Hàn Quốc và Thái Lan tiếp cận sức mạnh mềm phát triển công nghiệp văn hóa
Theo trang Diplomat, Thái Lan gần đây đang phát huy sự tự chủ, nghĩ khác và làm khác để trở thành quốc gia có giá trị xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ấn tượng và có sức lan tỏa mạnh mẽ trên thế giới.
Để đạt được mục tiêu này, việc vun đắp "sức mạnh mềm" sẽ đóng vai trò then chốt trong việc cho phép quốc gia này khéo léo điều hướng các dòng chảy của ngoại giao quốc tế trong khi vẫn bảo vệ được quyền tự chủ.
Khi xem xét Chỉ số sức mạnh mềm toàn cầu năm 2022, một tiết lộ đáng kinh ngạc đã xuất hiện: Thái Lan, mặc dù trở thành quốc gia có giá trị xuất khẩu các sản phẩm văn hóa đứng thứ hai trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhưng lại không có mặt trong top 30 toàn cầu, tụt hậu đáng kể so với ứng cử viên hàng đầu khu vực là Singapore.
Sự khác biệt này đặt ra câu hỏi về cách Thái Lan tiếp cận đối với sức mạnh mềm và gợi ý một số tiềm năng để có thể tăng cường sức hấp dẫn của sức mạnh mềm ở quốc gia này. Theo Tiến sĩ Tim Hildebrandt tại Đại học Duisburg-Essen, Thái Lan có thể rút ra những bài học quý giá từ sự thăng tiến đáng chú ý trong ngành công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc.
Kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa từ Hàn Quốc
Trong vài thập kỷ qua, văn hóa đại chúng của Hàn Quốc đã nổi lên như một sức mạnh mềm quan trọng. Trong khi khán giả có thể quen thuộc với những ngôi sao như BTS hay những sáng tạo điện ảnh nổi tiếng từ bộ phim "Ký sinh trùng", sự trỗi dậy văn hóa Hàn Quốc và quyền lực mềm của nước này không hề ngẫu nhiên. Thay vào đó yếu tố này được củng cố bởi những chiến lược phát triển bền vững của quốc gia.
Được mệnh danh là "Làn sóng Hàn Quốc" hay "Hallyu", hiện tượng này bắt đầu vào cuối những năm 1990, khi truyền hình, điện ảnh và âm nhạc Hàn Quốc đã được ca ngợi ở các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc và Nhật Bản.
Khi các công ty tiên phong như Samsung mở rộng đáng kể sự hiện diện ngành điện tử tiêu dùng ra ngoài Đông Á sau năm 2008, họ đã tạo ra làn sóng văn hóa nhạc pop Hàn Quốc, một làn sóng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa bởi sự lan rộng của internet.
You Tube - nền tảng chia sẻ video trực tuyến của Mỹ nổi lên là cầu nối giữa K-Pop và khán giả toàn cầu. Bên cạnh đó, sự gia tăng của các dịch vụ phát trực tuyến đã tạo ra nền tảng màu mỡ để phổ biến truyền hình và phim ảnh Hàn Quốc.
Trong thời gian dài, chính phủ Hàn Quốc liên tiếp đã xây dựng các chính sách chiến lược để khuyếch đại ngành công nghiệp văn hóa và toàn cầu hóa văn hóa Hàn Quốc, bao gồm các chiến lược xuất khẩu, lan tỏa hình ảnh của Hàn Quốc ra thế giới.
Được thống nhất bởi sự hiểu biết chung về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của ngành công nghiệp văn hóa, chính phủ Hàn Quốc qua các nhiệm kỳ đều điều chỉnh các chính sách theo nhu cầu đương thời, thúc đẩy phát triển kinh tế Hàn Quốc vào những năm 1970.
Những nỗ lực này đều do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc quản lý và phát triển thông qua sự hợp tác với nhiều bộ, ngành, tổ chức chuyên môn, tập đoàn và học viện, góp phần tăng cường vị thế văn hóa của Hàn Quốc trên trường thế giới đồng thời thúc đẩy tăng trưởng qua lại thông qua trao đổi văn hóa xuyên biên giới.
Việc chính phủ chủ động quảng bá văn hóa Hàn Quốc không chỉ củng cố hình ảnh và ảnh hưởng quốc gia của đất nước mà còn nuôi dưỡng một góc nhìn toàn cầu tích cực về bản sắc Hàn Quốc.
Ngoài việc quảng bá văn hóa đại chúng Hàn Quốc và các phong cách nghệ thuật truyền thống, nỗ lực này còn bao gồm các sáng kiến như "Ngoại giao Kimchi" như quảng bá ẩm thực và truyền bá việc học tiếng Hàn ở nước ngoài.
Bằng cách duy trì chiến lược cho những khía cạnh này của văn hóa, Hàn Quốc đã xem đây là bộ công cụ mạnh mẽ định hình nhận thức quốc tế và tiếp tục sử dụng hình ảnh mang tính xây dựng này cho mục đích ngoại giao. Theo cách đó, sự trỗi dậy về văn hóa của Hàn Quốc minh họa rõ ràng cho khái niệm 'quyền lực mềm'.
Cách tiếp cận của Thái Lan trong công nghiệp văn hóa
Giống như Hàn Quốc đã đạt được thành công nhất định trong việc điều hướng tăng cường quyền lực mềm phát triển văn hóa, Thái Lan gần đây cũng khai thác chính sách văn hóa để củng cố sức mạnh mềm tăng cường ngoại giao quốc tế.
Theo Tiến sĩ Tim Hildebrandt, cũng giống như Hàn Quốc đã áp dụng "Ngoại giao Kimchi", Thái Lan đã tiên phong trong ngoại giao ẩm thực thông qua chiến dịch "Global Thai campaign" (Toàn cầu Thái Lan) kể từ năm 2002.
Sáng kiến này tập trung vào việc mở rộng sự hiện diện của các nhà hàng Thái trên toàn thế giới, không chỉ giới thiệu Thái Lan là một điểm đến ẩm thực mà còn thúc đẩy các cơ hội kinh tế trong ngành thực phẩm và đồ uống.
Thông qua chiến dịch, Thái Lan thúc đẩy quảng bá văn hóa chiến lược ra nước ngoài, qua đó tăng cường sức mạnh mềm.
Một hướng khác để phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thái Lan là tạo ra sức mạnh mềm qua các bộ phim truyền hình. Những bộ phim truyền hình Thái Lan đã đạt được sức hút đáng kể như một sản phẩm xuất khẩu văn hóa và đang ngày càng được ưa chuộng ở các nước châu Á khác như Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam.
Hơn nữa, Thái Lan cũng sở hữu tiềm năng chưa được khai thác để mở rộng các chính sách tập trung vào xuất khẩu văn hóa, có thể tận dụng các tài sản như Muay Thái (kickboxing Thái Lan) hoặc khai thác các ngành du lịch vốn đã mạnh mẽ để tạo dựng hình ảnh quốc tế thân thiện và tiến bộ.
Để tiến triển, các nhà hoạch định sẽ tiếp tục đưa ra cách tiếp cận toàn diện và phối hợp tốt hơn đối với chính sách văn hóa vào thời gian tới./.
Hồng Nhung