1. Kinh doanh

Hạnh phúc trên hành trình kiến tạo

Doanh nhân hay những Sisyphus thời hiện đại

Trong thần thoại Hy Lạp, Sisyphus bị các vị thần trừng phạt, buộc phải đẩy một tảng đá lên đỉnh núi mỗi ngày, chỉ để nhìn nó lăn xuống và lặp lại công việc vô nghĩa ấy mãi mãi.

Trong bối cảnh kinh doanh đầy biến động, người doanh nhân dường như chính là những Sisyphus hiện đại, đối mặt với vòng lặp vô tận của khó khăn và nỗ lực.

Đặc biệt, trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa, "tảng đá" mà doanh nhân phải đẩy không chỉ nặng nề hơn mà còn liên tục thay đổi hình dạng. Họ phải nhanh chóng thích nghi với công nghệ mới, xu hướng thị trường biến đổi và kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng.

Vòng lặp đó tạo ra nhiều áp lực lên đời sống tinh thần của doanh nghiệp.

Khảo sát của Gallup năm 2022 cho thấy, 45% doanh nhân trải qua mức độ stress cao hơn đáng kể so với người làm công. Nghiên cứu từ Đại học California Berkeley còn chỉ ra con số đáng báo động: 72% doanh nhân tự báo cáo gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Tuy nhiên, cũng như cách tác giả Albert Camus diễn giải về Sisyphus, doanh nhân có thể tìm thấy ý nghĩa trong chính quá trình đối mặt với thử thách.

Trong bối cảnh kinh doanh hiện đại, hình ảnh Sisyphus không chỉ là biểu tượng của sự trừng phạt hay vô vọng, mà còn là biểu tượng của sự kiên cường, khả năng thích nghi và tinh thần học hỏi không ngừng của doanh nhân.

Nghiên cứu của Harvard Business Review chỉ ra rằng, 78% doanh nhân thành công tin rằng những thất bại và khó khăn đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của họ.

Nhiều doanh nhân đã chuyển hóa "lời nguyền của Sisyphus" thành một triết lý kinh doanh độc đáo: xem mỗi thất bại như một bài học, mỗi khó khăn như một cơ hội để đổi mới và sáng tạo.

Như Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ từng khẳng định, có thể coi những thất bại là bài học. Doanh nhân vấp ngã, thất bại, trả học phí và bước tiếp.

Hay một doanh nhân tên Vũ khác là Đặng Lê Nguyên Vũ, cho rằng, không nên sợ hãi sự thất bại bởi đó là bước đệm cho sự thành công.

“Nếu không ước mơ thì làm sao có thể biến giấc mơ thành hiện thực”, ông chủ Cà phê Trung Nguyên nói.

Kiên trì sau mỗi lần thất bại là cách những doanh nghiệp thành công ra đời. Báo cáo của Startup Genome cho thấy, mặc dù 90% startup thất bại, nhưng 55% các nhà sáng lập sau đó đã thành công trong các dự án tiếp theo.

Chúng ta có thể thấy điều đó ở câu chuyện của Tập đoàn FPT của doanh nhân Trương Gia Bình đã từng vấp ngã ở Hoa Kỳ, thiệt hại khoảng 2 triệu USD nhưng đến nay đã trở thành biểu tượng của ngành công nghệ Việt Nam, vững chân ở nhiều thị trường trên thế giới.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông chủ Vingroup, người kiến tạo ra nhiều kỳ tích cho nền kinh tế Việt Nam, khi còn trẻ cũng từng nhiều lần thất bại, thậm chí mất sạch vốn liếng do khởi nghiệp, buôn bán ở nước ngoài.

Hoặc những tỷ phú nổi tiếng trên thế giới như Jack Ma, Elon Musk không ít lần vấp ngã trên hành trình khởi nghiệp của mình, trước khi cho ra đời tập đoàn thương mại điện tử hùng mạnh Alibaba hay hãng ô tô điện vốn hóa nghìn tỷ USD Tesla.

Trong cuộc hành trình tưởng chừng vô tận của khởi nghiệp - thất bại - rút kinh nghiệm và bước tiếp, người doanh nhân học được cách tìm niềm vui và ý nghĩa cuộc sống. Họ xây dựng được các mối quan hệ, tạo giá trị cho cộng đồng và đôi khi là góp phần tạo ra tác động lâu dài đến xã hội.

Hướng đến giá trị bền vững

Trong môi trường kinh doanh hiện đại, yêu cầu cấp thiết đặt ra cho doanh nghiệp là vượt qua vòng luẩn quẩn của lợi nhuận ngắn hạn, hướng tới kiến tạo giá trị lâu dài cho mọi bên liên quan, bao gồm các nhân viên, đối tác, khách hàng, cộng đồng dân cư và toàn xã hội.

Quá trình chuyển đổi đòi hỏi cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo, sự tham gia tích cực của nhân viên và đôi khi là cả sự hy sinh lợi ích trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp dám đối mặt với thách thức này sẽ không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội mà còn tạo ra lợi nhuận bền vững.

Hai học giả Michael E. Porter và Mark R. Kramer đã giới thiệu khái niệm “kiến tạo giá trị chung” (Creating shared value - CSV), lập luận rằng doanh nghiệp có thể tạo giá trị kinh tế bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội.

Có thể hiểu, đầu tư vào những giá trị chung cho xã hội là cách người doanh nhân đạt được thành công. Đi kèm với đó là một hành trình kinh doanh nhiều niềm vui và ý nghĩa.

Không ít doanh nhân lựa chọn con đường này để đạt được những thành công riêng, chẳng hạn như chị Nguyễn Thị Kim Thoa với Công ty Sản xuất thương mại Abavina đã xây dựng thành công “cộng đồng nông nghiệp thuận thiên”, anh Nickie Trần với chuỗi nhà hàng Kậu Ba Quán nỗ lực đưa nông sản sạch, ẩm thực Việt Nam đến với cộng đồng.

Những doanh nhân đầy cảm hứng ấy đã đạt được những thành công nhất định trong kinh doanh, thông qua một hành trình nhiều niềm vui, giàu ý nghĩa.

Trong thế giới đầy biến động và không ngừng thay đổi, mỗi doanh nhân đều là một Sisyphus hiện đại. Nhưng thay vì bị đọa đày, họ có cơ hội để tự định hình số phận của mình. Họ không chỉ đơn thuần "đẩy tảng đá" lên đỉnh núi, mà còn kiến tạo giá trị, đổi mới và phát triển bản thân cũng như xã hội trong quá trình đó.

Bằng cách không ngừng học hỏi, đổi mới và kiên trì trước thách thức, doanh nhân góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Đó chính là ý nghĩa đích thực của hạnh phúc trong kinh doanh - không phải là đích đến, mà là hành trình không ngừng phát triển và đóng góp.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc

Tin khác