Hàn Quốc hướng đến làn sóng tiếp theo thúc đẩy 'nền kinh tế bạc'
"Nền kinh tế bạc"
Theo trang Nikkei Asia, cùng với sự già hóa dân số, nền kinh tế bạc ngày càng nhận được sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới.
Nền kinh tế bạc (Silver Economy) là một thuật ngữ dùng để chỉ tất cả các hoạt động kinh tế liên quan đến việc phục vụ và đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi.
Tại Hàn Quốc, các nhà phân tích dự báo nền kinh tế bạc sẽ thu được giá trị hơn 120 tỷ đô la vào năm 2030.
Sau một thời gian trưởng thành làm việc quần quật trong các nhà máy lương thấp để nuôi hai đứa con và sau đó chăm sóc ba đứa cháu, một khoảnh khắc tuyệt vời đã đến với bà Choi Soon-hwa ở Hàn Quốc là tìm được một công việc mới ở tuổi 72.
Một bệnh nhân được bà chăm sóc từng nói rằng bà trông giống người mẫu và có thể bước trên sàn diễn thay vì công việc điều dưỡng. Hiện tại, sau khi nghỉ hưu, bà Choi thường xuất hiện trên các trang thời trang của tạp chí hoặc tại các buổi trình diễn thời trang trên khắp cả nước. Chỉ tháng trước, bà đã tham gia cuộc thi sắc đẹp tại Hoa hậu Hoàn vũ 2024 sau khi Ban tổ chức nước này bãi bỏ giới hạn độ tuổi áp dụng cho cuộc thi.
"Khi còn trẻ, tôi đã có những ước mơ, nhưng tôi đã nghĩ chúng là điều không thể. Hồi đó, mọi người chỉ chấp nhận cuộc sống theo cách vốn có và không quan tâm nhiều đến mong muốn thực sự. Tôi sải bước trên sàn diễn thời trang và nhìn thấy khán giả ở cả hai bên. Tôi đã nghĩ: 'Ồ, đây thực sự là mình!' Mặc dù tôi đã già, nhưng tôi vẫn có thể làm được!", bà Choi nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Bà Choi là một đại diện sống động cho nền kinh tế bạc đang phát triển mạnh mẽ ở Hàn Quốc. Ngày càng nhiều doanh nghiệp cũng hướng đến phát triển các loại hàng hóa và dịch vụ dành cho người cao tuổi – chiếm tỷ lên cao trong dân số.
Nghiên cứu của bà Kim Young-sun, Giám đốc Viện AgeTech & Silver Economy thuộc Đại học Kyunghee, dự báo rằng thị trường dành cho các doanh nghiệp hướng đến người cao tuổi sẽ phát triển mạnh mẽ vào năm 2030, tăng gấp đôi so với năm 2020.
Bà Kim cho biết sự phát triển của thương mại tập trung vào người cao tuổi cho đến nay vẫn chậm hơn so với các nước khác.
"Chúng ta có thể thấy rằng nền kinh tế bạc của Hàn Quốc có tiềm năng rất lớn. Nhưng so với các nước châu Á khác, thị trường này vẫn còn ở mức rất thấp. Ví dụ, nếu bạn nhìn vào Trung Quốc, thị trường ở đó rất phát triển", bà Kim Young-sun nói.
Theo ước tính của tập đoàn dịch vụ tài chính Trung Quốc Ping An, nền kinh tế bạc của Trung Quốc hiện có giá trị khoảng 966 tỷ đô la. Trong khi đó, World Data Lab, một cơ quan nghiên cứu người tiêu dùng, ước tính nền kinh tế bạc của Nhật Bản sẽ tăng trưởng lên 1,1 nghìn tỷ đô la vào năm 2030.
Bà Kim cũng chỉ ra các hoạt động giải trí như du lịch và đào tạo nghề cho người cao tuổi muốn học các kỹ năng nghề nghiệp mới, cũng như tư vấn pháp lý và tài chính. Đây sẽ là những lĩnh vực tăng trưởng sắp xảy ra trong nền kinh tế bạc.
"Hiện tại, có rất nhiều hoạt động R&D của nhà nước và các hoạt động khác đang được triển khai trên thị trường, và dự báo sẽ phát triển đáng kể trong tương lai", bà Kim nói.
Hướng tới thị trường hàng hóa dành cho người cao tuổi
Trở thành người mẫu chỉ là bước tiến mới nhất trong cuộc đời đầy biến cố của bà Choi. Các nhà quan sát bày tỏ sự đồng cảm với nhiều người cao tuổi như bà, những người lớn lên ở một vùng đất nghèo đói, bị chiến tranh tàn phá và Hàn Quốc giờ đây đã vươn lên trở thành một quốc gia giàu có về văn hóa đại chúng và công nghệ trong vòng vài thập kỷ.
Bà Choi sinh năm 1943 tại một thành phố công nghiệp ở bờ biển phía nam Hàn Quốc, việc học của bà bị gián đoạn do Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào đầu những năm 1950, và giữa lúc nền kinh tế bị tàn phá do xung đột. Bà Choi làm việc tại một nhà máy dệt khi còn là thiếu niên để giúp đỡ gia đình.
"Bà Choi đại diện cho một người phụ nữ Hàn Quốc rất kiên cường. Bà đã trải qua chiến tranh và cảnh cùng cực và vượt qua mọi khó khăn. Có rất nhiều phụ nữ Hàn Quốc đã trải qua như vậy ", Yang Sun-mook, một người quảng bá các doanh nghiệp và sự kiện liên quan đến người cao tuổi, cho biết.
Có rất nhiều phụ nữ lớn tuổi đã dành cả tuổi thanh xuân và tuổi trung niên để hy sinh cho gia đình. Sau đó, họ bước sang tuổi 60 và tự hỏi, 'Bây giờ thì sao?' Họ vẫn còn nhiều hy vọng, họ tin rằng mình có thể làm được nhiều điều."
Ông Yang tin rằng công việc người mẫu ở tuổi cao có thể là "mũi nhọn" cho các hình thức hoạt động thương mại khác. Khi ngành kinh tế bạc của Hàn Quốc phát triển thì các doanh nghiệp của nước này có thể hướng tới xuất khẩu các sản phẩm chăm sóc người cao tuổi, chẳng hạn như thực phẩm bổ sung sức khỏe và chăm sóc da, giống như cách họ đã làm với nhạc pop, phim truyền hình, đồ điện tử và thực phẩm.
Thực tế, trong những năm gần đây, một số công ty khởi nghiệp phục vụ người tiêu dùng cao tuổi đã xuất hiện. Chẳng hạn như Athler, một nền tảng thời trang trực tuyến dành cho nam giới cao tuổi sau tuổi trung niên. Ngoài ra, nền tảng phong cách sống Onew cũng thu hút các khoản đầu tư vào dịch vụ kết nối người cao tuổi với sở thích và cộng đồng.
Shinhan Life Care, một công ty con của ngân hàng cùng tên, gần đây đã công bố thỏa thuận hợp tác với chi nhánh xây dựng của Hyundai để xây dựng nhà ở và cơ sở chăm sóc cho người cao tuổi.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc hiện có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới vì ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn không sinh con trong bối cảnh áp lực kinh tế như giá nhà tăng cao và sự cạnh tranh khốc liệt để có được công việc ổn định, lương cao tại các công ty lớn. Đây cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế bạc ở nước này.
Năm 2023, tỷ lệ dân số già ở Hàn Quốc đạt mức thấp kỷ lục. Tổng tỷ suất sinh chỉ đạt 0,72 con/phụ nữ ở Hàn Quốc, thấp hơn nhiều so với mức duy trì 2,1 con/phụ nữ để đảm bảo ổn định dân số.
Tiêu dùng năng động
Theo ông Park Yeong-ran, Giáo sư tại Đại học Kangnam, các doanh nghiệp hiện nay đã ý thức được người cao tuổi sẽ là những người tiêu dùng năng động.
"Hai mươi năm trước, các công ty tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi phụ thuộc. Bây giờ thị trường đang chuyển sang phục vụ những người cao tuổi theo đuổi lối sống mới của riêng họ khi về già", bà Park nói với Nikkei.
Bà Park cũng cảnh báo, độ tuổi nghỉ hưu ở Hàn Quốc vào khoảng 60 - sớm hơn so với các nền kinh tế phát triển khác. Trong khi đó, nhiều người cao tuổi chỉ có lương hưu ít ỏi với khả năng chi tiêu hạn chế.
"Nhiều người vẫn phải làm việc sau khi nghỉ hưu, chỉ vì họ cần thu nhập. Không phải ai cũng sẵn sàng về mặt tài chính để nghỉ hưu và tận hưởng cuộc sống. Hiện tại, thị trường vẫn chưa sinh lợi như một số công ty mong đợi", bà Park nhấn mạnh.
Dữ liệu chính thức cho thấy tính đến năm 2022, 36% người từ 65 tuổi trở lên có việc làm, tăng 6,1% so với 10 năm trước. Tỷ lệ việc làm của người cao tuổi ở Hàn Quốc cao nhất trong số bất kỳ quốc gia thành viên OECD nào. Tuy nhiên, chỉ có 20,7% những người cao tuổi đang đi làm cho biết họ hài lòng với thu nhập của mình.
Trước khi bước sang tuổi 81, bà Choi cho biết thông điệp mà bà muốn gửi đến những người cao tuổi giống như bà: Chìa khóa để duy trì sức sống là tìm thấy sự tự tin trong những năm tháng cuối đời.
"Bằng cách theo đuổi nghề người mẫu trong những năm cuối đời, tôi đã thực sự trở nên độc lập. Dần dần tôi từ bỏ mọi thói quen cũ, kiểu thói quen mà hầu hết các bậc cha mẹ Hàn Quốc đều có là liên tục lo lắng về con cái và quan tâm đến chúng quá mức", bà nhấn mạnh./.
Hồng Nhung