Hàng ngoại bình dân tràn ngập sàn thương mại điện tử, hàng Việt gặp nhiều thách thức
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.
Theo thống kê, tổng doanh thu 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) năm 2023 cho thấy: có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn, tăng 52,3% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây. Hiện có 637.273 shop bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Trong đó, những ngành hàng đứng đầu về doanh thu cũng như sản lượng bán là làm đẹp, nhà cửa - đời sống và thời trang nữ.
Theo báo cáo từ iPrice Group và Statista, năm 2023 khoảng 30 - 35% người tiêu dùng Việt Nam trên các nền tảng sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã thực hiện mua sắm quốc tế, chủ yếu là mỹ phẩm, đồ điện tử, thời trang và phụ kiện.
Thay vì mày mò trên các website nước ngoài để đặt hàng và tìm đơn vị giao vận về Việt Nam, nay các khách hàng dễ dàng mua sắm trên shop quốc tế với mức giá rẻ. Còn theo thống kê của Shopee, mỗi tháng có đến 22 triệu người mua hàng trên Shopee.
Dù chưa có thống kê nào cho thấy tỉ lệ tương quan giữa nguồn hàng từ nước ngoài và nội địa trên các sàn, nhưng với ưu thế đa dạng chủng loại hàng hóa và giá cả, các gian hàng quốc tế có xu hướng tăng lên, ngày càng phổ biến hơn.
Từ chỗ khó mua do hàng rào thanh toán và ngôn ngữ, nhiều người tiêu dùng dễ dàng mua hàng xuyên biên giới qua các sàn hiện diện ở Việt Nam.
Ngay cả hai sàn Shopee và Lazada, các tính năng như Shopee Global và LazMall cũng đã giúp người tiêu dùng Việt dễ dàng tiếp cận các nguồn hàng quốc tế, chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Các giao dịch xuyên biên giới còn được thúc đẩy bởi các chương trình giảm giá và miễn phí vận chuyển.
Anh Ngọc Phương (ngụ quận 7, TP.HCM) cho biết thực tế là hàng Trung Quốc giá rẻ qua các sàn TMĐT đã có sẵn ở Việt Nam từ lâu và sự xuất hiện của Temu hay Shein chỉ là khẳng định thêm những lỗ hổng trong quản lý TMĐT xuyên biên giới.
Cách đây không lâu, khi tình cờ đi chơi gặp gỡ bạn bè, anh phát hiện bộ đồ dùng chén bát khá xinh và muốn hỏi mua. Về nhà, qua vài thao tác tìm kiếm trên mạng, anh Phương được dẫn đến gian hàng Taobao ngay trên sàn Lazada.
"Ở đây có các loại hàng hóa mà bạn muốn thuộc tất cả ngành hàng và cả bộ đồ dùng tôi muốn mua. Qua những nền tảng ở Việt Nam, các shop quốc tế nội địa Trung đã có thể ship hàng trực tiếp về Việt Nam rất nhanh và tiện", anh Phương cho biết.
Cũng hay đặt hàng từ cá sàn TMĐT, bà Nguyễn Bảo Hân (42 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết: "Trước đây, những chiếc váy tôi mua ở cửa hàng, thấp nhất cũng 400.000 đồng/chiếc thì nay lên các TMĐT chỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng/chiếc, nếu canh khuyến mãi giá chỉ khoảng 150.000 đồng/chiếc mà chất lượng tương đương. Lúc đầu chưa quen về kích cỡ nhưng sau quen dần".
Các mặt hàng dùng nhiều trong gia đình như: nước giặt, nước rửa chén, kem đánh răng... trước thường đi siêu thị mua trong đợt khuyến mãi thì nay bà cũng mua luôn trên kênh online của siêu thị để được giá tốt và nhận hàng tại nhà vì không mất thêm phí.
Trong khi đó, chị Thanh Hương, nhân viên văn phòng tại quận 1 (TP.HCM), cho biết gần như tuần nào chị cũng đặt mua quần áo, giày dép hoặc dụng cụ bếp trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada vì "thấy họ giảm giá nhiều quá" nhưng phần lớn mua rồi ít sử dụng. "Mỗi khi lướt điện thoại, nhất là các buổi livestream bán hàng trên TikTok, tôi bị cuốn hút bởi các mặt hàng thời trang, dụng cụ bếp hay phụ kiện có giá rất rẻ, hình ảnh, kiểu dáng rất thu hút. Không mua lại thấy tiếc hoặc bỏ phí mã giảm giá nên tôi liên tục "chốt đơn" trong vô thức dù thực tế không có nhu cầu.
Tương tự, chị Phi Nguyễn, nhân viên kế toán tại quận 3 (TP.HCM), cho biết tần suất mua hàng online của chị hiện nay đã tăng lên 5-6 lần mỗi tuần do giá bán online ngày càng hấp dẫn, rẻ hơn trên thị trường 10%-15% và các sàn TMĐT cũng thường gợi ý mua thêm để được giảm giá và miễn phí vận chuyển.
Theo ghi nhận, khoảng cách giá trên gian hàng quốc tế của hai sàn trong nước so với Temu hay Shein không chênh lệch đáng kể, nếu bỏ qua khuyến mãi của ban đầu.
Vì thế, các nhà bán hàng Việt đang đối mặt với vô vàn thách thức khi không chỉ cạnh tranh với các đối thủ trong nước mà còn đối mặt với các nhà bán hàng giá rẻ nước ngoài xâm nhập qua TMĐT.
Giám đốc kinh doanh ngành hàng mẹ và bé của một công ty đa quốc gia cho biết lần đầu tiên trong năm nay mặt hàng bỉm cũng như đồ dùng em bé của công ty đang phải cạnh tranh vất vả với hàng nội địa Trung Quốc.
"Kênh bán hàng online, sự rầm rộ của các gian hàng TMĐT xuyên biên giới đang điều chỉnh lại hệ thống phân phối truyền thống bằng cuộc cạnh tranh về giá khốc liệt và tốc độ giao hàng. Người mua bây giờ không cần phải ra cửa hàng mà được ship tận nhà, tiện và rẻ", vị này nói.
Việc bùng nổ các shop quốc tế trên các sàn TMĐT khiến các gian hàng Việt chịu sự cạnh tranh lớn cả về chất lượng, mẫu mã. Ông Phạm Bảo Trung - cố vấn giải pháp tăng trưởng khách hàng của nền tảng Metric - cho biết dữ liệu quý 3-2024 từ thị trường cho thấy phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng đã tăng thị phần đáng kể ở thị trường TMĐT Việt Nam, chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường, với mức tăng 9% so với cùng kỳ 2023.
Trong đó các sản phẩm dưới 100.000 đồng tăng 5% thị phần, còn từ 100.000 - 200.000 đồng tăng thêm 4%. Người tiêu dùng cũng đang đối mặt với nhiều áp lực kinh tế, do đó việc thắt chặt chi tiêu là điều tất yếu.
"Theo tôi tìm hiểu, rất nhiều người tiêu dùng khi có nhu cầu về một sản phẩm thường sẽ tìm hiểu trên nhiều sàn khác nhau, nhiều shop khác nhau rồi mới cân nhắc và đưa ra quyết định cuối cùng.
Việc này cho thấy xu hướng tiêu dùng đang chuyển từ mua sắm bừa bãi sang một lối tiêu dùng thông minh hơn khi khách hàng biết tận dụng tối đa đồng tiền mà họ bỏ ra", ông Trung nhận định.
Tuy nhiên xu hướng này không chỉ đơn thuần là tìm kiếm mức giá rẻ nhất. Ông Nguyễn Quốc Anh - chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM (RUPA) - cho biết ngành giày dép cao su, nhựa của Việt Nam chịu tác động trước làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ trên kênh TMĐT rất rõ.
Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ đã ngưng sản xuất và chuyển sang nhập hàng về bán vì chi phí không thể cạnh tranh với hàng qua TMĐT.
"Tình hình không chỉ đơn thuần là cạnh tranh nữa, mà đã trở thành vấn đề bảo vệ thị trường và sản xuất trong nước", ông Quốc Anh nói.
Khánh Linh (t/h)