa 3 “nhà” (nhà nước-nhà nông và doanh nghiệp) vẫn đóng vai trò quan trọng, mà nếu thiếu đi một mắt xích sẽ rất khó để thành công.

Mai Nhân

>>> Bài 2: Lối đi nào để nguồn gen quý không mai một?

Tin khác