Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Đồng hành cùng thanh niên dân tộc thiểu số lập thân, lập nghiệp
Nhiều hoạt động đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp
Theo anh Nguyễn Việt Trường - Bí thư Thị đoàn Ngã Năm, thời gian qua, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” của đoàn thanh niên từ thị xã đến cơ sở được Ban Thường vụ Thị đoàn quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua các nội dung, như: tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển ý tưởng trong thanh niên; trao đổi về các câu chuyện khởi nghiệp, lập nghiệp và giao lưu với các thanh niên, đại diện các tổ hợp tác, hợp tác xã của thanh niên có mô hình khởi nghiệp thành công.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Ban Thường vụ Thị đoàn Ngã Năm đã chỉ đạo các cơ sở đoàn hỗ trợ các sản phẩm của thanh niên thực hiện OCOP. Trong năm 2024, đã có 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Đồng thời tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên về kỹ thuật gắn với tham quan thực tế các mô hình như: nuôi cá, ếch, lươn, nuôi vịt xiêm Pháp, nuôi gà sao kết hợp sử dụng men vi sinh phối trộn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn.
Thị đoàn chỉ đạo các đoàn xã, phường duy trì các mô hình kinh tế của thanh niên. Hiện nay trên địa bàn thị xã có các tổ hợp tác do thanh niên làm chủ, tiêu biểu như: tổ hợp tác trồng nấm rơm, tổ hợp tác nuôi cá (Phường 1); nuôi cá vèo (xã Vĩnh Quới); nuôi ếch, nuôi bò (xã Tân Long, xã Mỹ Quới); trồng chanh (xã Long Bình); nuôi cá vèo, nuôi bò (xã Mỹ Bình, Phường 3); nuôi bò (Phường 2)...
Anh Nguyễn Việt Trường cho biết: “Trên địa bàn thị xã Ngã Năm có 2 xã có đông thanh niên dân tộc thiểu số là Vĩnh Quới và Tân Long. Do đó Ban Thường vụ Thị đoàn chỉ đạo đoàn các địa phương quan tâm thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn trong việc khởi nghiệp, lập nghiệp tại quê hương, thông qua các hoạt động hỗ trợ con giống, vay vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tư vấn giới thiệu việc làm tại địa phương. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên dân tộc thiểu số có nền tảng, kiến thức, thông tin và nguồn lực để khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương”.
Để giúp thanh niên lập nghiệp tại quê hương
Từ những phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn thanh niên phát động và tổ chức, thị xã Ngã Năm có nhiều mô hình tiêu biểu trong đoàn viên, thanh niên, như: mô hình nuôi lươn thịt và chế biến sản phẩm lươn 1 nắng của đoàn viên Nguyễn Tấn Trạng ở Khóm 2, Phường 1; mô hình Câu lạc bộ Trồng nấm rơm của đoàn viên Lâm Chí Thấy ở khóm Tân Thạnh, Phường 2; mô hình nuôi cá - lúa của đoàn viên Ngô Văn Hảnh ở ấp Mỹ Hiệp, xã Long Bình; mô hình nuôi ếch của thanh niên Lâm Thanh Tuấn ở ấp Long An, xã Tân Long; mô hình nuôi cá lóc trong vèo của đoàn viên Lưu Quang Vinh ở ấp Long Thành, xã Tân Long…
Với tư duy năng động, đoàn viên dân tộc Khmer Lưu Quang Vinh ở ấp Long Thành, xã Tân Long tận dụng diện tích mặt nước của sông trước nhà đã phát triển mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới, thu lãi vài chục triệu đồng mỗi năm. Năm 2022, sau khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá lóc trong vèo và được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ngã Năm cho vay 20 triệu đồng, Vinh đầu tư mô hình nuôi cá lóc trong vèo rất thành công.
Anh Lưu Quang Vinh chia sẻ: "Thời điểm trước, gia đình gặp không ít khó khăn, chật vật, không biết làm nghề gì để kiếm thêm thu nhập. Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá lóc trong vèo lưới, tôi thử nghiệm nuôi 1.000 con giống cá lóc. Sau 3 tháng thì xuất bán, lãi trên 3 triệu đồng. Dần dần qua các năm, tôi được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã cho vay vốn, tôi tiếp tục tăng số lượng cá nuôi. Hiện nay, gia đình tôi nuôi trên 3.000 con cá lóc, thành phẩm xuất bán với sản lượng khoảng 1 tấn. Mỗi năm 2 vụ thu hoạch, tôi thu nhập vài chục triệu đồng mà không bỏ nhiều công chăm sóc, vẫn có thể làm thêm công việc khác".
Còn thanh niên Lâm Thanh Tuấn ở ấp Long An, xã Tân Long dám nghĩ, dám làm đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi ếch. Không đất sản xuất, anh Tuấn làm nhiều công việc khác nhau để trang trải cuộc sống gia đình. Đến năm 2010, anh Tuấn quyết định về quê khởi nghiệp nuôi ếch. Lân la tìm hiểu, xem xét thị trường, anh Tuấn quyết định mua 3.000 ếch con về nuôi thử nghiệm.
“Thời gian đầu, tôi tìm hiểu, nghiên cứu cách nuôi qua sách, báo và tham gia các lớp tập huấn nuôi ếch ở địa phương tổ chức. Trong quá trình nuôi, tôi gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, nguồn thức ăn và đầu ra. Sau thời gian, tôi tích lũy được kinh nghiệm nuôi, tìm được đầu ra ổn định, cung cấp thịt ếch cho cửa hàng thực phẩm ở Cần Thơ, tôi đã mở rộng quy mô nuôi và cung cấp ếch giống cho người dân”, anh Tuấn chia sẻ.
Để chủ động con giống, anh Tuấn dành 1 bồn để thả 20 cặp ếch giống. Những cặp ếch giống này được nuôi trong thời gian từ 8 - 9 tháng là đẻ trứng. “Trong quá trình ếch đẻ trứng, phải quan sát hai bên lườn bụng ếch, nếu thấy nhám thì cho vào bể ép đẻ, sinh sản. Đặc biệt, tôi không dùng thuốc kích để ép đẻ, mà dùng loa phát ra âm thanh để kích cho ếch sinh sản”.
Do đặc thù ếch tăng trưởng nhanh nên khoảng 3 tháng chăm sóc là ếch đã có thể xuất bán được, mỗi năm anh có thể nuôi 4 đợt. Về đầu ra cho sản phẩm, anh Tuấn cho biết hiện nay xuất bán cho một số cửa hàng, giá bán khoảng 45.000 đồng/kg, mỗi đợt anh Tuấn nuôi khoảng 2.000 con ếch thịt và xuất bán khoảng 30.000 - 40.000 con ếch giống, thu lãi mỗi năm vài chục triệu đồng.
Với tinh thần chịu khó, ham học hỏi, bên cạnh việc gia tăng sản xuất, anh Tuấn còn làm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm - Vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội ấp, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống, kỹ thuật sản xuất để nhiều thanh niên cùng tham gia phát triển kinh tế. Hiện nay, kinh tế gia đình anh Tuấn có bước phát triển, vươn lên thoát nghèo và lo cho 3 đứa con ăn học đến nơi đến chốn.
Anh Nguyễn Việt Trường cho biết: “Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thị đoàn Ngã Năm tiếp tục đẩy mạnh các phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong đoàn viên, thanh niên, chỉ đạo các đơn vị đoàn xã, phường duy trì các mô hình kinh tế, các tổ hợp tác do thanh niên làm chủ; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, nhất là vốn ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã để hỗ trợ cho các bạn có mô hình, phương án sản xuất, giúp các bạn phát triển, mở rộng mô hình, góp phần tăng thu nhập, kinh tế hộ gia đình; tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình có hiệu quả trong thanh niên”.
Bằng sức trẻ, sự năng động cùng tinh thần xung kích, sáng tạo, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thị xã Ngã Năm, đặc biệt đoàn viên, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã vượt khó làm giàu chính đáng, từng bước hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
CHÍ BẢO