Hàng triệu sản phẩm 'made in Vietnam' bán trên Amazon mỗi năm
Tại hội nghị Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới: “Tăng tốc, vươn tầm, bứt phá thành công” của Amazon global selling diễn ra sáng nay (9-10), ông Gijae Seong - Giám Đốc Điều Hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, năm 2023, doanh số TMĐT bán lẻ toàn cầu ước đạt 5,8 nghìn tỷ USD. Dự báo, lĩnh vực này sẽ tăng 39% trong những năm tới, vượt 8 nghìn tỷ USD vào năm 2027.
Cùng với sự phát triển của TMĐT toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Access Partnership, giá trị xuất khẩu TMĐT B2C Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đóng góp 26%. Đáng chú ý, 93% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được khảo sát cho rằng, doanh nghiệp của họ sẽ không thể phát triển nếu không có TMĐT.
Trong 5 năm qua, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu và mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu với Amazon. Các doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm mà còn tập trung xây dựng thương hiệu và củng cố sự hiện diện của mình trên trường quốc tế.
Số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300%. Số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình đăng ký thương hiệu (Brand Resgistry) của Amazon tăng gấp 35 lần.
Top 5 danh mục sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất từ các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon: sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp.
Những con số ấn tượng trên chứng minh tiềm năng, tiềm lực dồi dào của các doanh nghiệp Việt Nam để bứt tốc mạnh mẽ với TMĐT toàn cầu.
5 năm Made in VN với Amazon như: tiếp cận KH tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 60% sản lượng bán hàng ra trên A đến từ các bán hàng thứ 3, trong đó có nhà bán hàng VN, hàng triệu sản phẩm VN bán trên A mỗi năm.
Ông Trịnh Khắc Toàn- Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam cho hay, bí quyết để hàng hóa Việt Nam bán được trên Amazon là lựa chọn sản phẩm tốt, trải nghiệm khách hàng tốt, cấu trúc chi phí thấp và giá cả cạnh tranh.
Bà Nguyễn Bảo Ngọc- đại diện Amazon cho hay, cần tăng giá trị thông qua cải tiến sản phẩm; Nắm bắt xu hướng tiêu dùng để có sản phẩm phù hợp.
Bà Bảo Ngọc lấy ví dụ, trình đọc sách điện tử Kindle bán trên Amazon đã qua 16 năm với 22 phiên bản. Người bán hàng phải liên tục lắng nghe và cải tiến sản phẩm. Đây là điều kiện tiên quyết.
Sau đó là nghiên cứu và phát triển, thiết kế; bán hàng và dịch vụ; tiếp thị/ quảng cáo, cung ứng/phân phối.
Theo bà Bảo Ngọc, nếu chỉ tập trung vào khâu sản xuất sản phẩm mà không chú ý các khâu khác, nhà sản xuất sẽ rất khó khăn vì phải cạnh tranh về chi phí.
Hà Linh