1. Kinh doanh

Giữa bão sa thải, cử nhân công nghệ ở Mỹ tìm đường làm cho chính phủ

Cử nhân ngành công nghệ ở Mỹ chật vật tìm việc giữa bão sa thải. Ảnh: Wall Street Journal.

Bốn năm trước, các công ty công nghệ ồ ạt tuyển dụng những sinh viên mới tốt nghiệp đại học và mang lại cho họ cơ hội việc làm đáng mơ ước. Bốn năm sau, khi lứa sinh viên mới nhất tốt nghiệp, họ lại phải vật lộn trong bối cảnh Thung lũng Silicon chứng kiến hàng nghìn vụ sa thải từ những công ty công nghệ.

Tình trạng này xuất hiện rõ nét nhất tại Đại học California, Berkeley - nơi vẫn luôn được xem là "vùng đất vàng" để các công ty công nghệ tuyển dụng nhân sự.

Hiện, một số công ty công nghệ lớn đã chấm dứt quan hệ đối tác tuyển dụng với trường. Kéo theo đó, sinh viên phải mất nhiều thời gian hơn mới có thể tìm được việc làm.

Tìm đủ cách để có việc làm

Để nâng cao cơ hội việc làm, nhiều bạn trẻ phải đăng ký thêm các khóa học về AI và Kỹ thuật dữ liệu - hai lĩnh vực không bị ảnh hưởng nặng nề như các lĩnh vực khác trong ngành công nghệ.

Trong khi đó, nhiều người khác lại chọn cách nộp đơn ứng tuyển tại các công ty nhỏ vì Google, Amazon và Meta đã cắt giảm hàng chục nghìn nhân sự trong 2 năm qua.

Không riêng sinh viên tốt nghiệp Đại học California, Berkeley, nỗi lo về chuyện tìm việc làm cũng đang lan rộng khắp nước Mỹ. Ngành công nghệ từng là miếng bánh lớn, thu hút người mới tốt nghiệp. Nhưng giờ đây, miếng bánh này biến mất, không còn công việc lương cao, cơ hội cũng thấp hơn rất nhiều.

Theo trang Layoffs.fyi - trang web theo dõi tình trạng cắt giảm việc làm ở Mỹ, tính đến thời điểm hiện tại, các công ty công nghệ ở nước này đã sa thải gần 140.000 nhân sự.

Tình trạng cắt giảm nhân sự có thể vẫn tiếp diễn trong thời gian tới vì các công ty ở Thung lũng Silicon ngày càng sử dụng trí tuệ nhân tạo nhiều hơn.

Theo Fortune, kể từ sau đợt tuyển dụng ồ ạt vào tháng 3/2022, số bài đăng tuyển kỹ sư phần mềm tại Mỹ đã giảm hơn 160%. Mức giảm này lớn hơn rất nhiều so với các vị trí không liên quan đến công nghệ.

Nhiều bạn trẻ phải học thêm những khóa mới để nâng cao cơ hội tìm việc ở Mỹ. Ảnh: Pexels.

Hướng đi mới là làm cho chính phủ

Bên cạnh việc đăng ký khóa học hoặc làm việc ở công ty nhỏ, nhiều lao động gen Z cũng tìm cách ứng tuyển vào các doanh nghiệp của chính phủ.

Cụ thể, báo cáo của Handshake cho thấy các sinh viên tốt nghiệp năm 2024 có xu hướng ứng tuyển vào các doanh nghiệp chính phủ nhiều hơn. Ước tính 7,5% lứa sinh viên này nộp đơn cho các vị trí công, trong khi con số ở khóa sinh viên tốt nghiệp 2023 chỉ ở mức 5,5%.

Nhìn chung, thị trường việc làm ở các doanh nghiệp nhà nước tương đối mạnh. Theo dữ liệu việc làm Mỹ, nước này đã tăng tổng cộng 254.000 vị trí việc làm, chủ yếu trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, khách sạn và cả vị trí trong chính phủ.

Trái lại, các lĩnh vực về dịch vụ thông tin, trong đó có công nghệ, lại tăng trưởng chậm, chưa đến 10.000 vị trí việc làm.

Do các vị trí việc làm về công nghệ có xu hướng đi xuống, các trường đại học phải tìm nhiều biện pháp để hỗ trợ sinh viên. Ví dụ, tại Đại học Carnegie Mellon, trung tâm nghề nghiệp của trường đưa ra lời khuyên cho sinh viên rằng "nên nhìn xa hơn".

Đại học Carnegie Mellon nổi tiếng với chương trình đào tạo về robot và khoa học máy tính. Trước đây, sinh viên của trường rất được Google và Uber săn đón. Năm nay, trường vẫn nằm trong top những nơi cung cấp nguồn nhân tài cho Thung lũng Silicon.

Đại diện nhà trường cho biết vẫn còn cơ hội cho sinh viên muốn gia nhập thị trường công nghệ, nhưng điều đáng tiếc là quy mô tuyển dụng đã bị thu hẹp khá nhiều kể từ sau đại dịch.

Do mất cơ hội tìm việc đúng ngành, một số sinh viên công nghệ phải làm việc trong lĩnh vực khác, ví dụ như tài chính.

Vì thế, nhà trường nhắc sinh viên thay vì chỉ tìm việc trên mạng, các bạn nên tham gia các sự kiện giao lưu và cởi mở hơn với nhà tuyển dụng. Cách này có thể giúp những người mới ra trường nâng cao cơ hội được tuyển dụng.

Thái An

Tin khác