1. Kinh doanh

Giàu và sung sức nhưng vẫn không dám sinh con

Lottie Moore xuất thân từ một gia đình khá giả tại Anh, được đào tạo tại ngôi trường danh giá Oxford và đang làm nhà nghiên cứu chính trị, với mức lương khá trên 60.000 bảng Anh (khoảng 80.000 USD) một năm.

Nhưng ở tuổi 28, độ tuổi sung sức nhất của người phụ nữ trong vấn đề sinh nở, Moore lo sợ rằng không đủ khả năng sinh con vào thời điểm như mong muốn.

"Tôi không phải người duy nhất. Những bạn bè trong nhóm của tôi đều có chung sự bi quan như vậy. Tại sao những phụ nữ trẻ thành đạt như tôi lại cảm thấy thiên chức làm mẹ là điều ngoài tầm với?", cô chia sẻ.

Thu nhập cao vẫn không đủ nuôi con

Moore cho biết hoàn cảnh của cô không có gì bất thường. Cô là học sinh giỏi ở trường trung học và bước vào Đại học Bristol. Sau đó, cô tiếp tục học lên thạc sĩ tại Oxford.

Sau khi lấy bằng, cô chuyển đến London và được xếp vào lớp "giàu có" trong nhóm xã hội hàng đầu.

Moore cứ nghĩ rằng việc cô bước sang giai đoạn tiếp theo của cuộc đời và có con là hiển nhiên. "Nó đúng với cách mà tôi từng hình dung về bản thân khi lớn lên, cũng là những gì cha mẹ tôi và thế hệ trước đã làm. Tôi cứ nghĩ đến giữa độ tuổi 20, mình sẽ lập gia đình và có con".

Moore nói rằng dù có mức lương khá, cô không nghĩ mình đủ năng lực kinh tế để sinh con.

Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như kế hoạch. "Thực tế là trong tương lai gần, tôi không đủ khả năng để có con", Moore nói.

Cô gái 28 tuổi cho biết đang sống trong một căn hộ cho thuê với giá khá cao, cộng thêm chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ khiến cô không thể tiết kiệm.

Mặc dù thu có mức thu nhập cao hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa, Moore cũng không dư giả, dù cô không có lối sống xa hoa. Cô chắc rằng kinh tế hiện tại không đủ để trang trải cho việc nuôi con.

"Để mang đến một ngôi nhà ổn định cho một đứa trẻ là hoàn toàn không thể, khi tôi cứ chuyển từ căn hộ thuê này sang căn hộ thuê khác sau một vài năm, phụ thuộc vào ý muốn của chủ nhà", cô phân tích.

Giống như nhiều người trẻ khác, phải mất nhiều năm nữa cô mới có đủ khả năng tài chính để mua nhà riêng, và cô thấy mình không thể nào trang trải được các chi phí liên quan đến mọi thứ cần thiết khi nuôi con.

"Sau đó là vấn đề chăm sóc trẻ em mà ai cũng biết là rất tốn kém", cô nhấn mạnh.

Moore cho biết nếu được lựa chọn, khi có con, cô sẽ không muốn đi làm mà hy vọng trở thành một bà nội trợ toàn thời gian trong ít nhất 5 năm đầu. Nhưng cô không đủ khả năng làm điều đó, bạn bè cô cũng vậy.

Thay vào đó, cô sẽ phải giao việc nuôi dạy con cho một nhân viên nhà trẻ rồi làm việc quần quật để có tiền nuôi con.

"Ở tuổi của tôi, mẹ tôi đã sinh hai đứa con còn cha chu cấp cho gia đình. Tất nhiên, điều đó đi kèm với một vài khó khăn về tài chính, nhưng họ đã làm được. Việc mẹ lựa chọn ở nhà và chăm sóc chúng tôi sẽ bị nhiều người theo chủ nghĩa nữ quyền tự do coi là một sự lãng phí, trong khi thực tế thì ngược lại", Moore chia sẻ.

Không thể có tất cả

Cô nói rằng có một thế hệ phụ nữ trẻ sợ rủi ro như cô. Họ mong muốn mọi thứ phải hoàn hảo. Họ cho rằng không thể sinh con cho đến khi đủ khả năng chi trả cho việc nuôi dạy, thay vì coi việc lập gia đình là một quá trình tự nhiên.

"Chủ nghĩa nữ quyền tự do đã khuyến khích phụ nữ nghĩ rằng chúng ta có thể có tất cả. Chúng ta không thể! Rất ít người thừa nhận về thực tế rằng khi có con, bạn phải hy sinh thứ gì đó".

Theo Moore, chính phủ cần có nhiều chính sách tiến bộ để thúc đẩy phụ nữ sinh con.

Theo Moore, nếu muốn phá vỡ vòng luẩn quẩn của những phụ nữ trẻ như cô khi coi việc làm mẹ là một lựa chọn khó chấp nhận, cần có sự thay đổi.

"Tăng số lượng nhà ở giá rẻ sẽ là một giải pháp khởi đầu tốt. Chúng ta cần một chính phủ coi trọng thể chế gia đình. Những người mẹ mang nhiều giá trị hơn là những gì họ đóng góp cho nền kinh tế. Giải pháp cho cuộc khủng hoảng sinh nở không chỉ là để phụ nữ sinh con, rồi ném tiền cho họ để trả tiền cho người khác chăm sóc".

Theo cô, chính phủ nên có các chính sách để cha mẹ được ở nhà và chăm sóc con cái nếu muốn.

"Nếu muốn giải quyết cuộc khủng hoảng tỷ lệ sinh, chúng ta cần một sự thay đổi văn hóa nghiêm túc trong cách xã hội nhìn nhận việc sinh con. Khả năng sinh sản phải được coi là một lợi ích công cộng, không phải là một sự xa xỉ riêng tư. Nhưng về cơ bản, tỷ lệ sinh thấp không phải là hậu quả của các chính sách kinh tế, đó là một cuộc khủng hoảng văn hóa sâu sắc hơn nhiều", Moore kết luận.

Đinh Phạm

Theo The Telegraph

Tin khác