Giữ nghề truyền thống
Theo những người làm nghề lờ, lọp, không ai biết nghề này được hình thành từ khi nào, chỉ biết đây là nghề cha truyền con nối. Thế hệ sau sinh ra và lớn lên đã được thế hệ trước trong gia đình như ông bà, cha mẹ hướng dẫn và truyền lại.
Ông Phạm Văn Ðây, đã ngoài 80 tuổi, ở Ấp 7, xã Khánh Bình Ðông, chia sẻ: "Theo tôi biết, nghề làm lờ, lọp ở đây có từ rất lâu rồi. Lúc đầu chỉ có vài nhà làm, thấy bán được, có thu nhập ổn định nên nhiều người làm theo. Có những lúc cả xóm đều làm. Nhưng lâu dần người ta cũng nghỉ bớt, giờ chỉ còn khoảng mười mấy hộ làm. Riêng tôi, nay đã lớn tuổi, không làm việc nặng được, thấy nghề này phù hợp nên vẫn duy trì. Nói chung, thu nhập từ nghề này cũng sống được và có niềm vui. Bây giờ mà nghỉ khoảng 3 ngày là cảm thấy buồn".
Cùng Ấp 7, xã Khánh Bình Ðông, ông Quách Văn Huối biết làm nghề lờ, lọp từ những năm mới giải phóng. Hiện tại, ông Huối đã 84 tuổi nhưng vẫn duy trì nghề này. Ông Huối chia sẻ: "Những năm trước đây, nhờ làm nghề lờ, lọp, nhiều người dân trong xóm này ổn định được cuộc sống. Hiện tại, mặc dù có nhiều người đã nghỉ, nhưng bản thân tôi vẫn còn làm lai rai, chớ làm nhiều như trước thì không nổi. Làm nghề này vừa kiếm thêm thu nhập, vừa truyền lại cho con cháu tiếp nối nghề truyền thống".
Hộ ông Lê Văn Ðông, Khóm 4, thị trấn Trần Văn Thời, là gia đình có 3 thế hệ làm nghề lọp. Mỗi năm, gia đình ông sản xuất và cung cấp cho thị trường hàng ngàn cái lọp lớn, nhỏ. Ông Ðông cho biết: "Nhà tôi làm lọp quanh năm, mùa khô thì làm trữ sẵn, đến mùa mưa sẽ có thương lái tìm đến thu mua, chở đi các huyện, các tỉnh khác để bán lại. Lúc trước chỉ làm lọp đặt cá thôi, bây giờ làm thêm lọp đặt cua để bán cho người dân vùng mặn. Tùy theo loại lọp và kích cỡ lớn, nhỏ sẽ có giá khác nhau, thường từ 70-300 ngàn đồng/cái. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng còn lời được từ 100-120 triệu đồng, đủ lo chi phí cho gia đình. Còn làm ruộng là nguồn để tích lũy".
So với các nghề khác, nghề làm lờ, lọp chủ yếu lấy công làm lời. Do không đòi hỏi tay nghề cao, người già và trẻ em đều có thể làm được nên nghề này tạo được việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Mặc dù những năm gần đây nhu cầu sử dụng lờ, lọp của người dân có giảm hơn so với trước, do nhiều địa phương đã chuyển dịch từ sản xuất lúa sang nuôi tôm, diện tích vùng ngọt ngày càng thu hẹp, nhưng một số hộ vẫn quyết tâm duy trì nghề truyền thống.
Nhằm giúp người dân duy trì và phát triển nghề truyền thống này, thời gian qua, các ngành liên quan và chính quyền địa phương có nhiều biện pháp hỗ trợ những người làm nghề, như thành lập các tổ hợp tác sản xuất để người dân có điều kiện liên kết, trao đổi kinh nghiệm hoặc tạo đầu ra cho sản phẩm./.
Anh Quốc