Giá quả cau tăng cao, nhiều người dân thu về hàng trăm triệu đồng
Mảnh vườn của ông Phùng Văn Chính (65 tuổi) trú xã Tiên Lãnh, H. Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) trồng 3.000 cây cau, trong đó có 200 cây trồng đang thu hoạch quả. Với giá cau năm nay, ông Chính ước tính thu về hơn 250 triệu đồng. Ông Chính phấn khởi tâm sự, cây cau được người dân trồng quanh vườn nhà tạo cảnh quan, lấy trái ăn trầu và bán chủ yếu dịp Lễ, Tết. Tùy theo thổ nhưỡng, cây cau trồng khoảng 5 năm bắt đầu ra quả, mỗi cây từ 2-5 buồng. Cây cau rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và đặc biệt là chống chọi với gió bão tốt, ít bị ngã đổ.
“Trước đây, thương lái đến vườn thu mua cau số lượng ít và giá rất thấp. Những buồng cau già thì tôi cắt bỏ để cây phát triển, ra quả vụ sau. Nhưng mấy năm trở lại đây, nhiều thương lái đến tận vườn thu mua quả cau với giá cao. Tùy theo nhu cầu thị trường, có năm họ mua quả cau từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, có năm giá thấp chỉ 13.000 đến 15.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, giá quả cau đầu mùa đã 70.000 đồng/kg, đầu tháng 10 giá cao tăng 94.000 đồng/kg. Nhận thấy nhu cầu mua quả cau tăng, tôi ươm giống trồng thêm 2.800 cây cau xen với các loại cây ăn quả với mong muốn sẽ làm giàu từ loại cây này”, ông Chính tâm sự.
Khi quả cau bắt đầu có giá, ông Nguyễn Sáu (60 tuổi, trú xã Duy Châu, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) quyết định ươm trồng hơn 300 cây cau thay thế các loại cây hoa màu trong vườn. Sau 6 năm được chăm sóc tốt, vườn cau của ông Sáu đã bắt đầu ra quả đúng thời điểm giá cau tăng cao. “Cây cau tôi mới trồng được 6 năm nên mới ra từ 2-4 buồng và quả chưa nhiều. Từ đầu mùa, đã có thương lái đến gặp muốn mua luôn cả vườn giá 50 triệu đồng nhưng tôi không đồng ý nên họ hái mua theo kg. Họ cân cả buồng cau giá 35-40.000 đồng/kg, hiện nay giá tăng lên 70-75.000 đồng/kg. Với giá cả này thì tôi ước tích thu về hơn 70 triệu đồng. Đối với người làm nông, số tiền này là rất lớn, giúp gia đình tôi giải quyết được rất nhiều công việc, ổn định cuộc sống”.
Theo một chủ vựa thu mua cau, quả cau tươi mua về sẽ cho vào nồi hơi luộc chín, sau đó sấy khô rồi xuất sang thị trường Trung Quốc làm kẹo chống viêm họng, giữ ấm cơ thể. Nguyên nhân giá cau năm nay tăng cao là do nguồn cung bị thiếu hụt, sản lượng cau trên đảo Hải Nam (Trung Quốc) vừa rồi bị thiệt hại nặng do bão Yagi.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết nguồn đầu ra tiêu thụ mạnh qua các nước Trung Quốc, Ấn Độ nên kéo theo giá tăng cao. Hiện toàn tỉnh có gần 1.000ha trồng cau, tập trung chủ yếu ở huyện Tiên Phước, Bắc Trà My. Sản lượng bình quân đạt gần 8.000 tấn một năm. “Để tránh việc được mùa mất giá, được giá mất mùa, ngành nông nghiệp đang tính toán giải pháp. Đây mới là năm đầu tăng giá nên cần theo dõi, sau đó đưa ra khuyến cáo người trồng”, ông Vũ nói.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng là địa phương có diện tích trồng cây cau rất lớn. Ông Lê Văn Dũng (70 tuổi, trú xã Hành Đức, H. Nghĩa Hành) phấn khởi chia sẻ, mảnh vườn của gia đình nằm lưng chừng đồi nên trồng các loại cây ăn quả và xen canh gần 400 cây cau. Mấy năm nay, giá cau tăng “đột biến” đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Từ đầu vụ đến nay ông bán 3 đợt, thu được hơn 200 triệu đồng.
Theo ông Phan Công Huân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hành, toàn huyện có gần 750ha trồng cau. Cau được giá mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng. Những năm gần đây, người dân tập trung trồng và chăm sóc cây cau, tuy nhiên để độc canh loại cây này thì không ổn vì thị trường bấp bênh, chỉ nên trồng xen canh. Ngay khi quả cau có giá trị, chính quyền huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã hỗ trợ người dân kỹ thuật, cây giống để trồng mới gần 300ha cau. Hiện tại trên địa bàn huyện Sơn Tây trồng khoảng 1.000ha cây cau. Giá cau tăng giúp nhiều hộ dân nơi đây có nguồn thu nhập trang trải đời sống.
Hiện nay, nhiều người dân “đổ xô” trồng cây cau với diện tích lớn. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng khuyến cáo, khi nguồn “cung vượt quá cầu” thì giá cau sẽ thấp. Do đó, người dân nên cân nhắc khi trồng độc canh loại cây này với diện tích lớn.
QUỲNH TRANG