1. Kinh doanh

Giải pháp bán thực phẩm an toàn trực tuyến của các doanh nghiệp xanh

Các sản phẩm rau an toàn được tiêu thụ khá lớn từ hình thức online

Thực phẩm an toàn cũng không nằm ngoài xu thế này, cho nên nhiều đơn vị sản xuất thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn đã không ngần ngại tham gia thị trường online đầy tiềm năng. Thực phẩm là mặt hàng khó vận chuyển do hạn sử dụng ngắn, nhưng các nhà cung cấp thực phẩm an toàn đã có nhiều giải pháp để có chỗ đứng vững chắc trên kênh bán hàng trực tuyến.

Bắt nhịp trực tuyến

Mạng xã hội - nơi buôn bán nhiều mặt hàng, trong đó phổ biến nhất là thực phẩm. Việc mua, bán hàng hóa chủ yếu tin vào lời cam kết hàng sạch, hàng không chất bảo quản. Hay nói cách khác, các nhà cung cấp đang bán hàng bằng "niềm tin" theo đúng nghĩa đen.

Chị Bùi Bích Liên, Chủ nhiệm HTX Mạnh Liên (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ)

Vốn là những người nông dân gắn bó với đồng ruộng, chị Bùi Bích Liên, Chủ nhiệm HTX Mạnh Liên (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) luôn trăn trở khi thấy người tiêu dùng phải sử dụng các loại rau, quả không đảm bảo chất lượng, tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản, kích thích tăng trưởng, phân hóa học.

Do đó, khi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, HTX đã đầu tư xây dựng nhà màng, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp an toàn, đồng thời thay đổi tư duy trong sản xuất để góp phần bảo vệ môi trường. Các giống cây được trồng chủ yếu là dưa lưới, dưa chuột, cà chua, măng tây, các loại rau, củ, quả theo mùa.

Trẻ mầm non trải nghiệm thu hoạch nông sản

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra, HTX luôn giám sát, hướng dẫn thành viên, người lao động sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các thông tin từ lúc trồng, chăm sóc đến thu hoạch được ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký để tiện cho việc theo dõi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Theo đánh giá của đại diện Ủy ban nhân dân xã Hương Nộn, mô hình rau củ quả công nghệ cao của HTX Mạnh Liên đang là một trong những mô hình sản xuất sạch, chất lượng cao tiêu biểu ở địa phương.

Chị Liên cho biết, để đầu ra của sản phẩm được dồi dào như hiện nay, HTX đã tiến hành bán online là chính.

"Mặc dù không tham gia các sàn điện tử nhưng đầu ra vẫn rất ổn định qua kênh bán hàng fanpage. Chúng tôi bán trên fanpage để có thể tư vấn đầy đủ cho khách hàng về chất lượng, nguồn gốc, các bảo quản rau, củ, quả", chị Liên cho biết.

Chị Phạm Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty CP Vitamin D2 Organic (Nghệ An)

Từ niềm đam mê với dinh dưỡng hữu cơ, chị Phạm Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty CP Vitamin D2 Organic đã "dồn hết vốn liếng" để làm sản phẩm sữa hạt, nước ép rau củ. Mới đầu chị đến HTX rau, củ, quả an toàn ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có quy trình trồng trọt và chăm sóc chuẩn hữu cơ, có giấy chứng nhận Globalcert để tìm hiểu. Sau khi khảo sát chắc chắn rằng nguyên liệu đó là thật sự an toàn và chuẩn hữu cơ, chị kết hợp với công thức mà bản thân pha chế đã được sự tư vấn và kiểm duyệt của các chuyên gia viện dinh dưỡng để cho ra dòng sản phẩm dinh dưỡng hữu cơ.

Sản phẩm của D2 do chị Dung nghiên cứu là những sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc từ vùng nguyên liệu đã có chứng nhận vùng trồng. Và để đưa dòng sản phẩm đi xa hơn, chị đã nỗ lực nghiên cứu mở rộng thị trường qua phương thức trực tuyến. Đây cũng là một trong những kỹ năng kinh doanh online bền vững mà chị muốn chia sẻ.

"Đối với quan điểm của tôi, để kinh doanh online bền vững thì yếu tố con người và nguồn gốc, chất lượng sản phẩm là quan trọng nhất. Ngày nay việc kinh doanh online đã trở nên rất phổ biến, các đơn vị bán hàng từ các hộ kinh doanh nhỏ đến các công ty lớn mọc lên rất nhiều nên việc cạnh tranh khá khốc liệt. Cho nên việc đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẽ khiến sản phẩm đủ sức cạnh tranh. Chất lượng và nguồn gốc luôn là vấn đề cốt lõi cho sự bền vững của một doanh nghiệp hữu cơ", chị Dung chia sẻ.

Đảm bảo chất lượng và nguồn gốc "sạch"

Chị Hồ Thị Nhực bên những sản phẩm của HTX Chả ống tre Cocimo

HTX Chả ống tre Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) bấy lâu nay đã cho ra những sản phẩm truyền thống thơm ngon như Chả bê ống tre, Chả tôm ống tre, Chả heo ống tre, Tôm chua ống tre. Cũng như nhiều doanh nghiệp cung ứng thực phẩm an toàn khác, chị Hồ Thị Nhực, chủ doanh nghiệp cũng phải đối mặt với quá trình tìm kiếm đầu ra bền vững cho sản phẩm.

Chị Nhực cho biết, nhiều gia đình, đặc biệt gia đình trẻ sinh sống ở các khu chung cư đang coi mua hàng online là giải pháp tiện ích, phù hợp với cuộc sống bận rộn. Để chuẩn bị bữa cơm gia đình, một số người chỉ cần cầm điện thoại, lướt vào chợ online vài phút là đã sắm đủ loại thực phẩm tươi sống được quảng cáo tươi, ngon, sạch, nhà trồng, không hóa chất, không chất bảo quản. Tỷ lệ người dân tìm mua hàng qua mạng xã hội tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, khi mua hàng cũng có những rủi ro nhất định, như thực phẩm có chất bảo quản, hoặc bảo quản không đúng quy định của nhà sản xuất,...

Chính vì vậy, để khách hàng tin tưởng thì sản phẩm phải thực sự đảm bảo an toàn, đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm phải rõ ràng, nếu không, khách chỉ mua một lần rồi "quay xe".

Có thể thấy, với sản phẩm được bán online không được cơ quan kiểm soát, xác nhận như hiện nay, nhiều sản phẩm đến tay người dùng trong tình trạng "3 không": không nhãn mác, không nguồn gốc và không có hạn dùng. Song người mua hầu như không quan tâm bởi tin tưởng vào người bán.

Việc kinh doanh thực phẩm online đang ngày càng phát triển và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người tiêu dùng. Và để kinh doanh bền vững, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín của đơn vị, khẳng định chỗ đứng trên thị trường bằng niềm tin của khách hàng.

Thực phẩm được gọi là an toàn khi sản phẩm có đầy đủ thông tin về nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm phải bảo đảm giữ chất dinh dưỡng, không bị ô nhiễm từ các tác nhân sinh học, không bị nhiễm hóa chất, không gây ngộ độc, được chế biến bảo đảm vệ sinh, không nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

An Khê

Tin khác