Giá cao vẫn là rào cản lớn đối với sản phẩm xanh
Khảo sát “Nhận thức và Hành vi tiêu dùng xanh 2024” do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện trong 2 tháng (8 và 9 năm 2024) tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy ngay tại hai trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất cả nước nhưng tỷ lệ người tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến cũng chỉ chiếm khoảng 12% - 18%.
GIÁ CAO VẪN LÀ RÀO CẢN LỚN NHẤT
Khảo sát cũng cho thấy đối tượng khách hàng chính yếu của các sản phẩm xanh hiện nay là người tiêu dùng trong độ tuổi từ 31- 45 tuổi, trình độ đại học, có nghề nghiệp ổn định và mức thu nhập từ 15- 30 triệu.
Đồng thời, rào cản lớn nhất đối với người tiêu dùng hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao (với 78% người tiêu). Rào cản nữa là sự sẵn có (độ phủ) sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh...
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể khi người tiêu dùng trong nước hiện nay có nhận thức và thái độ khá tích cực đối với tiêu dùng xanh, có sự hiểu biết về các khía cạnh cơ bản của khái niệm “tiêu dùng xanh”.
Trong đó, 55% người tiêu dùng được hỏi đã chọn mua sản phẩm xanh căn cứ vào quy trình sản xuất bền vững, có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện môi trường; 59% người tiêu dùng cho biết họ sẽ gia tăng sử dụng sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh trong thời gian tới.
Đồng thời, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả tăng thêm để có thể sử dụng sản phẩm xanh ở những mức độ khác nhau,. Trong đó mức độ chi trả tăng thêm được hưởng ứng nhiều nhất là 5%- 10% so với sản phẩm thông thường.
Tại buổi họp báo chiều 30/10 công bố kết quả khảo sát, ông Nguyễn Văn Phượng, Phụ trách điều tra thị trường, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay.
Theo ông Phượng, hiện người tiêu dùng biết đến sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh nhiều nhất từ các thông tin qua mạng internet, các nguồn thông tin (kinh nghiệm bản thân, người thân, người bán…) được tiếp cận với tỉ lệ nhất định (dưới 40%).
“Thông qua việc tiếp cận các kênh thông tin về tiêu dùng xanh cho thấy đối với hầu hết người tiêu dùng vấn đề tiêu dùng xanh vẫn còn khá mới, với tâm thức chưa có nhiều trải nghiệm tiêu dùng nên thông tin trên mạng trở thành nguồn thông tin chủ đạo”, ông Phượng cho biết.
Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, ông Phượng cho rằng doanh nghiệp cần phải có chiến lược rõ ràng và mạnh mẽ hơn, đồng thời tìm cách hợp tác chặt chẽ với chính quyền, tổ chức và người tiêu dùng để thúc đẩy một tương lai tiêu dùng bền vững hơn.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân (Duy Tân Recycle), khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất "xanh" không chỉ cần tập trung vào thị trường nội địa mà còn phải hướng đến sản lượng xuất khẩu. Trong đó, quan tâm đến các tiêu chuẩn là điều tiên quyết.
“Mỗi quốc gia sẽ có những tiêu chuẩn riêng. Đơn cử, tại châu Âu và châu Mỹ có những chứng nhận khác nhau, song đều quan tâm đến các sản phẩm có chứng nhận organic”, ông Lê Anh cho biết.
36 Ý TƯỞNG TIẾN VÀO CHUNG KẾT KHỞI NGHIỆP XANH
Cũng trong chiều 30/10, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức công bố vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp xanh - Phát triển bền vững lần 10 năm 2024”.
Theo đó, vòng chung kết cuộc thi sẽ được tổ chức trong 2 ngày 9 và 10/11/2024 với sự tham gia của 36 ý tưởng/dự án; 36 dự án này vượt qua hơn 160 dự án khác để lọt vào vòng chung kết.
Theo ban tổ chức, vòng chung kết chia làm 2 bảng gồm bảng A với 12 dự án và bảng B với 24 dự án. Bảng A là dự án cá nhân/nhóm có ý tưởng, đang trong quá trình nghiên cứu và đã có sản phẩm mẫu, sản phẩm đã ra thị trường; Bảng B là dự án cá nhân, tập thể thuộc tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ đã được thương mại hóa…
Các dự án của 26 tỉnh, thành, trải dài từ Bắc – Trung – Nam, như: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang.
Trong đó, có nhiều bạn trẻ, thanh niên nông thôn là đồng bào các dân tộc như Dao, Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái, Raglai… tham gia với các dự án từ tài nguyên bản địa quê mình.
Theo đánh giá từ Ban giám khảo cuộc thi, các dự án năm nay có nhiều doanh nghiệp đã phát triển mạnh, dù ra đời chưa quá 5 năm. Họ có sự vượt trội bởi đã biết kết hợp các yếu tố công nghệ, thương mại điện tử trong bán hàng, bên cạnh việc tuân thủ sản xuất theo các tiêu chuẩn cao của thế giới.
Do đó, các dự án nhỏ hơn có cơ hội trao đổi, học hỏi và kết nối cùng những dự án lớn hơn để hình thành những mạng lưới hỗ trợ cho việc khởi nghiệp, kinh doanh.
Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm BSA, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, cho biết: “Một điều rất quý ở các dự án trong mạng lưới Khởi nghiệp Xanh là nhiều dự án đoạt giải từ các mùa trước luôn có sự đồng hành, chia sẻ thông tin và kết nối cùng nhau trong các hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Qua đó, truyền cảm hứng và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp xanh, phát triển bền vững, hình thành một thế hệ doanh nông mới, tự tin khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp. Muốn phát triển bản thân, tạo sinh kế cho gia đình và cộng đồng cũng như phát triển nhiều sản phẩm hay, tốt cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, thiên nhiên.
Vân Nguyễn