Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số An Giang nuôi ước mơ khẳng định bản thân
Sáng 22/10, Ban Công tác phía Nam, Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Hội LHPN tỉnh An Giang tổ chức chương trình truyền thông về ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại huyện An Phú.
Chương trình thu hút hơn 300 đại biểu tham dự. Đây là chuỗi hoạt động nhằm triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" tại các tỉnh, thành phía Nam, năm 2024.
Lan tỏa gương làm kinh tế giỏi
Chị Ha Ly Mah - Tổ trưởng Tổ phụ nữ dân tộc Chăm thêu khăn truyền thống MisPok ở ấp Châu Giang (Châu Phong, Tân Châu, An Giang) - là 1 trong 3 khách mời đặc biệt của chương trình. Ngay từ nhỏ, chị đã được mẹ truyền dạy cách thêu khăn, nuôi dưỡng trong lòng một niềm đam mê cháy bỏng với nghề thêu. Sau những năm tháng làm công nhân, chị đã quyết định quay về với nghề truyền thống, biến niềm đam mê thành hiện thực và góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, nhiều chị em thất nghiệp và mong muốn có việc làm tại quê nhà, cộng với sự giúp sức của Hội LHPN địa phương, chị Ha Ly Mah đã thành lập Tổ phụ nữ dân tộc Chăm thêu khăn truyền thống MisPok, nhằm phát triển nghề truyền thống một cách bài bản, chuyên nghiệp
Khăn MisPok là một sản phẩm thủ công mang đậm giá trị văn hóa, trở thành món quà ý nghĩa trong các dịp lễ trọng. Nhờ sự nỗ lực của chị Ha Ly Mah và các thành viên trong tổ, khăn MisPok đã được nhiều người biết đến và yêu thích, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và khẳng định vị thế của phụ nữ dân tộc Chăm trong xã hội.
Cũng là gương phụ nữ khởi nghiệp thành công dựa trên nguồn tài nguyên bản địa, chị Ma Ly Dâm - Tổ trưởng tổ may quần áo truyền thống dân tộc Chăm (thị trấn Đa Phước, An Phú, An Giang) cho biết: "Khi tham gia lớp học may Hội LHPN địa phương giới thiệu, tôi bắt đầu suy nghĩ đến việc may những bộ đồ truyền thống thật đẹp. Sau này, tôi tập hợp chị em cùng tham gia và nhân rộng mô hình. Hiện nay, tổ kinh doanh sản phẩm thổ cẩm truyền thống dân tộc Chăm phục vụ khách hàng tại địa phương, trong và ngoài nước, tham gia phát triển du lịch cộng đồng".
Tương tự, chị Hap Sroh (Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang) cũng mạnh dạn kinh doanh bánh kem online và bước đầu thành công với mô hình. Lúc trước, chị lên TPHCM làm việc. Sau đó, chị đi học lớp làm bánh và quyết định về quê lập nghiệp. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, chị đã xây dựng được tập khách hàng ổn định, tạo thu nhập, nâng cao kinh tế cho gia đình. "Thông qua chương trình, tôi muốn gửi lời nhắn đến tất cả chị em phụ nữ hãy luôn tin vào bản thân mình, không ngừng học hỏi và nâng cao kỹ năng. Với sự quyết tâm, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được những thành công như mong muốn", chị Hap Sroh nhắn gửi.
Kết nối thị trường online
Bên cạnh giới thiệu đến đông đảo chị em hội viên, phụ nữ DTTS gương "người thực việc thực" làm kinh tế giỏi để hun đúc ý chí vươn lên, ban tổ chức chương trình tổ chuỗi hoạt động như: Tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp, phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số; chuyên gia hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch tài chính, thanh toán không dùng tiền mặt và được giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ tài chính… Các hoạt động nhằm hỗ trợ phụ nữ DTTS thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế.
Phát biểu tại chương trình, bà Trần Thị Huyền Thanh - Trưởng ban Công tác phía Nam, Hội LHPN Việt Nam - nhấn mạnh: "Chương trình truyền thông nhằm giúp chị em phụ nữ DTTS trên địa bàn thay đổi "nếp nghĩ cách làm" từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất, phát triển kinh tế cũng như phát huy thế mạnh tài nguyên bản địa tại địa phương, giúp chị em nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình và tham gia đóng góp cho cộng đồng. Trung ương Hội LHPN Việt Nam tin tưởng các chị em phụ nữ sẽ là hạt nhân tiên phong thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc…".
Dịp này, ban tổ chức trao tặng 500 bộ quần áo mới cho mô hình "Trao yêu thương" của Hội LHPN tỉnh và 7.560 ly sữa cho trẻ em đồng bào DTTS tỉnh.
Phạm Thương