1. Kinh doanh

Giá sản phẩm thủ công mỹ nghệ không thể tính bằng nguyên liệu đầu vào

Đây là một trong những nội dung được nhiều DN, HTX quan tâm tại Diễn đàn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử, tổ chức ngày 4/10.

Đi ngược lại xu hướng phát triển bền vững

Anh Nguyễn Văn Duy, founder của thương hiệu gốm sứ Luxury (Hà Nội), cho biết đơn vị của anh bắt đầu bán các sản phẩm gốm sứ từ 10/2022 đến nay. Sau 2 năm, kênh bán hàng trên sàn Tik Tok đã có 100 nghìn lượt bán và 70% doanh thu của doanh nghiệp là đến từ Tiktok.“Có thể thấy, Tiktok chính là 'cần câu cơm' cho chúng tôi, chỉ cần bật điện thoại lên có thể kiếm tiền”, anh Nguyễn Văn Duy chia sẻ.

Còn tại HTX mật ong Phương Di, so với cùng kỳ năm 2023, doanh thu của HTX đã tăng trưởng 64%. Kênh Tik Tok cũng đạt 264 nghìn lượt yêu thích và 92 nghìn lượt theo dõi với hơn 35 nghìn lượt mua.

Có thể thấy, những đơn vị này đã và đang thành công khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Trong khi nhiều người cho rằng mặt hàng thủ công mỹ nghệ, OCOP, nông sản rất khó bán trên sàn thủ công mỹ nghệ vì cồng kềnh, dễ vỡ, hạn sử dụng ngắn…

Anh Nguyễn Văn Duy cho rằng, gốm sứ là sản phẩm có giá trị cao, lại dễ vỡ trong quá trình vận chuyển, gửi hàng. Những ngược lại sau khi vận hành lại hệ thống, làm việc kỹ với các sàn thương mại điện tử, đến nay, hàng hóa của doanh nghiệp này vận chuyển đi bảo đảm chất lượng tuyệt đối.

Các sản phẩm gốm sứ vẫn có thể bán thuận lợi trên các sàn thương mại điện tử. (Ảnh Phạm Hòa).

Trước những thành công của HTX, doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung Tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp, cho rằng việc đưa các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, OCOP, nông sản lên các sàn thương mại điện tử là rất cần thiết. Bởi theo ông, cả nước hiện có khoảng 5.000 làng nghề khác nhau nhưng trước đây và bây giờ vẫn còn tình trạng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xác định giá bán bằng lượng nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu đầu vào và ngày công tạo ra hàng hóa.

“Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tính tinh xảo, với những ý tưởng và giá trị thẩm mỹ cao nhưng bán theo ngày công và giá nguyên liệu đầu vào đang đi ngược với xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững, sử dụng ít nguyên liệu mà ngành nông nghiệp đang hướng tới”, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.

Nhưng khi nhìn sang Trung Quốc, cũng là sản phẩm gốm sứ nhưng giá thành sản phẩm mà họ bán ra rất cao, 95% sản phẩm gốm sứ của các doanh nghiệp, HTX ở Trung Quốc hiện nay là bán qua các sàn thương mại điện tử.

Điều này có được một phần là họ không bán sản phẩm bằng “kg đồng, kg sắt nguyên liệu đầu vào và giá ngày công mà họ chú trọng bán sản phẩm bằng sự tính xảo, bằng chất xám để tăng được giá trị sản phẩm.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, muốn bán được hàng thủ công mỹ nghệ, OCOP trên sàn thương mại điện tử giống như Trung Quốc, các HTX, doanh nghiệp Việt phải kể câu chuyện sản phẩm, phải biết cách kết hợp với công nghệ.

“Nếu không làm được điều này mà chỉ quan tâm bán bằng kg đồng, kg sắt thì 5.000 làng nghề sẽ mai một vì nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, người trẻ ngày càng dịch chuyển sang làm khu công nghiệp”, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết.

Tận dụng mỏ vàng thương mại điện tử

Theo thống kê của Metric, người Việt đã chi khoảng 156.000 tỷ đồng để mua sắm trên 5 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tik Tok Shop) lớn nhất Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024.

Đặc biệt, trung bình một người tiêu dùng đã có khoảng 4 lần/tháng, 8 giờ/tuần để mua sắm online. Mỗi người mua hàng ít nhất trên 2 sàn thương mại điện tử, cao hơn nhiều lần so với số lần đi siêu thị.

Điều này được cho là đang giúp các HTX, doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, OCOP mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh nếu biết nắm bắt sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc quan hệ chính phủ Tik Tok shop cho rằng, thủ công mỹ nghệ, ngành nghề truyền thống tưởng chừng không phù hợp khi bán hàng trên Tiktok nhưng thực chất nó không chỉ phù hợp mà còn là 'mỏ vàng' cho những đơn vị thuộc lĩnh vực này.

Bởi nghệ nhân, thành viên HTX, người lao động trong ngành nghề này đều có ba nhu cầu chính đó là danh tiếng, quyền lực, lợi ích. Cả ba vấn đề này, Tiktok đều có thể hỗ trợ được. Chỉ cần thành viên HTX làm một video và video đó lên xu hướng thì sẽ lan tỏa, từ đó mang lại nguồn lợi không nhỏ cho HTX, doanh nghiệp. Điều này giải quyết được những khó khăn mà các HTX, làng nghề đang gặp phải là khó bán hàng, thu nhập chưa cao...

Một vấn đề cần quan tâm nữa là hiện nay, Nhà nước đang hướng người dân, HTX sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, và đặc biệt là phát triển sản phẩm nông nghiệp đa giá trị.

Do đó, muốn tạo ra những nông sản, hàng hóa đa giá trị, HTX , doanh nghiệp phải lồng ghép câu chuyện sản phẩm khi bán hàng để tạo cảm xúc, thu hút người mua.

Khảo sát của các nhà khoa học cho thấy, khoảng 70% người tiêu dùng quyết định và có ý tưởng mua sắm ngay từ khi ở nhà. Do đó, nếu không có cách thu hút người mua bằng câu chuyện sản phẩm thì các đơn vị bán hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP rất khó tiêu thụ.

Trong khi hình thức bán hàng online, livestream mới giúp HTX , doanh nghiệp có đủ không gian, thời gian để kể về câu chuyện sản phẩm thay vì bị gò bó như cách bán hàng truyền thống.

Huyền Trang

Tin khác